Nhà bè cứu dân vùng rốn lũ Tân Hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chiều 16-10, khi nước lũ vẫn còn mấp mé mái nhà, căn nhà bè trở thành chiếc phao cứu hàng ngàn người dân Tân Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) thoát khỏi cơn lũ dữ.

Trưa 16-10, đỉnh lũ đã bắt đầu xuống nhưng mọi con đường vào Tân Hóa vẫn bị nước bao vây, việc đi lại bị chia cắt hoàn toàn. Hàng trăm người dân, cán bộ tập trung ở bến thuyền thôn Lạc Thiện (xã Minh Hóa) đưa mì gói, nước uống lên thuyền vào Tân Hóa để tiếp tế cho người dân.

 

Nước ngập gần đến mái nhà buộc người dân ở rốn lũ Tân Hóa phải qua ở trong các căn nhà bè.
Nước ngập gần đến mái nhà buộc người dân ở rốn lũ Tân Hóa phải qua ở trong các căn nhà bè.

“Nhà bè đã cứu sống dân tôi”

Dòng nước từ thượng nguồn về như thác đổ khiến thuyền đưa chúng tôi vào xã Tân Hóa mất hai giờ đồng hồ. Những ngôi làng Yên Thọ, Cổ Liêm… hai bên dòng sông vẫn còn chìm nghỉm trong nước.

Đã bao mùa cùng người dân Tân Hóa gồng mình chống lũ dữ, trung tá Đinh Cao Quang, phó Công an huyện Minh Hóa, nói dù ở cái xứ vùng cao nhưng dân Tân Hóa năm nào cũng gặp mấy cơn lũ. Năm lũ ít thì nước ngập sàn nhà, lớn thì nước ngập đến mái. Cảnh nước ngập đến mái nhà không còn xa lạ gì với dân Tân Hóa.

“Nhưng lũ vẫn là nỗi ám ảnh đối với người dân vùng cao này. Cứ mỗi mùa lũ đi qua thì tất cả tài sản của bà con mất hết. Có năm bà con được mùa ngô lúa nhưng khi lũ về một trận thì cả làng không còn một hạt thóc khô, mọi thứ bị trôi mất hết.

Tuy nhiên, từ sau cơn đại hồng thủy năm 2010 thì mọi thứ đã thay đổi. Giữa cái khó khăn tận cùng sau cơn đại hồng thủy, dân đã sáng chế ra chiếc nhà bè. Và từ đó nhà bè trở thành phao cứu dân trong mùa lũ” - ông Quang tâm sự.

 

Người dân ở rốn lũ Tân Hóa ở trong các căn nhà bè.
Người dân ở rốn lũ Tân Hóa ở trong các căn nhà bè.

Thuyền đưa chúng tôi về làng Cổ Liêm lúc xế chiều. Lúc này nước vẫn còn mấp mé hàng chục ngôi nhà. Ở trường tiểu học, ủy ban xã, nước vẫn còn ngập ngang bụng người. Lúc chúng tôi vào ủy ban xã cũng là lúc chủ tịch xã Ngô Thanh Đá cùng hai công an viên chất mì gói, nước uống lên thuyền đến cứu trợ cho các gia đình nghèo.

Ông Đá nói: “Mấy phần quà này hội từ thiện họ vừa chuyển vào nên bây giờ mình đưa về cho kịp với bà con. Mấy gia đình nghèo họ rất cần”.

Thuyền chúng tôi cố tránh dây điện, bụi tre len lỏi khắp làng để chứng kiến cuộc sống “mùa nước nổi” của người dân Tân Hóa như lời giới thiệu của ông Đá. Nhìn hàng chục bà con sống bình an qua cơn lũ dữ, ông Đá nói với giọng đầy tự hào:

“Các anh thấy không, bây giờ dân vùng cao Tân Hóa mình chỉ có hai mùa thôi. Đó là mùa nắng dân lo làm ăn, chứ từ tháng 9 trở đi là bước vào mùa nước nổi. Cả xã bây giờ hơn một nửa hộ đã sắm được nhà bè”.

Ông Đá tâm sự rằng không ai tin một ngày dân Tân Hóa có thể sống an toàn giữa mùa nước lũ như lúc này.

“Trước năm 2010 cả xã Tân Hóa không ai có nhà bè. Cứ mỗi lần lũ đến là cha con bỏ lại nhà cửa bồng bế nhau chạy lên lèn đá để trốn. Ngày đó, sau khi con lũ rút đi thì cuộc sống dân mình trắng tay vì mọi thứ đều đã trôi theo nước.

Tôi nói thật lúc lên làm chủ tịch xã tôi cũng run lắm vì không biết làm cách gì để lo cuộc sống cho dân vào mùa lũ. Hồi đó cứ mỗi năm lũ về là xã mất mấy mạng người”.

 

Giờ đây nhà bè trở thành chiếc phao cứu sinh cho dân Tân Hóa trong mùa lũ.
Giờ đây nhà bè trở thành chiếc phao cứu sinh cho dân Tân Hóa trong mùa lũ.

Mùa nước nổi ở vùng cao

Đến xế chiều, chúng tôi cập mạn thuyền vào nhà ông Trương Minh Phương ở thôn Yên Thọ (xã Tân Hóa). Ông Ngô Thanh Đá nói với anh công an viên lái thuyền: “Em cho mái nhẹ một tí kẻo sóng mạnh quá cuốn mất mái ngói của bà con”.

Lúc này, trong căn nhà bè mọi người đang tất bật, lửa đã nhen lên chuẩn bị bữa cơm chiều ngày lũ.

Căn nhà bè của ông Phương nổi lên theo con nước cách mặt đất 4m. Dù cơn lũ năm nay nước đổ về bất ngờ trong đêm tối nhưng ông Phương nói do có nhà bè nên mọi thứ đều an toàn.

“Đêm 14 nước lên rất mạnh nhưng gia đình tôi bình tĩnh chất mọi thứ lên căn nhà bè rồi nó nổi dần lên theo con nước. Các anh thấy đó, căn nhà này rất tiện lợi, tôi để được mấy tạ thóc, tivi, xe máy, đồ đạc trong nhà đều chất lên đây hết. Có căn nhà bè này mấy đứa cháu nhỏ cũng yên tâm không lo sợ bị xuống nước chết chìm như trước”.

Căn nhà của ông Phương làm hết 40 triệu đồng, là nhà bè to nhất của làng. Ông Phương kể lý do có căn nhà bè này là vì sau trận lũ năm 2010 các cụ già ngồi lại với nhau bàn kế “sống chung với lũ”.

Ban đầu, vào giữa năm  2011, một vài gia đình mua thùng phuy, lên rừng chặt gỗ về làm căn nhà nổi. Chỉ cho chúng tôi xem hàng chục căn nhà bè đang nổi lềnh bềnh trên nước, ông Phương nói rằng đó không phải là sáng tạo gì ghê gớm mà nó sinh ra theo kiểu “trong cái khó ló cái khôn”.

“Dân mình tìm tòi sáng chế ra để cứu lấy dân mình chứ khi lũ đến mà chờ người khác đến cứu thì không kịp rồi, lúc đó muộn thì dân đã chết rồi. Căn nhà nổi của tôi giờ có thể chứa được gần 20 người cùng với đồ dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm khi lũ đến. Bây giờ người dân yên tâm làm ăn không còn nơm nớp lo lũ như trước kia nữa” - ông Phương vui vẻ nói.

Cũng giống như gia đình ông Phương, cả nhà bà Cao Thị Bân (ở thôn Yên Thọ) năm nay sống bình yên trong căn nhà bè. Ngồi với hai đứa con nhìn ra dòng nước đang nhấn chìm làng mạc, bà Bân nói:

“Nếu như trước đây không có nhà bè thì bây giờ tôi và con cái đều đã ở trên lèn (hang) đá núi hết rồi. Hôm trước thấy trời mưa to, con trai tôi lên núi làm trại cho trâu ở. Còn con cái đều nhảy lên sống trên chiếc nhà bè này hết, giờ yên tâm lắm, nước nổi thì nhà bè nổi theo, giữ được tài sản và mạng người”.

 

Lũ ngập đến mái nhà.
Lũ ngập đến mái nhà.

Nói về phong trào làm nhà chống lũ giúp dân thoát qua những mùa lũ an toàn, ông Ngô Thanh Đá cho biết hiện toàn xã có 668 hộ dân nhưng có 320 hộ có nhà bè. Mùa lũ năm nay, có hơn 400 hộ dân bị nước ngập đến gần tới mái nhà nhưng tài sản, lúa gạo…không bị ảnh hưởng nhiều.

Nguyên nhân là do căn nhà nổi quá tiện lợi, bây giờ cứ lũ đến là dân chất hết đồ đạc lên đó. Với lại có căn nhà nổi mình cũng yên tâm, từ ngày có nhà nổi thì tính mạng dân mình mất qua mỗi mùa lũ cũng không còn.

Nhiều người dân Tân Hóa nói rằng họ muốn ai trong làng cũng có nhà bè. Hiện tại nhiều người chưa có nhà nổi khi nước lên phải bồng con cái qua nhà bên để xin ở nhờ.

Ông Đá cho biết sau khi mô hình nhà chống lũ mang lại hiệu quả cao, xã vận động người dân tiết kiệm cộng với sự hỗ trợ của Nhà nước để hướng đến tất cả gia đình trên địa bàn xã đều được trang bị một căn nhà chống lũ.

Theo tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.