Nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 363 lãnh 42 tháng tù giam

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Sau một ngày đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 363 cùng 4 bị cáo khác “xẻ thịt” đất quốc phòng với diện tích rộng hơn 5ha tại phường Thành Tô, quận Hải An, TP. Hải Phòng, hội đồng xét xử đã tuyên án các bị cáo.
Hội đồng xét xử tuyên án
Hội đồng xét xử tuyên án
Theo đó, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 363 Nguyễn Văn Khuây bị tuyên mức án 42 tháng tù giam, bị cáo Vũ Duy An lãnh mức án 36 tháng tù giam, 3 bị cáo còn lại gồm: Nguyễn Phú Doanh (cán bộ trung tâm phát triển quỹ đất, Sở TN&MT), Đỗ Công Mên (nguyên Chủ tịch UBND phường Thành Tô) và Phạm Văn Bình (giám đốc doanh nghiệp thuê đất của Sư đoàn 363) cùng bị tuyên mức án 30 tháng tù giam.
Diện tích đất trên cũng chính là một phần thuộc khu đất quốc phòng rộng 14,2ha vừa qua đã trở thành “điểm nóng” về tình trạng lấn chiếm đất, xây dựng trái phép và trở thành cát cứ của các nhóm giang hồ gây mất ANTT.
Tại phiên tòa, bị cáo Vũ Duy An cho rằng chỉ một mình thì không thể thực hiện việc ký các hợp đồng cho thuê đất, cắm mốc giới… mà có sự tham gia của bộ phận khác cũng như chỉ đạo của Sư đoàn trưởng. Tuy nhiên, bị cáo An cuối cùng vẫn phải thừa nhận, rằng việc cho doanh nghiệp thuê đất dẫn đến đất bị lấn chiếm, chia lô, bán nền là hoàn toàn sai.
Cũng tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Văn Khuây nói, bản thân không biết chuyện cắm mốc giới, lập bản đồ… mà chỉ đến khi đi kiểm tra thực tế mới phát hiện. Nhưng sau đó, bị cáo đã thừa nhận hành vi của bản thân là sai.
Còn bị cáo Đỗ Công Mên tại tòa cho rằng, khi phát hiện đất tại khu vực này có dấu hiệu bị phun cát đã cử người ngăn chặn và báo cáo Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND quận nhưng được lãnh đạo nói đây là đất của quân đội người ta làm dự án thì để người ta làm. Do đó, sau này bị cáo Mên không có biện pháp ngăn chặn tình trạng này nữa. Tuy nhiên bị cáo cũng thừa nhận, việc chỉ đạo của lãnh đạo quận chỉ bằng miệng chứ không có văn bản.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát quân sự Trung ương, được Thủ tướng chính phủ và Bộ quốc phòng giao quản lý khu đất tại phường Tràng Cát và phường Thành Tô, quận Hải An, TP. Hải Phòng nhưng trong thời gian quản lý, Sư đoàn Phòng không 363 đã có ý định chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất ở và giao cho bộ phận hậu cần của sư đoàn triển khai thực hiện.
Đến năm 2004, Nguyễn Văn Khuây, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 363 (nghỉ hưu tháng 5/2011) đã ký báo cáo gửi Tư lệnh PKKQ, đề nghị được khảo sát, lập quy hoạch dự án xây dựng nhưng chưa được phê quyệt.
Tháng 9/2009, lấy lý do một số người dân ở khu Đông Xá, phường Thành Tô (Hải An, Hải Phòng) đổ phế thải trên đất của Sư đoàn, Nguyễn Văn Khuây đã chỉ đạo cho Vũ Duy An (Chủ nhiệm hậu cần Sư đoàn, nghỉ hưu năm 2012), cho lực lượng đi đo đất, cắm mốc giới bàn giao cho phường quản lý.
Về phía Vũ Duy An, mặc dù biết sự chỉ đạo của Nguyễn Văn Khuây là trái pháp luật, nhưng vẫn thực hiện và giao cho cấp dưới phối hợp với địa phương thực hiện việc cắm mốc giới trên tổng diện tích hơn 5,7 ha; đồng thời vẽ bản đồ quy hoạch khu dân cư để Nguyễn Văn Khuây cùng Chủ tịch UBND phường Thành Tô là Đỗ Công Mên ký.
Các bị cáo nghe HĐXX tuyên án
Các bị cáo nghe HĐXX tuyên án
Tiếp tục, Vũ Duy An vào tháng 2/2008, còn ký cho vợ của bị cáo Phạm Văn Bình là Nguyễn Thị Xuân thuê 3,3 ha nằm trong diện tích thuộc khu vực 5,7 ha với giá 100 triệu đồng/năm, thời hạn 30 năm kèm bản đồ chi tiết 1/500 như một khu dân cư. Khu đất thuê này đã được Phạm Văn Bình thuê người vẽ bản đồ rồi cũng đưa Nguyễn Văn Khuây đóng dấu.
Tuy nhiên, sau khi Lê Thị Xuân ký được hợp đồng thuê đất, Phạm Văn Bình mặc dù đã cho phun cát vào khu 5,7ha nhưng lại lấy lý do khu đất đã thuê có chỗ chồng lấn với khu đất của một đơn vị khác đã thuê của Sư đoàn 363 trước đó nên không trả tiền thuê. Sau đó Bình còn đề nghị và được Nguyễn Văn Khuây ký hợp đồng thuê diện tích 1,6ha cũng tại khu đất nói trên của Sư đoàn 363, với giá 23 triệu/năm, thời hạn thuê 20 năm.
Sau khi hoàn tất các bước trên, Bình đã giao cho Nguyễn Phú Doanh triển khai việc làm đường, cống, sân bóng… Khi tất cả đã hoàn tất, các bị cáo Bình, Doanh, tiến hành rao bán đất tại đây cho nhiều người dân với giá từ 500 đến 700 triệu đồng/lô đất (diện tích 100m2).
Theo cáo trạng, tình trạng mua bán, lấn chiếm, xây dựng trái phép tại đây kéo dài trong nhiều năm, hàng trăm ngôi nhà xây dựng trái phép đã mọc lên tại khu đất này, dẫn đến tình hình ANTT tại đây ngày càng phức tạp.
Theo tính toán của cơ quan chức năng, khu đất 5,7 ha đã bị các đối tượng phân lô bán nền tính toán với giá rẻ nhất cũng lên đến hơn 32 tỉ đồng.
Khu đất quốc phòng đang trở thành điểm nóng về lấn chiếm đất
Khu đất quốc phòng đang trở thành điểm nóng về lấn chiếm đất
Hội đồng xét xử cũng nhận định, đây là vụ án đồng phạm, các bị cáo đã tiếp nhận ý chí, động cơ, mục đích phạm tội của nhau. Nguyễn Văn Khuây và Đỗ Công Mên với chức trách là những người đứng đầu của đơn vị quân đội và chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho Phạm Văn Bình, Nguyễn Phú Doanh tổ chức san lấp, xây dựng, mua bán trái phép đất quốc phòng theo đúng ý chỉ của Khuây và Mên, được thực hiện qua bản đồ quy hoạch tự lập đã nêu trên.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, 4 bị cáo (trừ bị cáo Bình) thành khẩn khai báo, nhân thân tốt, trong quá trình công tác được tặng thưởng nhiều huân, huy chương, bằng khen, giấy khen… nên được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Tòa cũng tuyên thu hồi các khoản tiền bất hợp pháp của các bị cáo.
An Nhiên (Dân Trí)

Có thể bạn quan tâm