Người về từ địa ngục ma túy - Kỳ 3: Cuộc chiến mới với ma quỷ trong chính mình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Kết thúc chiến tranh, mọi người trở về gia đình, trở thành người dân bình thường để tạo lập cuộc sống mới. Riêng tôi, tâm trạng âu lo, tủi nhục vẫn dằn vặt đau đớn mỗi ngày vì chưa thể chiến thắng nổi con quỷ nghiện ngập ma túy trong mình.
Ông Xuân ngồi viết lại chuyện đời mình trong căn nhà 7m2 - Ảnh GIA TIẾN
Ông Xuân ngồi viết lại chuyện đời mình trong căn nhà 7m2 - Ảnh GIA TIẾN
Đi làm phụ hồ để "độp" thuốc phiện
Bây giờ, tôi mỗi ngày phải "độp" (chích) ít nhất một lần, nếu không có ma túy trong người thì chẳng khác gì thây ma biết đi. Với kẻ nghiện ma túy, thì đô nặng hay nhẹ cũng bị vật vã như nhau. Khi "độp" vào, nhất thời ma túy sẽ xóa tất cả cảm giác vật vã, mệt mỏi và đem đến cảm xúc khoái cảm. Nó chạy từ bàn chân lên khắp người một cảm giác đê mê ma quái khó diễn tả được cho người khác, mà chỉ có dân "ken" với nhau mới hiểu được mà thôi.
Cảm giác như kiến cắn khắp người, những chỗ nhạy cảm của cơ thể càng ngứa nhiều hơn và phải lấy tay gãi liên tục mới thỏa mãn, trong khi mặt đỏ như gà đá, còn mắt thì có cảm giác lòi ra ngoài. Sau đó, cơn phê đem đến sự khỏe mạnh giả tạo, tạm mờ đi nỗi lo âu, sợ hãi trong phút chốc để tìm chỗ đốt thuốc lá, bù khú vớ vẩn và hoang phí thời gian giữa những kẻ nghiện với nhau.
Điều nguy hiểm vô cùng khiến người chơi "ken" bị lầy là khoái cảm luôn đến dù đó lần "độp" thứ mấy, cơ thể đã thân tàn ma dại ra sao. Từ đó, người nghiện không còn nghị lực cưỡng lại mà chỉ còn theo bản năng nghiện ngập, hết thuốc trong người thì lại "độp". Cữ sáng "độp" cữ sáng, cữ trưa "độp" cữ trưa. Ngày qua ngày của kẻ nghiện như tôi chỉ có một suy nghĩ làm sao để có thuốc, để thỏa mãn những cơn phê như ngọn lửa ma quái thiêu cháy dần thân xác lẫn tinh thần!
Hồi trước, tôi có lương mỗi tháng để tìm mua ma túy và chi tiêu cá nhân. Bây giờ, mọi chuyện đã thay đổi, số người cùng hoàn cảnh như tôi rất đông, hầu hết đều không có chuyên môn và vô công rỗi nghề. Để cố gắng thỏa mãn các cơn nghiện và cuộc sống hằng ngày, tôi xin theo ông cai xây dựng làm phụ hồ. Việc của tôi là xúc cát, xúc đá theo lệnh của thợ, rồi trộn hồ, khiêng hồ, chuyển gạch sau những lời sai gọi, quát nạt.
Một ngày công của tôi được trả 2 đồng (tiền mới đổi) và cuối tuần nhận lương. Để làm nổi đủ thứ việc của phụ hồ, sáng sáng tôi đến động chích 1 "xê" (10ml) thuốc phiện nấu ra nước, rồi tranh thủ ăn sáng dằn bụng để đi đến chỗ làm. Lúc nghỉ trưa, tôi lén lút ra chỗ khuất người, lấy cục "hàng đen" (thuốc phiện) thủ sẵn trong người, ngắt một chút, vo lại bằng hạt tiêu bỏ vào miệng nuốt luôn. Không có nước, "hàng đen" dính trong miệng đắng nghét, nhưng tôi vẫn không thiếu nó được.
Cứ thế, tôi cầm cự hết công việc phụ hồ buổi chiều để cùng mọi người ra về. Lúc này, cơ thể của một thằng đã mấy năm lệ thuộc xì ke ma túy như tôi rất mệt mỏi, rệu rã. Nhưng kỳ lạ, đầu tôi không có ý định đi đến động chích, nhưng chân vẫn đi theo quán tính.
Khi đến đầu hẻm, tôi giật mình tự hỏi sao không về nhà mà đi xuống đây? Rồi tôi tự dằn vặt mình vào hay không vào? Tuy nhiên, đó cũng là lúc tôi đã đến cữ nghiện, miệng tôi ngáp muốn trẹo quai hàm, nước mắt kèm nhèm, nhảy mũi liên tục, thế là tôi lại không cưỡng nổi mình, lại cúi đầu lê bước vào "độp" cái thứ ma quỷ hại người!
Một ngày công phụ hồ của tôi hồi đó được 2 đồng thì phải tốn cho 2 lần "độp" sáng, "độp" chiều là 1 đồng, chưa tính bi "hàng đen" nhai cữ trưa. Cuối cùng, tôi chỉ còn mấy chục xu cho mọi nhu cầu còn lại. Bao nhiêu tiền tôi đổ mồ hôi làm ra đều chảy vào ma túy mà cha mẹ, anh em nghèo khó chẳng được gì.
Có những lúc sau khi đã "độp" xong, tôi ngồi một mình mà tự ghê sợ chính mình! Ma túy là như thế đó sao? Tôi phải lệ thuộc vào nó và không chống chọi được nó. Theo thời gian nghiện ngập, tôi chỉ có tăng đô mà không có giảm đô (từ "độp" 1 xê, tôi tăng dần lên 1 xê 2, 1 xê 3...). Cữ nghiện ập đến. Ma túy là trên hết, mọi chuyện muốn gì cũng phải chích trước rồi tính sau. Lúc đó, con ma, con quỷ ám hết tâm trí tôi, phần người trong tôi biến đi đâu mất rồi!
Khi lên cơn nghiện ma túy, người ta dễ quên tất cả để được thỏa mãn - Ảnh TỰ TRUNG
Khi lên cơn nghiện ma túy, người ta dễ quên tất cả để được thỏa mãn - Ảnh TỰ TRUNG
Cuộc chiến với ma quỷ trong người
Gia đình tôi nghèo mà lại đông con từ trước năm 1975. Cha mẹ phải còng lưng chạy gạo từng bữa. Con cái chỉ vài người đã trưởng thành nhưng phụ giúp cha mẹ chẳng được bao nhiêu. Tôi nếu không nghiện thì với đồng lương ổn định cũng đỡ đần được phần nào cho cha mẹ. Nhưng xì ke ma túy đã khiến tôi ích kỷ chỉ biết thỏa mãn cho mình, bổn phận với cha mẹ, anh chị em tôi đều không có! Tôi là ai đây?
Tôi tự giày vò bản thân và tìm cách thoát ra khỏi ma túy. Nhưng những suy nghĩ này chỉ lóe lên trong lúc tôi đã "độp" đầy đủ, để rồi nó lại biến mất khi cữ nghiện ập đến. Ma túy lấn át phần người trong tôi, chỉ còn bản năng vã thì chích dìm tôi xuống địa ngục.
Lúc ban đầu đến với nó, tôi rất tự tin vì xem đó chỉ là một cuộc chơi mà thích thì chơi không thì thôi. Tôi là thằng chơi được thì bỏ được. Tôi đã sai lầm vô cùng, để rồi tôi từng bước đi xuống cuộc đời của mình không dừng lại được. Tôi không còn là tôi khi đã nghiện rồi. Tôi đã đánh mất tất cả để có được ma túy.
Những người nghiện ma túy phải trốn tránh, che đậy bản thân với mọi người trong gia đình, ngoài xã hội. Tôi mang mặc cảm phạm tội, né tránh mọi người bình thường, lầm lũi một mình hoặc chỉ xoay quanh với bạn bè nghiện. Trong suốt thời gian chích choác ở động, tôi chưa hề biết gã "ken" nào đoạn tuyệt được ma túy, mà chỉ thấy những thân tàn ma dại làm nô lệ cho ả phù dung độc dược.
Thời buổi khó khăn hậu chiến, tôi làm phụ hồ được vài tháng thì hết việc. Mọi người ngóng ngày được gọi đi làm lại. Riêng tôi không chờ được vì nhu cầu tiền cho ma túy mỗi ngày, nên ai gọi việc gì làm đó miễn là có tiền thỏa mãn những cữ nghiện.
Đến giai đoạn này, tôi càng ngày càng tệ hơn, đã bắt đầu gạt gẫm người khác để có tiền. Trong cơn vã thuốc, tôi không phân biệt được người đó là ai dù chính là cha mẹ, anh em mình. Những lúc đó, tôi không còn biết xấu hổ, cắn rứt lương tâm, mà chỉ biết thỏa mãn cho mình trong sự đau buồn, căm giận của người bị tôi lừa dối.
Hoàn cảnh ngày càng khốn khó, tôi không dám còn chơi những loại thuốc đắt tiền. Ngày qua ngày, tôi chỉ "độp" toàn "hàng đen", loại thuốc phiện rẻ tiền để giữ cho ven mình không bị lặn (mất ven) hay bị phù và đau đớn kéo dài do liều lĩnh sử dụng thuốc bậy bạ trong cơn vã. Tôi có mấy thằng bạn nghiện đã chích "sì cọt" (một loại thuốc an thần, giảm đau) và bị phù thũng gây hoại tử, lở loét, hôi thối ở ngay chỗ chích. Thân xác của tụi nó ngày càng như thây ma hơn.
Thỉnh thoảng sau khi "độp" xong, qua được cảm giác vã thuốc, tôi nhìn những người bình thường không dính vào ma túy mà nuối tiếc cho bản thân mình. Tôi thèm thuồng sự bình yên của họ, thèm cả sự không phải né tránh, che đậy bản thân, không sợ sự khinh rẻ, xa cách. Tôi ao ước được như những người đó để được sống, được là một con người đúng nghĩa như mẹ cha đã từng sinh ra tôi ngày nào.
Nhưng rồi cuộc chiến giữa nghiện ngập đen tối và ánh sáng thiện lương trong con người tôi lại bị cơn vã thuốc cuốn phăng đi. Dân "ken" như tôi không có ngày mai cho cuộc đời...
Sợ không còn kịp thời gian
Khi viết tự truyện này, tác giả Trần Kim Xuân đã nhiều lần hỏi tôi có nên viết đến tận cùng vực thẳm cuộc đời không? Bởi chính ông cũng sợ sự đen tối của năm tháng nghiện ngập, sợ sự phản bội niềm tin yêu của cha mẹ, sợ sự lừa gạt người thân, sợ cả sự hai mặt của chính con người mình. Nhưng tôi đã khuyên ông viết, hãy viết thật tất cả để những người đang hoặc sắp bước vào con đường nghiện ngập kịp giật mình, tỉnh lại.
Trong căn nhà chỉ vỏn vẹn 7m2, ông ngồi co ro bên nhà vệ sinh để viết liên tục mỗi ngày, bởi ông sợ căn bệnh K gan không cho ông còn đủ thời gian để kịp sẻ chia chuyện đời cay đắng, tủi nhục của mình... (QUỐC VIỆT)
Như bao người dân Sài Gòn sau năm 1975, gia đình tôi đi kinh tế mới. Nhưng ở giữa đồng quê nghèo khó, phải vật vã kiếm miếng ăn, tôi vẫn không thoát được ma túy ...
Kỳ tới: Vã thuốc ở làng kinh tế mới
TRẦN KIM XUÂN (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.