Người ngoại quốc đón Tết Dương lịch tại Phố núi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Năm mới là dịp để mọi người trở về nhà, quây quần bên người thân và bạn bè. Thế nhưng, một số người đến từ các quốc gia khác nhau đang sinh sống và làm việc tại Phố núi Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã quyết định ở lại đây để đón chào tân niên theo cách riêng của mình.

Gần 9 năm sinh sống ở Việt Nam và hơn 2 năm làm giáo viên Tiếng Anh tại Trung tâm Anh ngữ Quốc tế Việt Mỹ (phường Yên Thế, TP. Pleiku), ông Manish Govindlal Bhatia (Ấn Độ) đã có không ít trải nghiệm thú vị. 

Anh Manish Govindlal Bhatia (Ấn Độ) dự định sẽ đi khám phá một số điểm du lịch ở TP. Pleiku bằng xe máy trong ngày đầu năm mới. Ảnh: Mộc Trà
Ông Manish Govindlal Bhatia (Ấn Độ) dự định sẽ đi khám phá một số điểm du lịch ở TP. Pleiku bằng xe máy trong ngày đầu năm mới. Ảnh: Mộc Trà

Năm 2014, ông Manish sang Việt Nam chỉ để du lịch nhưng vì yêu đất nước, con người nơi này nên quyết định ở lại. Bắt đầu làm nhân viên tự do cho một công ty du lịch, ông đảm nhận việc bán vé máy bay, kết nối tour và viết blog giới thiệu về những điểm đến thú vị mà mình từng đi qua. Sau đó, ông chuyển sang làm giáo viên Tiếng Anh tại tỉnh Bắc Giang cho đến cuối năm 2020 thì về công tác tại TP. Pleiku cho tới giờ. 

“Cảm nhận đầu tiên của tôi khi đến Gia Lai là thời tiết rất dễ chịu, cảnh sắc yên bình. Tôi đặc biệt ấn tượng với những quán cà phê ấm cúng, gần gũi với thiên nhiên và những thắng cảnh nên thơ như Biển Hồ, núi Chư Đang Ya, hồ Diên Hồng… Ngoài ra, Pleiku còn có các quán ăn chay khá ngon, hợp khẩu vị, giúp tôi không gặp nhiều khó khăn khi ăn chay trường”-ông Manish chia sẻ.

Chính vì yêu đất nước, con người Việt Nam nói chung và Gia Lai nói riêng nên suốt nhiều năm qua, thay vì trở về Ấn Độ, ông Manish đã lựa chọn ở lại đây để tận hưởng không khí trong những ngày đầu năm mới. “Tết Dương lịch năm trước, tôi chỉ có thể nằm buồn chán ở khách sạn do dịch Covid-19 thì năm nay, trong điều kiện bình thường mới, tôi có nhiều dự định hơn. Khi lên Pleiku, tôi đã học được cách điều khiển xe máy nên tôi sẽ tự đi khám phá một số điểm du lịch trong thành phố; đồng thời, có một buổi tiệc nhỏ để chúc mừng năm mới với đồng nghiệp ở Trung tâm. Tôi cũng sẽ chuẩn bị những lời chúc yêu thương, tốt lành để gửi đến người chị và bạn bè ở quê nhà vào thời khắc giao thừa; mong rằng mọi người sẽ gặp được nhiều điều may mắn, thành công trong năm mới”-ông Manish vui vẻ cho biết.

Ông Luke Williams (đến từ Nam Phi) chụp ảnh chào mừng năm mới 2023 cùng đồng nghiệp tại Trung tâm Ngoại ngữ Lalisa (TP. Pleiku). Ảnh: Mộc Trà
Ông Luke Williams (đến từ Nam Phi) chụp ảnh chào mừng năm mới 2023 cùng đồng nghiệp tại Trung tâm Ngoại ngữ Lalisa (TP. Pleiku). Ảnh: Mộc Trà

Tương tự, ông Luke Williams (đến từ Nam Phi)-giáo viên Tiếng Anh tại Trung tâm Ngoại ngữ Lalisa (phường Phù Đổng, TP. Pleiku) cũng có nhiều năm đón Tết Dương lịch tại Phố núi. Thông thường, vào ngày đầu năm mới nơi xứ người, ông sẽ một mình đến chùa lễ Phật và cầu an cho gia đình. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, Pleiku đã chính thức trở thành quê hương thứ 2 của Luke khi ông gặp gỡ và nên duyên cùng một cô gái (cũng là giáo viên dạy Tiếng Anh) ở Phố núi. Đặc biệt, niềm vui càng nhân đôi khi vợ chồng ông vừa đón thêm “tiểu công chúa” đáng yêu chào đời. 

“Vì bé mới được 1,5 tháng tuổi nên gia đình tôi không thể đi chơi xa. Sau khi đi lễ chùa và thăm hỏi họ hàng bên vợ, chúng tôi sẽ trở về đón năm mới tại tổ ấm nhỏ của mình. Ở Nam Phi, chúng tôi có 3 ngày để đón tân niên với những bữa tiệc đơn giản, còn Giáng sinh mới thật sự là kỳ nghỉ lễ, giống như Tết Nguyên đán ở Việt Nam. Tôi thích không khí của những ngày Tết, rất vui vẻ, ấm áp và hạnh phúc”-ông Luke tâm sự.

Năm nay, ông Luke Williams sẽ đón chào năm mới cùng gia đình nhỏ của mình tại Phố núi Pleiku. Ảnh: Mộc Trà
Năm nay, ông Luke Williams sẽ đón chào năm mới cùng gia đình nhỏ của mình tại Phố núi Pleiku. Ảnh: Mộc Trà

Người đàn ông gốc Nam Phi cũng bày tỏ rằng, ông yêu Pleiku không chỉ vì đây là quê hương của vợ mình, mà còn bởi mảnh đất và con người Phố núi vô cùng hiền hòa và dễ mến. Vì thế, khi có thời gian, ông nhất định sẽ cùng gia đình trải nghiệm nhiều hơn nữa cuộc sống ở cao nguyên đầy nắng và gió này. 

MỘC TRÀ 

Có thể bạn quan tâm

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Tuổi già

(GLO)- Gần đây, tôi ít về quê. Nhiều khi người thân ở quê có việc hoặc muốn biết về tình hình phát triển của quê hương, chỉ cần bỏ ra mươi phút lướt mạng là có đầy đủ thông tin.

Dự án “Giếng sạch trao buôn”: Thiết thực, ý nghĩa

Dự án “Giếng sạch trao buôn”: Thiết thực, ý nghĩa

(GLO)- Từ năm 2022 đến nay, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Tổ chức ASIF tại Việt Nam và các đơn vị tài trợ đã triển khai có hiệu quả Dự án “Giếng sạch trao buôn” giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nước sạch để sử dụng.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Minh Trung khẳng định việc giao quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai sẽ tạo thuận lợi cho người dân lẫn cơ quan quản lý (ảnh nguồn internet).

Phân cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Thuận lợi cho người dân lẫn cơ quan quản lý

(GLO)- Theo phân cấp, từ ngày 1-11-2024, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thị xã, thành phố được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, xác nhận thay đổi đối với trường hợp đăng ký biến động... tạo thuận lợi cho người dân lẫn cơ quan quản lý.

Ông Ksor Nai (thứ 2 từ phải sang) cùng người dân xã Chư Mố trao đổi về công tác hòa giải ở địa phương. Ảnh: H.M

Ksor Nai nhiệt tình với công tác hòa giải

(GLO)- Ngoài đảm nhận vai trò hòa giải viên tại Tòa án nhân dân (TAND) huyện Ia Pa, từ năm 1978 đến nay, ông Ksor Nai (SN 1956, thôn Plơi Apa Ama H’lắk, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) còn tích cực tham gia công tác hòa giải ở địa phương.

Người dân làng Kmông phấn khởi khi công trình nước sạch được đưa vào sử dụng. Ảnh: N.H

Nước sạch về làng

(GLO)- Hàng trăm hộ dân ở làng Kmông và De Lung 1 (xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) vô cùng phấn khởi khi công trình nước sạch do Hội Liên hiệp phụ nữ xã kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng đã hoàn thành đưa vào sử dụng.