(GLO)- Bây giờ thì nhà thơ Phạm Đức Long đã về hưu được hơn tháng, thỏa cái “ý chí vĩ đại” là được về viết văn và làm vườn. Là anh xin về hưu trước tuổi, trước đến mấy năm, khi đang đương một cái chức không nhỏ: Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Gia Lai.
Thời mới lên Pleiku, Phạm Đức Long viết nhiều và hay. Có những câu thơ về thông và Pleiku của anh hay thuộc loại vô đối như: “Khoảng trời lá thông hương chín rụng như mơ/tôi có tuổi hai mươi ở đó/tôi có nắng có mưa có những cơn lốc đỏ/có mùa xuân im lặng kéo qua đời”. Thời ấy bộ ba chúng tôi: Văn Công Hùng, Hương Đình, Phạm Đức Long là một nhóm thi nhân với nhiều giai thoại, mà giai thoại nhiều báo hay nhắc là chuyện chúng tôi tổ chức đi... hoạn heo! Phạm Đức Long là Kỹ sư Nông nghiệp, chuyên ngành Thú y, là trưởng nhóm. Tôi và Hương Đình đi theo bắt và giữ chân. So với các “nhân viên hoạn heo” nhan nhản thời ấy thì chúng tôi bài bản hơn, có sát trùng, có khâu vết thương. Tiền thu được thì... tụm lại uống rượu, đọc thơ...
Nhà thơ Phạm Đức Long. Ảnh: Văn Công Hùng |
Giờ thì cả Hương Đình và Phạm Đức Long đều là nhà thơ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, dù một ông là Tiến sĩ Toán và Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, ông còn lại là Chi cục trưởng.
Không dễ để đạt được điều ấy, bởi để có thể sáng tác, có tác phẩm, trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ một tỉnh lẻ thì phải vượt qua rất nhiều cửa ải. Vượt qua mình, vượt qua... vợ con. Chả bà vợ nào an tâm khi chồng không chí thú làm ăn kiếm tiền nuôi gia đình, lại cứ mơ màng thơ phú. Vượt qua định kiến nữa. Không hiểu sao cũng con người ấy, cương vị ấy, chả ai nghĩ gì, nhưng dính tí vào văn chương thì lập tức sẽ bị nhìn khác, ít nhất là tay ấy... lơ mơ. Nặng hơn tí là phải cảnh giác về lập trường...
Cái cách Phạm Đức Long đến với văn chương cũng khác người. Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, sau khi tốt nghiệp đại học, anh đeo ba lô lên Pleiku nhận công tác ở Ban Kinh tế mới. Mùa mưa. Lê thê và thắt ruột. Mấy cuốn sách mang theo để đọc đã hết. Thì... mần thơ mà đọc. Thế là bắt đầu viết thơ. Những bài thơ đầu tiên hết sức... cổ động. Khi ấy, tôi đang là biên tập viên ở Tạp chí Văn nghệ Gia Lai. Tôi đọc và phát hiện tác giả này có nội lực dẫu nghiệp dư. Thế là liên hệ, gặp nhau, góp ý và trao đổi. Hồi ấy, không khí văn chương còn sang trọng và kỹ lưỡng. 2 bài thơ hay nhất của Phạm Đức Long ra đời ở thời gian này, đó là “Khoảng trời lá thông” và “Hoa dong riềng”.
Sau đấy, khi có con thì con trai của Phạm Đức Long tối nào cũng bắt bố đọc truyện. Hồi ấy, lương chủ yếu dồn... mua gạo. Chỉ dành tí ti mua sách và vì mua sách nên cũng đã bị coi là... gàn rồi. Nhưng mua rồi đọc đến hết mà thằng bé vẫn đòi. Thế là... phịa ra kể. Từ cuộc đời mình, quê mình mà kể. Hết thì phịa chuyện Tây Nguyên, những bí ẩn, những giải mã, những huyền tích, những phơi bày, những dấu hỏi, những mặc nhiên... Cứ thế đêm này qua đêm khác thì anh... giật mình: Truyện ngắn là đấy chứ đâu! Thế là chép lại, tập hợp lại, gửi cho nhà xuất bản. Là gửi hú họa thế. Khi ấy, nhà văn đa phần là sáng tác xong thì... bỏ tiền in, rồi... tặng, nhiều khi tặng còn... không chạy nữa. Thế mà một ông chưa tên tuổi gì, ở cái tỉnh Tây Nguyên xa ngất ngây, bỏ cả tập bản thảo vào phong bì, gửi đại ra. Gửi xong thì... quên, cho đến khi biên tập viên gọi điện vào hỏi: Anh ơi bọn em in sách anh xong rồi, anh cho địa chỉ chính xác để gửi nhuận bút và sách biếu.
Thì đời văn nó hanh thông đến thế là cùng chứ gì!
Đến giờ, Phạm Đức Long đã có 11 đầu sách, cả văn xuôi và thơ. Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, những kết quả và danh hiệu không phải người cầm bút tỉnh lẻ nào cũng có được.
Nhưng Phạm Đức Long lại vẫn... không chí thú với văn chương. Nhiều người bảo, nếu toàn tâm anh sẽ có những kết quả khả quan hơn. Anh vẫn còn những đam mê khác, ấy là làm vườn và chế tạo. Anh chế ra máy ấp trứng, được trao giải hay bằng sáng chế gì đấy, anh không khoe nên chỉ biết lơ mơ thế và giờ là ông chủ một cơ sở chuyên... ấp trứng. Ngoài ra, anh còn chế ra loại thuốc bằng lá cây phòng và chữa bệnh cho gia cầm, rất hiệu quả, thấy khách nườm nượp vào lấy...
Chao ơi, đam mê một thứ đã khổ, đã vất rồi. Đây, Phạm Đức Long đam mê nhiều thứ quá. Tất nhiên nó có mặt hay mặt dở. Nhưng, ngẫm cho cùng, được đam mê và thỏa nỗi đam mê, đời người hỏi còn gì hơn?
Văn Công Hùng