Người dân xã Ia Nan “khát” nước sạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) đang vào cao điểm của mùa khô, với việc nắng nóng kéo dài, mạch nước ngầm tụt giảm khiến người dân ở thôn Đức Hưng và làng Sơn của xã Ia Nan thiếu nước sạch phục vụ sinh hoạt hằng ngày.

Chắt chiu từng chai nước sạch

Đưa đôi tay có mấy vết mẩn nổi đỏ, ông Nguyễn Văn Xưởng (trú tại thôn Đức Hưng) ái ngại: Thôn có giếng khoan nhưng năm nay hạn hán kéo dài khiến giếng bị cạn. Vừa qua, người dân trong thôn đóng góp kinh phí để lọc những cặn bám màu vàng trong nước nhưng không hiệu quả.

"Để có nước sinh hoạt, chúng tôi bơm nước giếng lên bể chứa để lắng lọc qua đêm rồi mới sử dụng. Tuy nhiên, cách làm này vẫn không đảm bảo chất lượng, số lượng nước cho nhu cầu sử dụng của người dân nên ai cũng phải chắt chiu từng can nước. Ngoài ra, do giếng của thôn chia làm nhiều nhánh nên khi bên này lấy nước thì bên kia phải tạm ngưng. Còn nguồn nước để nấu nướng, chúng tôi phải mua loại nước đóng bình ấy. Riêng gia đình tôi mỗi ngày dùng hết 4-5 bình loại 20 lít”-ông Xưởng bộc bạch.

Thiếu nước sạch, người dân phải đi bộ 3 km để gùi nước về dùng. Ảnh: T.D
Thiếu nước sạch, người dân phải đi bộ 3 km để gùi nước về dùng. Ảnh: T.D

Bí thư Chi bộ kiêm Thôn trưởng thôn Đức Hưng Hoàng Văn Ga-cho hay: “Thôn có 218 hộ nhưng có hơn nửa số hộ thiếu nước sạch. Vào thời điểm nắng nóng đỉnh điểm, nhiều gia đình phân công người chạy xe máy đi 3-4 km để chở hoặc mua nước của người khác với giá 150 nghìn/m3. Đối với nước phục vụ việc nấu ăn thì phải mua nước bình với giá 10 nghìn/1 bình 20 lít. Mấy năm trước có hộ mua máy về lọc nước giếng khoan của làng, bán với giá 8 ngàn đồng/m3. Nhưng năm nay giếng chuyển màu vàng nên không thể lọc được”.

Ông Siu Uôi-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Nan-cho biết: Do nắng nóng kéo dài, đa phần các giếng nước ở làng Sơn và thôn Đức Hưng bị đục, không đảm bảo vệ sinh. Người dân phải đi xa để tìm nguồn nước ngầm gần sông, suối hay mua nước ở những nơi khác về dùng.

“Năm nay, hạn hán kéo dài nên người dân ở 2 thôn, làng này thiếu nước sạch nghiêm trọng. Trên địa bàn có một vài điểm có thể cung cấp nước cho người dân nhưng cũng không đáp ứng đủ. Năm 2023, địa phương phải nhờ Công ty TNHH một thành viên 72 (Binh đoàn 15) hỗ trợ việc chở nước sạch từ nơi khác về cho nhân dân ở thôn Đức Hưng có nước sinh hoạt. Năm nay, Công ty cũng đang hỗ trợ nhưng số lượng chưa đủ so với nhu cầu sinh hoạt của người dân”-Phó Chủ tịch Siu Uôi cho biết thêm.

Kỳ vọng sự hỗ trợ từ Mạnh Thường Quân

Ông Nguyễn Quốc Tư-Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ-thông tin: Thôn Đức Hưng và làng Sơn của xã Ia Nan thường thiếu nước sạch vào mùa khô. Huyện cũng đã đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống nước sạch cho 2 thôn, làng này. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, mạch nước ngầm suy giảm, giếng nước liên tục cạn nên lượng nước không đủ cung cấp cho Nhân dân 2 thôn, làng.

“Trước đó, huyện cũng đã khảo sát các phương án để cung cấp nước cho hơn 1.900 nhân khẩu ở thôn Đức Hưng và làng Sơn. Huyện Đức Cơ dự kiến phải xây dựng 1 nhà máy xử lý nước sạch với kinh phí xây dựng công trình khoảng 4 tỷ đồng. Mới đây, Chủ tịch UBND huyện cũng gửi thư ngỏ tới Ban lãnh đạo Quỹ Thiện tâm (Tập đoàn Vingroup) kêu gọi hỗ trợ đầu tư một nhà máy xử lý nước sạch, phục vụ nhu cầu của người dân tại thôn Đức Hưng và làng Sơn. Nếu được chấp thuận, UBND huyện sẽ đối ứng kinh phí, giải phóng mặt bằng để Mạnh Thường Quân đầu tư xây dựng nhà máy”-ông Tư nói.

Để đủ nước phục vụ sinh hoạt hằng ngày, người dân phải tận dụng những khu vực trũng để đào hố nhỏ lấy nước. Ảnh: T.D
Để đủ nước phục vụ sinh hoạt hằng ngày, người dân phải tận dụng những khu vực trũng để đào hố nhỏ lấy nước. Ảnh: T.D

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Mạnh Định-Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ-cho biết: Sau khi có thư ngỏ, Quỹ Thiện Tâm đã cử đoàn đến khảo sát. Sơ bộ, bên Quỹ sẽ đồng ý xây dựng ở thôn Đức Hưng một nhà máy xử lý nước sạch khoảng 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện UBND huyện vẫn đang đợi ý kiến chính thức từ Quỹ Thiện Tâm. Để đủ nước sạch phục vụ sinh hoạt của người dân ở tại thôn Đức Hưng và làng Sơn, trước mắt huyện đã huy động các tổ chức chính trị-xã hội dùng xe chở nước sinh hoạt từ các vùng khác đến để hỗ trợ cấp nước tạm thời.

Có thể bạn quan tâm

Chị Trần Diễm Trinh trong một buổi học vẽ để cân bằng cảm xúc

Cảnh giác với hội chứng trầm cảm cười

(GLO)- Với “lá chắn cảm xúc” dựng nên từ sự vui vẻ, tích cực tham gia các hoạt động tập thể, thậm chí hoàn thành tốt công việc, một số người đã khiến không ít người xung quanh bất ngờ khi biết họ rơi vào rối loạn trầm cảm kéo dài trước đó.

Con trăn gấm trong Công viên Diên Hồng (TP. Pleiku) đã được đưa về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh để chăm sóc trước khi thả về môi trường tự nhiên. Ảnh: N.D

Chung tay bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm

(GLO)- Thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân đã tự nguyện giao nộp nhiều cá thể động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm để các cơ quan chuyên môn chăm sóc trước khi thả về môi trường tự nhiên. Đây là hành động chung tay bảo vệ động vật hoang dã, góp phần bảo tồn loài gắn với đa dạng sinh học.

Sẵn sàng ứng phó với hạn hán, cháy rừng

Sẵn sàng ứng phó với hạn hán, cháy rừng

(GLO)- Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, mùa khô 2024-2025, nắng nóng kéo dài gây nên các hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến sản xuất và nguy cơ cao xảy ra cháy rừng. Liên quan đến vấn đề này, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT.

Đứng về phía người nghèo

Đứng về phía người nghèo

(GLO)- Trong nhiều nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi phải hoàn thành trong năm 2025, Trung ương tập trung tháo gỡ kịp thời điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc phát sinh và phát động các phong trào thi đua. 

Pleiku khẩn trương xóa nhà tạm, nhà dột nát

Pleiku khẩn trương xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Cùng với cả nước, TP. Pleiku đã và đang huy động nhiều nguồn lực tập trung triển khai thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên địa bàn với tinh thần khẩn trương, phấn đấu hoàn thành trước ngày 30-4-2025.