Người dân Tú An hiến đất xây dựng công trình tri ân liệt sĩ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Mặc dù Đài tưởng niệm liệt sĩ xã Tú An (thị xã An Khê, Gia Lai) chưa được khởi công nhưng người dân nơi đây đều đồng lòng hiến đất, góp cây xanh với mong mỏi công trình mang nhiều ý nghĩa lịch sử này sớm được hình thành.
Khi nghe xã vận động đóng góp cây xanh cho khuôn viên của công trình, gia đình anh Huỳnh Văn Sang (thôn Tú Thủy 3) rất đồng tình. Anh Sang cho biết, 4 cây xanh cổ thụ trong vườn nhà mình trước đó được nhiều người hỏi mua với giá hơn 10 triệu đồng nhưng anh không bán. Giờ đây, khi nhìn thấy cây bắt đầu xanh lá ở mảnh đất ghi dấu công ơn của các anh hùng liệt sĩ, anh Sang cảm thấy vô cùng xúc động. Gia đình anh xem đây là một món quà ý nghĩa để gửi gắm tình cảm, lòng tri ân của mình đối với những hy sinh lớn lao của các anh hùng liệt sĩ.
 Người dân Tú An đồng lòng hiến đất, góp cây xanh xây dựng Đài tưởng niệm liệt sĩ xã. Ảnh: M.N
Người dân Tú An đồng lòng hiến đất, góp cây xanh xây dựng Đài tưởng niệm liệt sĩ xã. Ảnh: M.N
Tương tự, hiểu được giá trị nhân văn của công trình này, ông Hoàng Ngọc Long cũng tự nguyện hiến hơn 5 sào đất ở khu vực này cho xã. Mặc dù không có bất kỳ một khoản đền bù nào nhưng gia đình ông đều vui vẻ, tất cả đều vì tâm nguyện chung về một nơi tưởng niệm trang nghiêm, thành kính dành cho các liệt sĩ. Ông Long hy vọng, sau khi hoàn thành, công trình sẽ là nơi thường xuyên đón tiếp thân nhân, các đồng đội liệt sĩ và người dân đến thăm viếng, thắp hương tưởng niệm, tỏ lòng thành kính. Đồng thời, đây sẽ là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của thế hệ hôm nay.
Ông Trần Thanh Cảnh-Chủ tịch UBND xã Tú An-cho biết: Xã đã quy hoạch khu đất rộng 4,5 ha phục vụ cho công trình. Trước đó, chính quyền xã đã vận động 10 hộ dân hiến gần 4,5 ha đất để xây dựng Đài tưởng niệm, biến khu vực này trở thành nơi tôn nghiêm để tưởng nhớ công lao của các anh hùng liệt sĩ. Ngoài việc vận động các hộ dân tự nguyện hiến đất xây dựng công trình, xã còn khuyến khích người dân tặng cây xanh để trồng trong khuôn viên Đài tưởng niệm. Đến nay, tại khu vực này đã có 25 cây cổ thụ được trồng với đủ chủng loại như: sanh, sộp, da, giáng hương... do bà con tự nguyện tặng cho xã, đơn vị chỉ bỏ kinh phí vận chuyển để di thực cây về trồng. Theo quy hoạch, trong khuôn viên Đài tưởng niệm sẽ có 107 cây xanh tượng trưng cho số cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh.
Chủ tịch UBND xã Tú An cho biết thêm, hạng mục quan trọng nhất của công trình là Nhà tưởng niệm (diện tích 120 m2) và bàn thờ Bác Hồ cùng các liệt sĩ. Cùng với đó là các hạng mục như khuôn viên, tam cấp, đường vào, hàng rào, cổng ngõ... Ngoài tổng kinh phí của dự án là 1,5 tỷ đồng do ngân sách địa phương hỗ trợ, xã cũng đang tiếp tục huy động thêm các nguồn xã hội hóa.
Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Châu-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thị xã An Khê-cho biết: “Huyện phấn đấu để công trình được khởi công trong tháng 7 này và hoàn thành đưa vào sử dụng vào cuối năm 2018. Các công đoạn khảo sát, lập dự án đã hoàn tất, chính quyền xã Tú An đang tính toán xây dựng chi tiết lại dự toán nhằm đảm bảo nguồn vốn đầu tư. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang lựa chọn các phương án thiết kế, xây dựng Nhà tưởng niệm”.  
Cũng theo Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, ngoài kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước, thị xã còn vận động nguồn lực xã hội hóa từ doanh nghiệp và các tổ chức, đoàn thể, nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để hoàn thành công trình có ý nghĩa về giá trị lịch sử, tâm linh. Đây còn là công trình thể hiện đạo lý và truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, là tấm lòng tri ân hướng đến kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7).
Minh Nguyễn 

Có thể bạn quan tâm

Vợ chồng nghèo cưu mang cháu bé bị bỏ rơi

Vợ chồng nghèo cưu mang cháu bé bị bỏ rơi

(GLO)- Tuy gia cảnh nghèo khó nhưng vợ chồng anh Rơ Lan Ky (SN 1991), chị Kpuih Krak (SN 1994, ở làng Grôn, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) vẫn mở rộng vòng tay cưu mang bé gái bị bỏ rơi. Đã hơn 3 năm trôi qua, họ vẫn chăm bẵm nuôi nấng cháu bé như con mình.

Đã nghèo còn gặp tai ương

Đã nghèo còn gặp tai ương

(GLO)- Ở tuổi 60, ông Võ Văn Nhị (thôn Tiên Sơn 1, xã Tân Sơn, TP. Pleiku) vẫn phải lặn lội hàng chục cây số để làm thợ hồ. Rồi tai ương bất ngờ ập đến sau vụ sập giàn giáo. Tuy giữ được mạng sống nhưng ông Nhị phải nằm liệt ở bệnh viện, cuộc sống gia đình đã cơ cực nay lại càng thêm khó.

Không thể cuốn trôi…

Không thể cuốn trôi…

Cơn bão số 3 hoành hành, nhiều tỉnh miền Bắc chìm trong biển nước. Sau mưa bão, hàng trăm người đã ra đi mãi mãi, có những gia đình bơ vơ không còn nhà cửa, phải sống tạm bợ.