Nhiều năm nay cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Lừng (71 tuổi, ở thôn Lâm Phú, xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) không chỉ nghiên cứu, khôi phục, giữ gìn, phát triển nghề đi biển truyền thống vàng lưới rùng và vàng lưới rẹo; tạo công ăn việc làm cho hàng chục người dân; mà ông còn tự bỏ kinh phí, công sức trồng chăm sóc hơn 2ha rừng cây phi lao chắn sóng, chắn cát, bảo vệ cuộc sống bình yên cho dân làng ở ven cửa biển.
Cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Lừng bên rừng phi lao do mình trồng |
Ông Lừng “vàng lưới rùng - lưới rẹo”
Đó là cái tên thân mật mà người dân ở làng chài ven biển thôn Lâm Phú, xã Xuân Liên thường quen gọi để bày tỏ sự gần gũi, kính trọng đối với cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Lừng. Ông là người có công lao khôi phục nghề đánh cá lộng truyền thống nổi tiếng một thời của ngư dân địa phương.
Năm 1994, sau khi đi bộ đội trở về địa phương, ông Lừng được nhân dân tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Lâm Phú, kiêm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh và Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Xuân Liên. Trong thời gian này, ông vừa hoàn thành các nhiệm vụ được giao vừa tiếp tục nghề đi biển trên con thuyền 20CV để chăm lo cuộc sống gia đình. Đặc biệt, ông bắt đầu nghiên cứu, khôi phục nghề truyền thống nổi tiếng của cha ông để lại đã bị mai một, thất truyền từ lâu, đó là vàng nghề lưới rùng và vàng nghề lưới rẹo.
Ông Lừng cho biết, vàng lưới rùng là sử dụng bộ lưới đánh cá có chiều dài khoảng 500m, độ cao của lưới khoảng 10-12m, mắt lưới từ A1 đến A4 rộng khoảng 2-3cm, chuyên đánh cá mu, mực… bằng hình thức kéo lưới ven bờ với phạm vi hơn 1km; để đánh được lưới rùng này, yêu cầu phải có 1 bè, 1 thuyền máy và khoảng 20 người trở lên; thời gian đánh 1 mẻ vàng lưới rùng là gần 3 tiếng đồng hồ buổi sáng. Còn vàng lưới rẹo sử dụng bộ lưới đánh cá có chiều dài khoảng 400m, độ cao 10-12m, mắt lưới nhỏ hơn, chuyên đánh cá cơm, cá nhỏ các loại, sứa… trong phạm vi gần 1km và cũng cần có từ 20 người trở lên, thời gian đánh 1 mẻ gần 3 tiếng đồng hồ buổi sáng.
Ông Lừng chia sẻ: “Khi đi bộ đội về thấy lao động nhàn rỗi ở địa phương rất nhiều, tôi đã động viên vợ con đầu tư khôi phục lại nghề vàng lưới rùng và vàng lưới rẹo. Ban đầu mới nói ý định, vợ con không đồng ý, vì lo lắng trong người tôi bị nhiều vết thương chiến tranh, lại ốm đau thường xuyên; mặt khác 2 vàng nghề này đã bị thất truyền từ lâu, không còn được lứa trẻ ở địa phương tin tưởng… Nhưng sau nhiều lần giải thích, thuyết phục, cuối cùng vợ con cũng cảm thông, thấu hiểu và cùng với tôi đầu tư khôi phục nghề này”.
Năm 2001, ông Lừng dốc hết vốn liếng và đi vay mượn thêm của anh em, bạn bè được 50 triệu đồng về mua lưới, sau đó tự mày mò nghiên cứu chế tác theo cấu trúc phù hợp với nghề vàng lưới rùng (tiền lưới, tiền công, tiền mua vật liệu hết hơn 100 triệu đồng). Sau khi chế tác lưới thành công, ông đi đến từng nhà vận động, thuyết phục lao động nhàn rỗi ở địa phương, trong đó nhiều lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cùng tham gia làm nghề vàng lưới rùng đi đánh bắt cá to, cá vừa các loại ở vùng lộng gần bờ. Lúc đó một số người đồng ý tham gia nhưng trong lòng vẫn còn hoài nghi về tính khả thi của nghề vàng lưới rùng này, vì nó đã bị thất truyền từ lâu... Kết quả, trong các chuyến đi biển với nghề vàng lưới rùng đều đánh được nhiều cá, mực, mang lại thu nhập cao hơn so với các nghề khác. Mọi người bắt đầu phấn khởi, tin tưởng.
Sau đó, ông Lừng nhận thấy, nếu phát triển một nghề vàng lưới rùng thôi thì quá phí, vì nghề này chỉ đánh bắt kéo dài được vỏn vẹn 4 tháng trong năm (từ tháng 2 đến tháng 5), thời gian còn lại, các lao động lại tiếp tục thất nghiệp. Năm 2004, ông tiếp tục vay mượn đầu tư hơn 50 triệu đồng mua thêm lưới mới và nghiên cứu, chế tác lại theo cấu trúc phù hợp với nghề vàng lưới rẹo để chuyên đánh bắt cá nhỏ các loại, sứa… ở gần bờ. Mùa đánh bắt kéo dài từ tháng 5 cho đến cuối năm.
Từ đó, mỗi năm ông Lừng đều khai thác có hiệu quả cả 2 nghề, mang lại thu nhập cao cho gia đình và giải quyết được nhiều việc làm ổn định cho lao động nhàn rỗi ở địa phương. Cuộc sống theo đó cũng bớt khó khăn hơn trước. Sau khi cả 2 vàng nghề làm ăn có hiệu quả, năm 2014 ông Lừng đứng ra vận động anh em thành lập Tổ hợp tác xã Khai thác và chế biến hải sản Bình Minh do ông làm chủ nhiệm, với 25 xã viên, bình quân mỗi năm thu về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
Trồng phi lao bảo vệ làng biển
Không chỉ là người có công lao khôi phục, phát triển nghề biển truyền thống, ông Lừng còn tự bỏ kinh phí, công sức đầu tư trồng, chăm sóc thành công rừng phi lao phòng hộ ở ven cửa biển thôn Lâm Phú để chắn gió, chắn cát, bảo vệ cuộc sống bình yên cho dân làng.
Sau khi trở về địa phương, thấy ở thôn Lâm Phú có giải đất cát ven cửa biển dài hơn 3km bị bỏ hoang và thường xuyên bị sóng biển làm xói lở nghiêm trọng, được chính quyền địa phương tạo điều kiện, ông Lừng và vợ đã quyết định bỏ ra hàng chục triệu đồng mua hơn 7.000 cây phi lao giống đưa về trồng tại bờ biển này. Đợt trồng đầu tiên gần như bị thất bại, do bị trâu bò và sâu bệnh phá hoại, thời tiết khắc nghiệt khiến cây héo khô chết dần.
Ông Lừng sinh ra và lớn lên trong gia đình có nhiều đời gắn bó với nghề đi biển. Năm 1967, như bao thế hệ thanh niên Việt Nam yêu nước, ông đã tình nguyện nhập ngũ, vào đơn vị 4011 hoạt động tại binh trạm 33 vùng Trung Lào; năm 1970, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng, sau đó về công tác tại Sư đoàn 471 bộ đội Trường Sơn, rồi đi học Học viện Hậu Cần, ra trường ông về công tác tại Sư đoàn 307 Quân khu 5…, đến tháng 1-1994, ông nghỉ hưu trở về địa phương với cấp hàm trung tá. Trong những năm tham gia quân đội, ông đã 4 lần bị thương do trúng mảnh bom đạn, hiện nay ông là thương binh hạng 3/4, bị chất độc da cam loại 2. |
Nhận thấy, nếu bỏ cuộc giữa chừng, dải đất cát ven biển này sớm muộn cũng sẽ bị sóng biển nuốt chửng. Hai vợ chồng ông lại quyết định tiếp tục cải tạo đất cát gần nhà, đầu tư tiền mua cây phi lao giống về ươm tại chỗ. Khi cây con ươm phát triển tốt, hai vợ chồng lựa chọn những cây to khỏe đem ra trồng trực tiếp tại vị trí bờ biển cũ (trên diện tích hơn 2ha), rồi thay phiên nhau ra chăm sóc và canh giữ không cho trâu bò đến phá hoại, phun thuốc diệt sâu bệnh... Đến nay, nơi đây đã hình thành rừng cây phi lao xanh tốt, cao vút, trở thành tấm khiên che chắn gió bão, ngăn sóng biển, ngăn cát bay, bảo vệ đất đai, làng xóm bình yên và tạo cảnh quan môi trường sinh thái trong lành, thoáng mát cho thôn Lâm Phú nói riêng và xã Xuân Liên nói chung.
Nói về dự định sắp tới, ông Lừng cho biết, dù hiện nay tuổi đã cao, sức khỏe yếu hơn, nhưng vẫn sẽ tiếp tục cố gắng trồng mới thêm nhiều lứa cây phi lao phòng hộ và ổn định tổ chức của vàng lưới rùng, vàng lưới rẹo để duy trì, giữ vững được cái nghề truyền thống của cha ông để lại, không thể bị mai một, thất truyền một lần nữa. Ông vẫn sẽ luôn nêu gương nòng cốt tiên phong trong các hoạt động phong trào xây dựng nông thôn mới, văn hóa xã hội của thôn, xã ở địa phương… để xứng đáng với phẩm chất của người lính Cụ Hồ.
Ông Hoàng Ngọc Thắm, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Xuân Liên cho biết, ông Lừng là tấm gương sáng mẫu mực, được cấp ủy, chính quyền và người dân rất quý trọng vì những việc làm, cống hiến có ý nghĩa cho xã hội, làng xóm. Với việc nghiên cứu, khôi phục thành công vàng lưới rùng và vàng lưới rẹo, ông Lừng là điển hình vừa góp phần vào phát triển kinh tế, giải quyết được nhiều việc làm cho người dân trên địa bàn, nâng cao thêm nguồn thu nhập; vừa giúp người dân tiếp tục yên tâm vươn khơi bám biển, bám ngư trường và giữ được nghề truyền thống của cha ông. Noi theo gương ông Lừng, nhiều hộ dân nơi đây cũng đã mạnh dạn nhận đất tham gia trồng và chăm sóc rừng cây ven biển.
Dương Quang (sggp)