Người Cor di cư làm giàu: Không quên văn hóa truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trên đường di cư từ vùng núi heo hút, một nhóm nhỏ người Cor vùng Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) và Trà My (tỉnh Quảng Nam) đã tìm thấy một mảnh đất trù phú, màu mỡ ở phía Tây. Họ định cư và gây dựng thôn Thọ An (xã Bình An, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi)…

Trở thành tỷ phú nhờ keo rừng

Giờ đây về Thọ An đã không còn thấy những mái nhà tranh thưa thớt, hầu hết là nhà mái ngói, cao tầng. Và nếu không nghe tiếng Cor, có lẽ sẽ không phát hiện nơi đây là vùng đất định cư có đến 90% người dân tộc Cor sinh sống. Thôn Thọ An gồm hơn 170 hộ, trong đó có đến 160 hộ với gần 650 nhân khẩu là người Cor.

 

Nghệ nhân Hồ Văn Huy (phải) đang dạy cách đánh chiêng.
Nghệ nhân Hồ Văn Huy (phải) đang dạy cách đánh chiêng.

Với sự cần cù, chịu khó, sống thuận theo thiên nhiên núi rừng, người Cor khai hoang trồng keo rừng ngay từ khi lập nghiệp. Ông Nguyễn Văn Minh (59 tuổi, thôn Thọ An) đang trồng hơn hàng chục hécta rừng keo, là nông dân giỏi tiêu biểu của xã, huyện, tỉnh. Năm 1996, một mình ông cầm rựa, cuốc lên rừng phát rẫy làm keo, mỗi năm lại phát thêm một khoảnh rừng. “Góp gió thành bão”, đến năm 2008, ông trở thành người có diện tích rừng lớn nhất xã, với 150ha rừng keo bạt ngàn. Ông cho biết: “Khi tôi còn nhỏ, người ta chỉ phát rừng trồng lúa rẫy, kiếm cái ăn qua ngày, cuộc sống cực khổ. Tôi theo cách mạng từ năm 1971 đến năm 1976 thì về địa phương, học được cách người đồng bằng làm ruộng, làm kinh tế hay, tôi nhận thấy tập quán canh tác cũ đã không phù hợp, lúa năm được năm mất, điều kiện canh tác lại khó khăn. Nghe Nhà nước giao đất, giao rừng cho dân, tôi quyết định phát rẫy trồng keo”. Bán đi hầu hết rừng keo, ông Minh trở thành người đầu tiên trong thôn xây căn nhà tiền tỷ, mua ô tô, xe tải làm dịch vụ. Ngoài chạy xe dịch vụ, chở keo cho người dân, gia đình ông còn mở tiệm tạp hóa nhỏ trong vùng. Con cái đi làm ăn xa, mảnh rừng còn lại mỗi năm cũng giúp ông thu về 250 triệu đồng.

Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Kiều có 20 ha keo rừng, kết hợp buôn bán, mỗi năm thu nhập 100 triệu đồng. Chị Kiều chia sẻ: “Những năm đầu trồng keo, cả gia đình phải vất vả mua, vận chuyển giống cây về trồng. Nhờ thời tiết mưa thuận gió hòa, không phụ công người cây phát triển xanh tốt, gia đình tôi mở rộng quỹ đất”. Mỗi vụ thu hoạch, rừng keo nhà chị Kiều tạo công ăn việc làm cho hơn 10 lao động địa phương. Chị Kiều vừa xây dựng một căn nhà trang khang tại thôn, cả hai vợ chồng tham gia vào Hội Phụ nữ và Công an xã Bình An, trở thành gương sáng cho người dân trong vùng.

Trưởng thôn Đinh Văn Hà cho biết: “Cả thôn có đến 500ha đất chuyên trồng keo, người ít nhất cũng vài hécta, người nhiều là cả chục hécta. Một hécta keo cho thu nhập 40 triệu đồng, mỗi người bình quân đạt 3 triệu đồng/người/tháng. Cả thôn còn nuôi hơn 200 con bò. Nhờ cần cù, chịu khó, giúp đỡ nhau cùng làm kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo của thôn đến nay chỉ còn 50 hộ”.

Mang văn hóa Cor về lại làng

Khi công cuộc lạc nghiệp đã khởi sắc, những người Cor vùng đất Thọ An mới nhận ra nét văn hóa truyền thống trong cuộc di cư đã bị mai một. Cả thôn Thọ An không còn tìm được một căn nhà dài, nhà Xlúp, nhà Gươl…, không còn ai giữ những trang phục truyền thống. Đã lâu rồi, người Cor không nhớ rõ họ đã tổ chức lễ ăn trâu, lễ ngã rạ… lần cuối khi nào. Họ sống như người miền xuôi lên vùng đất mới làm ăn. Mãi gần đây, năm 2017 huyện Bình Sơn đặt dệt 20 bộ trang phục nam nữ, làm 5 đôi cồng chiêng. Đầu tháng 10, 3 nghệ nhân người Cor được huyện Bình Sơn mời từ huyện Trà Bồng về tận thôn để giảng dạy cồng chiêng, hát, múa truyền thống.

Ba nghệ nhân gồm: ông Hồ Văn Biên phụ trách dạy cồng chiêng, ông Hồ Văn Nương dạy dân ca, ông Hồ Văn Huy dạy các điệu múa Cor. “Chúng tôi sẽ múa cồng chiêng cho người dân trong thôn Thọ An xem, khi họ thấy hứng khởi, có lửa trong người, thì mới có thể tiếp thu, giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống”, ông Hồ Văn Biên nói. Các nghệ nhân sẽ dạy dân làng cách đánh chiêng đón khách và chiêng ông bà, còn với dân ca Cor, họ sẽ dạy điệu Xà-ru, điệu A-Giới và những điệu hát ứng khẩu, thổ lộ tâm tình, ca ngợi lao động, ngoài ra còn có điệu múa Cà đáo…

Thôn Thọ An đã tuyển chọn được 20 người tham gia học múa hát dân ca, 10 người học đánh chiêng. Với những người Cor ở Thọ An, đây là cuộc “cách mạng văn hóa” có vai trò quan trọng giữ gìn truyền thống đang dần mai một. Trưởng thôn Đinh Văn Hà chia sẻ: “Học văn hóa Cor là ao ước của nhiều người dân, bởi lẽ khi di cư, các nét văn hóa bị giao thoa, nhiều điểm dần trở nên khác biệt và mờ nhạt”.

Nguyễn Trang/sggp

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.