Người có biệt tài huấn luyện chim trời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nghề chơi nào chẳng công phu, câu nói ấy quả không sai khi tôi chứng kiến một thanh niên với chiếc còi trên tay, miệng gọi tên, điều khiển bay đi bay về một con vẹt xuất hiện tại Công viên Nguyễn Viết Xuân (TP. Pleiku, Gia Lai) thời gian gần đây. 
 Người có biệt tài huấn luyện chim trời (Sơn mặc áo xanh). Ảnh: T.S
Người có biệt tài huấn luyện chim trời (Sơn mặc áo xanh). Ảnh: T.S
Như bao con vẹt rừng xanh màu lá bày bán ngoài chợ, ngoài mấy góc phố, con vẹt kêu “kẹt kẹt”, to mà khàn, đục. Chỉ thấy nó xinh xinh, hay hay ở cái mỏ uốn cong, quặp đôi chân treo ngược đung đưa trên cành, dùng mỏ mổ lấy mổ để, rồi lủn lủn bước đi từng bước nhỏ. Nhưng đây là con vẹt được huấn luyện, dạn dĩ bay là là, chao liệng rồi đậu trên cành muồng Nhật, cành sao đen, thông, phượng… thản nhiên ngắt những cánh hoa vàng thắm hút lấy nhựa mật rồi nhả vàng một góc ghế đá. Thoáng chốc, con vẹt mất hút trong một đám lá, hay tung mình lên trời xanh xa tít, cứ tưởng nó theo bầy theo bạn bỏ đi mất rồi cho đến khi chủ nhân tuýt còi gọi về. Khi đứng trên tay chủ, con vẹt mặc sức để các em nhỏ sờ cả lên cánh, lên mỏ, lên đầu, có vẻ nó thích được như vậy.  
Chủ nhân của con vẹt này là Nguyễn Công Sơn-kỹ sư, đang công tác tại một cơ quan cấp tỉnh. Ba em là anh Chính cán bộ Hội Nông dân tỉnh đã về hưu, là người quen biết lâu năm của tôi, nhà ở cạnh công viên. Anh Chính  kể, lúc nhỏ Sơn đã rất thích chim chóc, mèo, chó.” Nó có thể chơi với chúng cả ngày mà không chán, cho chúng ăn uống, tắm rửa. Nhiều khi cuối buổi, hết ngày, cháu vẫn còn tha thẩn với chim, gà, chó, chẳng thiết học hành, cơm nước; cấm thì khóc lóc, giảy nảy giận dỗi. Mà hình như nó có tài điều khiển chó mèo, chim chóc, gần gũi vui đùa với nó cứ như với đồng loại”-anh Chính vui vẻ cho biết. 
Kể ra điều đó không gì khác là nói đến năng lực đặc biệt của chủ nhân con vẹt. Tất cả các con vật như chim, gà Sơn từng có, đang có là đều được nuôi từ nhỏ, lúc mới tách khỏi vỏ trứng chui ra, từ các cơ sở con giống, người thân, bạn bè. Sau đó là cả một quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc, huấn luyện công phu. Kiến thức, Sơn tìm tòi học hỏi từ bạn bè, trên mạng và thử nghiệm riêng mình. Trước khi nuôi dưỡng và huấn luyện thành công con vẹt nói trên, Sơn từng có một quá trình nuôi dưỡng, huấn luyện nhiều loại chim, gà khác. Cặp chim đại bàng đất trước đây, Sơn huấn luyện thành đôi chim săn mồi “bá phát”, thiện nghệ. Bọn chim sẻ, chim ri trông thấy chúng là chết khiếp, trốn biệt. Đám bồ câu cũng chui lủi trong lồng chẳng dám bén mảng ra đến hiên. Nhưng khác với bản năng săn mồi vốn có, dưới bàn tay huấn luyện của chủ, chúng chỉ đuổi dọa những con chim khác chứ chưa hề giết hại bao giờ. Về sau, một bạn thân nằng nặc xin nuôi, Sơn không sao từ chối được nên đã đồng ý chuyển giao với điều kiện: không được bán cho người khác, không được bỏ bê mà phải chăm sóc chúng thật cẩn thận.
 Ảnh: T.S
Ảnh: T.S
Trong những con vật Sơn nuôi, thú vị có con gà rừng trống. Sơn mua nó ngay tại lò ấp trứng gần nhà. Nói về con gà này, anh Chính vẫn chưa hết tiếc nuối. Mày mò tìm kiếm kiến thức, cất công lặn lội khắp nơi tìm mồi, dưới bàn tay của Sơn, con gà rừng chẳng mấy chốc lớn nhanh trong sự vui mừng và ngỡ ngàng của cả gia đình. Cứ mỗi lần cho ăn, tắm táp, sáng, chiều, lúc trời lặng gió, mát mẻ hay khi nóng bức, mưa bão, gắn với từng kỹ thuật chăm sóc  Sơn đều dùng lời nói và chiếc còi của mình điều khiển, hướng dẫn con gà làm theo. Nói gì, tiếng còi ra sao... chỉ mình Sơn nghĩ ra rồi sáp dụng. Từng tí, từng tí một, hết ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, dần dần con gà cũng chịu “nghe lời”, cung cúc thực hiện các động tác, điệu bộ do Sơn huấn luyện và chỉ dẫn. Nói gì nghe nấy, bảo làm gì làm nấy, “Con gà khôn quá trời, hồi đó cả tổ dân phố này không ai là không thích”- anh Chính thích thú kể. Có khách vào nhà, Sơn bảo gáy, con gà liền đập cánh gáy vang, làm khách từ sửng sốt, giật mình đến xuýt xoa khâm phục. Sáng sáng, cà phê đầu ngõ, Sơn bước ra quán trước là con gà lủn củn chầm chậm theo sau. Khách khứa không ai là không… đã, khi Sơn điều khiển con gà quý như vàng của mình ò...ó...o...gáy vang cho mọi người nghe chơi! 
Con gà càng lớn thân hình càng đẹp, nhất là bộ lông dài mượt sắc tía, đen, vàng cuốn hút; má bạc trắng lấp lánh và đôi cựa cong vút. Và cũng như đôi chim đại bàng đất, một lần nữa, Sơn đã “cầm lòng không đậu” trước lời khẩn cầu của bạn, đại khái “ Mày có tài, nuôi con khác. Tiếc gì, để lại tao. Tao thích lắm rồi!”. Đấy, bạn thân, lý lẽ gan ruột như thế, từ chối sao được.   
Lại nói về con vẹt kể trên, Sơn mua tại một cửa hàng trên đường Phan Đình Phùng- Pleiku, lúc mới “ra ràng”, cho ăn phải bơm bằng xi lanh. Bất ngờ là từ lúc mua đến giờ, thực ra mới chỉ có 3 tháng! Nói về bí quyết, Sơn có vẻ không muốn tiếc lộ nên tỏ ra thận trọng, nhất là kỹ thuật nuôi dưỡng, dùng thức ăn gì và đặc biệt là phương pháp huấn luyện. Sơn chỉ cho biết, vẹt là loài chim rất khôn, môi trường sống gắn với tự nhiên, thức ăn chủ yếu là ngũ cốc, hoa quả nói chung, chúng thích nhất là bắp tươi. Cho ăn ngày vài lần. Ngày nắng nóng thì đổ nước ra chậu, mở lồng cho chim tự tắm. Ngày mưa gió phải che kín, đem cả vào nhà. Hướng dẫn, tập luyện vẹt chỉ là chiếc còi như của trọng tài bóng đá. Nhưng trước đó phải đặt tên cho nó, giúp khắc ghi một số từ, kết hợp điều khiển bằng động tác, điệu bộ. Cho ăn khi đói kết hợp huấn luyện là cách tốt nhất để vẹt nhanh tiếp thu. Sơn tuyệt đối không cho tôi biết tên con vẹt, cách điều khiển nó ở công viên chiều chiều. Tôi thấy em dùng từ tiếng Anh  “back”, “back” (quay lại, trở lại, trở về) để gọi kết hợp tiếng còi. Bí quyết “cảnh giới “này chắc là cao cơ lắm, không dễ gì đạt tới để học tập. Thực ra Sơn không muốn giấu tôi tên con vẹt nhưng sợ “tai vách mạch rừng” lan tới người không tốt thì con vẹt có thể bị hại, bị bắt trộm chẳng hạn.
Đó cũng là lý do mà sau này tôi mới hiểu, con vẹt thường xuất hiện ở khu vực công viên Nguyễn Viết Xuân nhưng Sơn thì không có mặt. Thực ra lúc ấy, ba em-anh Chính đã thay thế vai trò canh giữ con chim quý, kết hợp tập thể dục. Và khi trời dần tối thì Sơn lại có mặt, dùng còi điều khiển để gọi vẹt về.
 Ảnh: T.S
Ảnh: T.S
Không chỉ có con vẹt khôn đó, trong nhà Sơn còn nuôi nhồng, sáo. Một góc sân nhỏ, lồng nhốt chẳng đáng giá nhưng con chim nào cũng dạn dĩ, không kêu la, vùng vẫy khi có người lạ. Nhồng thì đã biết nói “chào khách”, “vào đi”, gọi tên người này, người khác trong nhà, trông rất thích.
Trước đây cũng như bây giờ, Sơn vẫn hay mang theo chim bên mình. Thi thoảng, Sơn mang chim lên Quảng trường Đại đoàn kết, hồ Đức An, xuống Quy Nhơn… giao lưu với những người có biệt tài nuôi chim, để biết thêm nhiều chim hay, chim quý, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, tập luyện, thuần dưỡng, và cả để chim thỏa thích làm quen với môi trường mới, khung cảnh mới. 
Nghề chơi có nhiều. Nhưng trong khi nhiều thú chơi có hại, hao tốn, tai tiếng thì thú chơi của người trẻ như Sơn chẳng đáng bõ công lắm sao? Công ăn việc làm, lo toan bận rộn, vậy còn gì thú vị cho bằng khi được bầu bạn với chim trời, thư giãn vui chơi với chúng. Gần gũi với chim muông tạo vật, hòa mình với thiên nhiên là cách làm cho cuộc sống bớt đi xô bồ, lấm láp để trở nên nhẹ nhàng, thư thái hơn- điều ai cũng cần, thậm chí thèm khát nhưng không dễ gì có được! 
Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.