Người cao tuổi Chư Pah thi đua làm kinh tế giỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Phát huy tinh thần “Tuổi cao, gương sáng”, người cao tuổi (NCT) huyện Chư Pah không chỉ gương mẫu thực hiện các phong trào thi đua mà còn tích cực tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đóng góp vào sự phát triển của địa phương.

Toàn huyện Chư Pah hiện có 4.923 NCT, trong đó 65-70% vẫn đang trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh. Ông Puih Hríp-Trưởng ban Đại diện Hội NCT huyện Chư Pah, cho biết: “Để giúp NCT thực hiện có hiệu quả phong trào “NCT làm kinh tế giỏi”, các cấp Hội đã phối hợp với Hội Nông dân và các ngành chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; hướng dẫn hội viên khai thác và phát huy thế mạnh từng vùng, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đồng thời phát huy vai trò nòng cốt vận động con cháu, người dân cùng thực hiện, góp phần xây dựng nông thôn mới”.

 

Chủ tịch UBND huyện Chư Pah tặng giấy khen cho người cao tuổi. Ảnh: Đ.Y
Chủ tịch UBND huyện Chư Pah tặng giấy khen cho người cao tuổi. Ảnh: Đ.Y

Một trong những gương điển hình của phong trào “NCT làm kinh tế giỏi” giai đoạn 2012-2018 là ông Trần Giá-Trưởng ban Công tác Mặt trận, kiêm Chi hội trưởng chi hội NCT thôn Đại An 2 (xã Ia Khươl). Ông Giá luôn đi đầu trong sản xuất, tích cực đưa vào thử nghiệm các loại cây trồng mới có chất lượng và hiệu quả cao. Trên diện tích 14,5 ha đất, ông Giá trồng cà phê, hồ tiêu, bời lời, keo lai, sầu riêng ghép giống Thái Lan (cơm vàng hạt lép), mít Thái, bơ… cho thu nhập mỗi năm trên 1,5 tỷ đồng. Cùng với đó, gia đình ông còn nuôi bò, heo, gia cầm… mỗi năm lãi hơn 100 triệu đồng. Hàng năm, gia đình ông tạo việc làm thường xuyên cho 10-20 lao động tại địa phương với thu nhập 4-6 triệu đồng/người/tháng. Vào mùa thu hoạch, có lúc gia đình ông thuê tới 30 lao động mỗi ngày. Ông Giá còn hỗ trợ vốn, giống cây trồng, vật nuôi cho các gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn trong thôn để phát triển kinh tế.

Bà Bùi Thị Chín (thôn 1, thị trấn Phú Hòa) cũng là gương sáng về phát triển kinh tế. Mặc dù đã 66 tuổi nhưng bà Chín vẫn cùng con cháu lao động để phát triển kinh tế gia đình. Hơn 30 năm trước, do không có đất sản xuất nên kinh tế gia đình bà rất khó khăn. Năm 1995, vợ chồng bà mạnh dạn nhận chăm sóc 2 ha cao su của Nông trường Cao su Ia Nhin (Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah). Kinh tế gia đình từ đó từng bước được cải thiện. Có tiền tích góp, vợ chồng bà mua thêm đất để trồng cao su. Nhờ tần tảo sớm khuya, đến nay, gia đình bà có 4,5 ha cao su, 300 trụ hồ tiêu và 1 vườn ươm cây giống, mỗi năm trừ chi phí còn lãi trên 300 triệu đồng. “Để có được thành công như hôm nay, tôi nhận ra một điều, càng khó khăn càng phải quyết tâm. Khi có điều kiện kinh tế ổn định, tôi giúp đỡ những người còn khó khăn hơn mình. Như vậy mình lại có thêm động lực để vươn lên”.

Ở làng Brông (xã Nghĩa Hưng), ông Ksor Ba-già làng, kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn cũng là tấm gương cho nhiều người học tập. Ngoài tham gia công tác xã hội, ông còn trồng 2 ha cà phê xen cây ăn quả, 200 trụ hồ tiêu, 4 sào lúa nước 2 vụ và chăn nuôi… Sau khi trừ chi phí, mỗi năm, gia đình lãi trên 300 triệu đồng. Sản xuất giỏi và tích cực tham gia công tác xã hội, ông Ba được tặng nhiều bằng khen và giấy khen của các cấp, các ngành.

Trao đổi với P.V, Trưởng ban Đại diện Hội NCT huyện Chư Pah cho biết thêm: “Để phong trào “NCT làm kinh tế giỏi” tiếp tục phát huy hiệu quả, Hội NCT huyện sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh tổ chức các hoạt động hỗ trợ nông dân như: bảo lãnh tín chấp cho hội viên NCT vay vốn phát triển kinh tế; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; cung ứng vật tư nông nghiệp theo hình thức trả chậm; thành lập các tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, chăn nuôi”.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm