Ngôi làng vùng sâu không còn hộ nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Làng Kon Lốc 1 (xã Đak Rong, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) có 73 hộ đồng bào dân tộc Bahnar. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của cộng đồng, đến nay, làng không còn hộ nghèo.


Từ thị trấn Kbang, vượt hơn 60 km, chúng tôi có mặt tại làng Kon Lốc 1. Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến đây là những ngôi nhà sàn khang trang của người dân san sát bên nhau, đường làng được đổ bê tông sạch sẽ, phẳng lì đến tận cổng nhà dân.

Mô hình nuôi heo đen tập trung của người dân làng Kon Lốc 1. Ảnh: Lê Anh
Người dân làng Kon Lốc 1 chăm sóc đàn heo đen. Ảnh: Lê Anh

Trong ngôi nhà sàn khang trang, Trưởng thôn Đinh Văn Váo cho biết: Làng Kon Lốc 1 được chuyển về đây định cư đã hơn 25 năm nay. Ngày trước, cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Những năm gần đây, được các cấp chính quyền tuyên truyền vận động, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ cây-con giống, người làng Kon Lốc 1 bắt đầu nghĩ đến việc thoát nghèo bằng cách thay đổi tư duy làm nông nghiệp, mạnh dạn vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất. Theo đó, những diện tích lúa rẫy, mì, bắp canh tác theo kiểu truyền thống đã được chuyển đổi sang trồng lúa nước, chanh dây, cà phê, mắc ca, dứa và chăn nuôi bò, dê, heo đen.

Điển hình trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao để thoát nghèo là gia đình ông Đinh Văn Pin. “Gia đình mình có hơn 1,5 ha đất nông nghiệp. Trước đây, mình canh tác theo kiểu truyền thống nên năm được, năm mất, cuộc sống bấp bênh. Mấy năm gần đây, mình chuyển một phần diện tích sang canh tác lúa nước. Một phần diện tích mình trồng dứa và mở rộng chăn nuôi. Hiện nay, gia đình mình thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm”-ông Pin bộc bạch.

Vùng chuyên canh dứa của người dân làng Kon Lốc 1. Ảnh: Lê Anh
Vùng chuyên canh dứa của người dân làng Kon Lốc 1. Ảnh: Lê Anh

Nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tận dụng tiềm năng đất đai sẵn có để phát triển sản xuất, 3 năm nay, sản phẩm do dân làng Kon Lốc 1 làm ra đã tạo được chỗ đứng trên thị trường. Hiện làng có 27,8 ha lúa nước, 5 ha chanh dây, 30 ha đậu cô ve, 55 ha cà phê, 15 ha mắc ca, 6 ha dứa và hơn 10 ha rau. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của làng Kon Lốc 1 đạt gần 25 triệu đồng. Đặc biệt, làng không còn hộ nghèo.

Ông Lê Văn Quang-Chủ tịch UBND xã Đak Rong-chia sẻ: Để đạt được thành quả như hôm nay một phần nhờ vào Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là người làng Kon Lốc 1 rất chăm chỉ, đoàn kết và có ý thức giúp đỡ lẫn nhau.  

Ông Quang kể: Năm 2018, Dự án môi trường Tây Nguyên hỗ trợ mô hình trồng giống dứa không mắt với diện tích 0,6 ha. Xã chọn gia đình ông Đinh Văn Pin để triển khai. Sau vụ đầu tiên, cây dứa cho năng suất cao, được thị trường ưa chuộng nên lãi hơn 10 triệu đồng. Thấy mô hình này hiệu quả nên người dân đến học hỏi kinh nghiệm. Đến nay, dân làng trồng được 5 ha dứa. Tương tự, mô hình nuôi heo đen cũng mang lại hiệu quả cao. “Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục định hướng cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng diện tích các loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó, xã huy động các nguồn lực hỗ trợ để Kon Lốc 1 trở thành làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”-ông Quang cho biết.

LÊ ANH

Có thể bạn quan tâm

Hội nghị góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

(GLO)- Ngày 8-11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai tổ chức góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Hội nghị do PGS. TS Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì.

Lễ khánh thành lưới điện xã Tơ Tung đưa điện về quê hương Anh hùng Núp (ảnh ông Nguyễn Quang Hiền cung cấp).

Chuyện đưa điện lưới về làng Anh hùng Núp

(GLO)- Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, diện mạo làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) ngày càng khởi sắc. Một trong những yếu tố then chốt làm nên sự “thay da đổi thịt” trên quê hương Anh hùng Núp chính là quyết tâm đưa điện lưới quốc gia đến với Stơr từ năm 1996 của UBND tỉnh.

Kbang chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường

Kbang chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường

(GLO)- Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ đạo triển khai thực hiện thu gom, xử lý rác thải đảm bảo quy định, huyện Kbang cũng đã ưu tiên nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT), góp phần gìn giữ cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.

Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh diễn ra vô cùng hấp dẫn. Ảnh: PHẠM QUÝ

Hội tụ bản sắc văn hóa vùng biên

(GLO)- Qua 5 lần tổ chức, Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã trở thành sự kiện tôn vinh, quảng bá bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng đất nơi biên cương Tổ quốc.