Nghĩa tình “Mái ấm biên cương”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mùa mưa năm nay, 22 gia đình chính sách và hộ nghèo tại huyện biên giới Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) sẽ không còn phập phồng nỗi lo mưa dột, gió lùa. Những “Mái ấm biên cương” do Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh phối hợp cùng UBND huyện Đức Cơ xây tặng đã giúp bà con an cư.

Hân hoan đón nhà mới

Mới đây, chúng tôi có dịp đi cùng đoàn công tác của Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh và UBND huyện Đức Cơ đến bàn giao “Mái ấm biên cương” cho hộ nghèo, gia đình chính sách nơi biên giới. Mái ấm đầu tiên của đợt này được trao cho chị Rơ Châm H’Nak (làng Mook Đen 1, xã Ia Dom).

Đón chúng tôi trong căn nhà xây vững chãi, còn thơm mùi sơn mới, chị H’Nak không giấu được sự xúc động. Bởi lâu nay, gia đình 10 người phải sống trong không gian khá chật hẹp, nhà xuống cấp không đảm bảo cho sinh hoạt. “Mình có 8 người con, kinh tế gia đình phụ thuộc vào 5 sào điều. Hết mùa điều, vợ chồng đi làm thuê. Nhà nghèo, tiền ăn nhiều lúc còn không có lấy đâu ra tiền để xây nhà mới. Được các đơn vị hỗ trợ, ngôi nhà mơ ước của gia đình mình đã thành hiện thực”-chị H’Nak tâm sự.

Căn nhà mới của chị H’Nak rộng 36 m2, gồm 1 phòng khách, 1 phòng ngủ với tổng kinh phí xây dựng 65 triệu đồng, trong đó, Đảng bộ Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên hỗ trợ 50 triệu đồng, UBND huyện Đức Cơ hỗ trợ 5 triệu đồng, còn lại gia đình vay mượn thêm. Ngoài kinh phí của các đơn vị, gia đình chị H’Nak còn nhận được sự giúp sức của dân làng trong việc san nền, chuẩn bị mặt bằng thi công.

Đại diện Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh cùng UBND huyện Đức Cơ trao “Mái ấm biên cương” cho chị Rơ Châm H’Nak (thứ 3 từ phải sang). Ảnh: P.L

Đại diện Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh cùng UBND huyện Đức Cơ trao “Mái ấm biên cương” cho chị Rơ Châm H’Nak (thứ 3 từ phải sang). Ảnh: P.L

Bà Đoàn Thị Bình-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Dom-cho hay: “Trong đợt này, ngoài gia đình chị H’Nak, xã Ia Dom còn 4 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà mới. Thêm một hộ có nhà là chúng tôi có thêm một niềm vui. Chính quyền xã thường xuyên theo dõi, đôn đốc đội thi công để đảm bảo tiến độ đề ra”.

Với bà Ksor H’Piêng (làng Trol Đeng, thị trấn Chư Ty), mùa mưa năm nay không còn là nỗi lo nữa. Hai con đi làm thuê ở xa nên bà sống một mình trong căn nhà lợp tôn được dựng từ 10 năm trước, nhiều mảng tường bị bục phải dùng bạt che. Khi nghe tin được Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh hỗ trợ 75 triệu đồng để làm nhà mới, bà H’Piêng rất mừng và vay mượn thêm 35 triệu đồng để xây dựng căn nhà có diện tích 56 m2.

Ngày bàn giao nhà, bà H’Piêng nắm chặt tay các nhà tài trợ bày tỏ: “Nhà nghèo nên không có tiền xây nhà, được các đơn vị hỗ trợ kinh phí, giờ không sợ mưa to, gió lớn nữa rồi. Ngôi nhà là nguồn động viên rất lớn về vật chất lẫn tinh thần, giúp gia đình mình ổn định hơn”.

Ấm áp nghĩa tình

“Mái ấm biên cương” là chương trình xây dựng nhà ở cho các gia đình chính sách, hộ nghèo khó khăn về nhà ở do Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh triển khai nhằm chung tay cùng các địa phương thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Chương trình được thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 tại các địa phương của tỉnh nhưng tập trung chủ yếu tại 3 huyện biên giới: Đức Cơ, Ia Grai, Chư Prông.

Năm 2023, chương trình “Mái ấm biên cương” được thực hiện tại huyện Đức Cơ. Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh đã vận động các cơ quan, doanh nghiệp trong Khối hỗ trợ xây dựng 22 căn nhà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo khó khăn ở huyện Đức Cơ với tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng. Mỗi hộ được hỗ trợ 50-80 triệu đồng để xây dựng nhà.

Ông Trịnh Xuân Đoài-Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Tây Nguyên-cho hay: “Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Công ty luôn chú trọng các hoạt động an sinh xã hội. Mục tiêu của đơn vị là mỗi năm xây dựng ít nhất 5 căn nhà cho các hộ nghèo, gia đình chính sách. Tham gia chương trình “Mái ấm biên cương”, đơn vị đã hỗ trợ kinh phí xây dựng cho 2 hộ nghèo ở xã Ia Dom. Chúng tôi hy vọng các gia đình yên tâm lao động, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống”.

Đại diện Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh cùng UBND huyện Đức Cơ động viên gia đình chị Rơ Châm H'Chuyên (thứ 2 từ phải qua) nỗ lực vươn lên để thoát nghèo. Ảnh: Phan Lài

Đại diện Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh cùng UBND huyện Đức Cơ động viên gia đình chị Rơ Châm H'Chuyên (thứ 2 từ phải qua) nỗ lực vươn lên để thoát nghèo. Ảnh: Phan Lài

Sau 3 tháng tích cực triển khai, tất cả 22 ngôi nhà được hoàn thành, bàn giao đúng thời hạn. Ông Dương Dã-Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh-thông tin: “Năm 2023, Đảng ủy Khối đã vận động được gần 2 tỷ đồng từ các cơ quan, doanh nghiệp trong khối để xây dựng 33 nhà ở cho các hộ nghèo, gia đình chính sách. Trong đó, xây dựng 22 “Mái ấm biên cương” trị giá hơn 1,3 tỷ đồng cho bà con ở huyện biên giới Đức Cơ; 11 căn nhà còn lại hỗ trợ cho 7 huyện khác trên địa bàn tỉnh. Qua chương trình, chúng tôi mong muốn chung tay cùng địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Quan trọng hơn, chương trình đã huy động và khơi dậy được tinh thần “tương thân tương ái”, gắn bó giữa các cơ quan, doanh nghiệp với người dân vùng biên”.

Từ năm 2021 đến nay, Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh đã trao tặng 78 “Mái ấm biên cương” cho hộ nghèo, gia đình chính sách ở 3 huyện: Đức Cơ, Ia Grai, Chư Prông. Tất cả đối tượng được hỗ trợ xây nhà đều thuộc diện hộ nghèo. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều có chung một cảm xúc vui mừng, hạnh phúc khi được xây nhà vững chắc, kiên cố để ở, có động lực để lao động, sản xuất, vươn lên trong cuộc sống.

Ông Siu Luynh-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ-chia sẻ: “Trên địa bàn huyện có 2.420 hộ nghèo, chiếm 12,41%. Trong đó, có 2.184 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, chiếm 90,25% số hộ nghèo toàn huyện. Những “Mái ấm biên cương” do Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh xây dựng đã góp phần cùng địa phương thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Chương trình “Mái ấm biên cương” rất ý nghĩa, giúp bà con vùng biên giới thêm tin tưởng vào chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, yên tâm lao động sản xuất để ổn định cuộc sống, chung tay bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Có thể bạn quan tâm

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo ở làng Bua, xã Ia Pnôn. Ảnh: V.H

Đức Cơ quan tâm tạo sinh kế cho hộ nghèo

(GLO)- Cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) chiếm 10,19%. Nhưng đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 7,92%. Để có được kết quả này, huyện đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, đặc biệt là tạo sinh kế giúp hộ nghèo chủ động vươn lên trong cuộc sống.

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

An Khê chủ động phòng ngừa cháy nổ tại chợ

Phòng ngừa cháy nổ tại các chợ An Khê

(GLO)- Thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) có 12 chợ truyền thống. Thời điểm này, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, các ban quản lý chợ, chính quyền địa phương, lực lượng Công an chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy nổ.

Khoảng lặng ở Tây Hồ

Khoảng lặng thôn Tây Hồ

(GLO)- Khoảng lặng chúng tôi muốn nói đến chính là cuộc sống của những người từng mắc bệnh phong, sống lặng lẽ ở xóm cùi thuộc thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai).

Xã Gào đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo

Xã Gào đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo

(GLO)- Bên cạnh phát huy hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, thời gian qua, xã Gào (TP. Pleiku) đã đẩy mạnh công tác truyền thông giảm nghèo bằng nhiều hình thức. Qua đó, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao thu nhập của người dân và giảm nghèo bền vững.