Ngành Tài chính: Nhiều thành tựu sau 43 năm phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong 43 năm sau ngày giải phóng, trải qua các thời kỳ, cơ chế quản lý, ngành Tài chính Gia Lai đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách để không ngừng trưởng thành, phát triển, bảo đảm nhu cầu tài chính, góp phần quan trọng cho việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sau ngày miền Nam giải phóng, 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum được hợp nhất, cùng cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh hết sức khó khăn với trình độ kinh tế, văn hóa, xã hội còn nhiều hạn chế, cơ sở vật chất nghèo nàn, lại gánh chịu hậu quả nặng nề sau 30 năm chiến tranh. Trong điều kiện tiền vốn, vật tư thiếu thốn, thu-chi ngân sách mất cân đối, đội ngũ cán bộ vừa thiếu vừa yếu, cơ chế quản lý nặng về bao cấp, ngành Tài chính đã tích cực xây dựng bộ máy, thực hiện cơ chế, chính sách tài chính thống nhất trong cả nước.

 

Ngành Tài chính tỉnh đặt mục tiêu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 9-10%/năm trong giai đoạn 2016-2020. Ảnh: Đức Thụy
Ngành Tài chính tỉnh đặt mục tiêu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 9-10%/năm trong giai đoạn 2016-2020. Ảnh: Đức Thụy

Tiền thân là Ban Tài chính Đảng, Ban Kinh-Tài, Ban Tài-Mậu, Ban Tài chính trong thời kỳ chiến tranh, 43 năm qua, ngành Tài chính Gia Lai đã có một hệ thống các cơ quan tài chính gồm: Sở Tài chính, Thuế, Kho bạc, Hải quan và Chi cục Dự trữ Nhà nước. Chức năng của ngành đã được tăng cường, bao quát các hoạt động quản lý thu-chi ngân sách, quản lý đầu tư, quản lý tài sản công, quản lý doanh nghiệp, quản lý xuất nhập khẩu… Bộ máy tài chính địa phương đã được mở rộng từ cấp tỉnh, cấp huyện đến tận cấp xã, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý tài chính, ngân sách.

Năm 1991, tỉnh Gia Lai-Kon Tum được chia tách, ngành Tài chính Gia Lai tiếp tục được củng cố và phát triển, nhất là từ sau năm 2005. Nhờ đó, chi ngân sách địa phương luôn được cân đối đảm bảo, nhất là chi đầu tư cơ sở hạ tầng, chi thường xuyên theo chế độ, không những đảm bảo tiền lương, lương hưu, trợ cấp người có công và các chế độ chính sách hỗ trợ người nghèo, quốc phòng-an ninh, mà còn  đảm bảo các nguồn quỹ dự phòng, dự trữ tài chính bổ sung quỹ cải cách tiền lương, thực hiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ ngân sách cấp dưới và các đơn vị của Trung ương đứng chân trên địa bàn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo quốc phòng, quân sự địa phương. Thành tựu nổi bật trong 43 năm qua là cơ sở hạ tầng ở vùng đô thị, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa được đầu tư, nhất là hệ thống giao thông, điện, công trình thủy lợi, trạm y tế, trường học, bệnh viện...

Cùng với sự quan tâm vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo tập trung các nguồn lực cho Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội, đảm bảo nguồn lực giữ vững quốc phòng-an ninh, thông qua việc phân cấp nguồn thu, xác định nhiệm vụ chi cho các cấp ngân sách. Đặc biệt, ngành đã điều chỉnh cơ cấu chi ngân sách theo đúng nghị quyết của Đảng, giảm chi thường xuyên từ 80,6% năm 2016 xuống còn 72,8% dự toán năm 2018; tăng chi đầu tư phát triển từ 19,4% lên 27,4% để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Đạt được những kết quả này, trước hết là nhờ các cấp, các ngành luôn đổi mới phương pháp tư duy và hành động, thích ứng kịp thời với cơ chế quản lý tài chính ngân sách qua các thời kỳ; kiên trì, bền bỉ, hăng hái thi đua, vượt qua khó khăn, luôn năng động, sáng tạo để thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, ngành Tài chính đã tuân thủ triệt để sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng với phương châm khuyến khích, thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo lập, nuôi dưỡng nguồn thu, thực hành tiết kiệm, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đồng thời, phân bổ, sử dụng, tăng cường thanh tra, kiểm tra các nguồn tài chính. Bên cạnh đó, ngành Tài chính biết dựa vào dân, bồi dưỡng và động viên nguồn tài chính trong dân, góp phần làm cho sự nghiệp tài chính phát triển kịp với công cuộc đổi mới của đất nước, tỉnh nhà.

Tự hào về thành tựu có được từ trong chiến tranh và 43 năm sau ngày giải phóng, ngành Tài chính luôn tưởng nhớ và tri ân các anh hùng liệt sĩ, đồng bào, đồng chí đã ngã xuống vì sự nghiệp tài chính trong 2 cuộc kháng chiến, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, trước những thách thức, đòi hỏi ngày càng cao của công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, ngành Tài chính Gia Lai phải nâng cao trách nhiệm trước Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, thấy hết những yếu kém, bất cập để chủ động tham mưu đề xuất kịp thời. Đó là vươn lên nâng dần mức tự cân đối ngân sách để khắc phục khó khăn hiện nay do nguồn lực tài chính địa phương còn thấp và chưa vững chắc, còn phụ thuộc nhiều vào trợ cấp từ ngân sách trung ương; GRDP bình quân đầu người thấp; khoảng cách thu nhập giữa các vùng vẫn còn lớn, hệ thống cơ chế chính sách tài chính còn thiếu đồng bộ, chưa ổn định và bất cập, hiệu quả sử dụng ngân sách và các nguồn tài nguyên của địa phương còn hạn chế.

Theo đó, ngành Tài chính sẽ nỗ lực khắc phục yếu kém, quyết tâm hoàn thành vượt mức nhiệm vụ tài chính ngân sách giai đoạn 2016-2020 với các mục tiêu cụ thể như: phấn đấu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 9-10% năm, phấn đấu đến năm 2020 dự toán đạt 5.000 tỷ đồng, gấp 1,85 lần so với năm 2010. Chi ngân sách địa phương 18.400 tỷ đồng. Đẩy mạnh điều chỉnh cơ cấu chi ngân sách theo hướng giảm chi thường xuyên thông qua xã hội hóa huy động các nguồn lực, tăng chi đầu tư phát triển, trong đó ưu tiên cho Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Phấn đấu đến năm 2020 chi thường xuyên giảm còn khoảng 68%, chi đầu tư phát triển tăng lên mức 32% trong cơ cấu chi ngân sách địa phương.

Để đạt được mục tiêu này, ngành Tài chính Gia Lai tập trung triển khai đồng bộ một số giải pháp như sau:

Một là, toàn ngành tiếp tục quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng trong công tác tài chính, tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt các chính sách, công cụ tài chính được quy định; nghiên cứu, đề xuất kịp thời các cơ chế, chính sách tài chính đặc thù phù hợp với đặc điểm của địa phương trong phạm vi pháp luật cho phép; tạo lập môi trường tài chính lành mạnh, thông thoáng nhằm huy động các nguồn lực, thu hút mạnh vốn đầu tư, thúc đẩy xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp công lập.

Hai là, tiếp tục phân cấp cho ngân sách cấp huyện, cấp xã theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước 2015, tập trung ưu tiên chi cho các mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng, chi xây dựng cơ sở hạ tầng, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Nâng cao hiệu quả đầu tư, chống lãng phí, thất thoát trong sử dụng ngân sách từ việc xác định chủ trương, lập và duyệt dự toán, đến thực hiện thanh-quyết toán sử dụng các nguồn lực tài chính, kể cả các khoản huy động đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp.

Ba là, triển khai nghiêm túc công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng kế hoạch, phương án được duyệt, tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế để các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp tận dụng cơ hội khai thác và phát huy mọi nguồn lực, mở rộng đầu tư phát triển kinh doanh, dịch vụ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và đóng góp vào ngân sách nhà nước.

Bốn là,  hiện đại hóa công tác quản lý thuế, triển khai các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ nộp thuế; hạn chế thất thu thuế ở mức thấp nhất, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và công bằng các khoản thu vào ngân sách nhà nước. Đẩy mạnh tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, quy chế đối thoại doanh nghiệp, giải đáp kịp thời, đầy đủ các câu hỏi, văn bản của người nộp thuế nhằm động viên các tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ nộp thuế với phương châm “Thuận lợi-Tận tụy-Chính xác”. Phối hợp tốt giữa các cơ quan Thuế, Hải quan, các ngân hàng thương mại trong công tác quản lý thu thuế nhằm tập trung nhanh, đầy đủ và kịp thời mọi nguồn thu vào ngân sách nhà nước. Kho bạc Nhà nước tăng cường kiểm soát chi theo Luật Ngân sách nhà nước, gắn với việc thực hiện Luật Phòng-chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện kiểm soát chi chặt chẽ, đúng dự toán được duyệt, đúng quy chế chi tiêu, đúng tiêu chuẩn, định mức chế độ của Nhà nước, chủ động, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở.

Năm là, thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ công chức ngành Tài chính vững mạnh, trong sạch, tuân thủ thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, kiên quyết không để xảy ra vi phạm. Tiêu chuẩn hóa cán bộ công chức tài chính, nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn, đặc biệt là cán bộ tài chính, Thuế ở cơ sở. Tranh thủ sự ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân, tổ chức chính trị, xã hội;  dựa vào dân, tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong việc tham mưu hoạch định chính sách và triển khai các nhiệm vụ tài chính ngân sách ở địa phương.

Thu ngân sách tăng trưởng liên tục với tốc độ nhanh, giai đoạn 2006-2010 gấp hơn 3,4 lần so với giai đoạn 2001-2005, năm 2000 mới đạt 278 tỷ đồng, đến năm 2010 đạt trên 2.690 tỷ đồng, tăng gấp 9 lần. Năm 2017, với kết quả sản xuất kinh doanh phát triển mạnh mẽ cùng với các giải pháp huy động có hiệu quả các nguồn lực thông qua chính sách thu hút đầu tư và kế thừa thành quả của các năm trước nên thu ngân sách trên địa bàn đã đạt trên 4.247 tỷ đồng, vượt dự toán Trung ương giao 17,5%, tăng gấp 1,5 lần năm 2010.

Th.S Nguyễn Dũng
Tỉnh ủy viên-Giám đốc Sở Tài chính

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kon Thụp triển khai "Công trình cây xanh" tại làng Dơ Nâu để góp phần tăng lượng cây xanh trồng trên địa bàn. Ảnh: Người dân cung cấp.

Mang Yang thực hiện tốt mục tiêu trồng cây phân tán

(GLO)-Triển khai Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 7-5-2021 của Ban thường vụ Huyện ủy Mang Yang về trồng cây phân tán trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, các cấp, ngành của huyện đã tăng cường huy động nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh.

Ảnh: V.T

Đặc sản Gia Lai hút khách dịp Tết

(GLO)- Thị trường đang rất sôi động khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025. Năm nay, thị trường ghi nhận sự dịch chuyển rõ nét từ tiêu dùng bánh kẹo nhập khẩu sang dùng hàng sản xuất trong nước. Đặc biệt, đặc sản Gia Lai chiếm ưu thế trong thiết kế các giỏ quà tặng.