Ông Dmitry Medvedev. Ảnh: TASS |
“Người dân của những quốc gia này đã được hỏi ý kiến chưa? Ai trong số họ muốn xung đột với Nga? Họ có thực sự muốn các cuộc tấn công bằng vũ khí siêu vượt âm vào châu Âu không? Và Mỹ nghĩ gì về điều này?”, ông Medvedev đặt các câu hỏi.
Tuyên bố của Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga được đưa ra ngay sau khi trang The Guardian dẫn lời cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen rằng, một số thành viên của NATO có thể triển khai lực lượng quân sự tới Ukraine.
Nếu Kiev không nhận được đảm bảo an ninh hay lời mời gia nhập NATO tại hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius (Litva) vào ngày 11 - 12/7 tới, Ba Lan và các nước Baltic có thể triển khai lực lượng quân sự tới Ukraine để chia sẻ thông tin tình báo, huấn luyện quân sự chung, tương tác với NATO, tăng cường sản xuất đạn dược và cung cấp vũ khí, theo cựu Tổng thư ký NATO.
Về phần mình, Ukraine đã bác ý tưởng về việc NATO có thể đưa quân đến Ukraine. Ngoại trưởng Dmytro Kuleba cho biết :“Cho đến khi cuộc xung đột ở Ukraine kết thúc, các quốc gia khác sẽ không điều quân đến đất nước chúng tôi. Hơn nữa, chúng tôi cũng không yêu cầu điều đó. Chúng tôi chỉ nói rằng hãy cấp vũ khí cho chúng tôi”.
Ông Kuleba nhấn mạnh điều mà Kiev mong muốn là có được cam kết an ninh tốt nhất từ liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt nhằm tránh các cuộc xung đột trong tương lai. Ngoại trưởng Kuleba tin rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên của NATO và khi đó Ukraine sẽ triển khai các đơn vị quân sự của mình đến các quốc gia đồng minh.
Trước đó, hôm 6/6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ ông hy vọng sẽ nhận được đảm bảo an ninh cho Ukraine và một lời mời gia nhập liên minh một cách rõ ràng tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius. Ông cho biết quân đội Ukraine thất vọng vì Kiev vẫn chưa nhận được quyết định rõ ràng về việc gia nhập NATO và Liên minh châu Âu (EU).
Về phía Moscow, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin cuối tháng 5 nhắc lại các điều kiện chấm dứt xung đột, một trong số đó là Ukraine “phải trở lại tình trạng trung lập, không liên kết” và “từ chối gia nhập NATO, EU”. Ukraine đã bác bỏ những yêu cầu này.
Phía Nga cũng cáo buộc, Mỹ và Anh cản trở con đường hòa bình giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. “Tôi có thể xác định các quốc gia quan tâm nhất tới việc tiếp tục chiến sự là Mỹ và Anh”, hãng tin RT dẫn lời ông Patrushev, Thư ký Hội đồng An ninh Nga trong một cuộc họp báo ở Belarus hôm 8/6.
Giới chức Nga cho rằng sự thù địch ở Ukraine là một phần trong cuộc chiến ủy nhiệm do Mỹ và các đồng minh tiến hành để chống lại Moscow.
Trong khi đó, Washington tuyên bố mục tiêu ở Ukraine là tạo ra "thất bại chiến lược" cho Nga. Mỹ đã cam kết hỗ trợ quân sự cho Ukraine để đạt được mục tiêu đề ra
Mỹ dù trước đó xác nhận có một nhóm binh sĩ ở bên trong lãnh thổ Ukraine, nhưng chỉ làm công tác giám sát sự hỗ trợ quân sự cho Kiev. NATO và các đồng minh cũng nhiều lần khẳng định không tham gia vào cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.