*P.V: Thưa ông, nhiều chính sách BHYT có hiệu lực từ 1-7-2025 sẽ mang lại những thay đổi tích cực nào đối với người dân nói chung, người tham gia BHYT nói riêng?
-Ông Trần Ngọc Tuấn: Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2024 được Quốc hội thông qua ngày 27-11-2024 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2025, mang đến nhiều thay đổi quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả và mở rộng phạm vi bảo vệ của hệ thống BHYT, mang lại những thay đổi tích cực cho người tham gia.
Thứ nhất, người dân đi khám chữa bệnh trái tuyến tại bệnh viện tuyến huyện sẽ được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí trong phạm vi quyền lợi, không bị giảm tỷ lệ thanh toán như trước.
Thứ hai, thủ tục chuyển tuyến được đơn giản hóa, đặc biệt đối với người có thẻ BHYT đang sinh sống hoặc làm việc khác nơi đăng ký ban đầu.
Thứ ba, bổ sung thêm nhiều trường hợp được thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh, giúp người bệnh thuận tiện hơn khi không thể đi đúng tuyến.
Thứ tư, việc thanh toán chi phí giữa các cơ sở y tế và quỹ BHYT được quy định minh bạch, rõ ràng, tránh tình trạng người bệnh phải tạm ứng hoặc chi trả trước.
Thứ năm, người tham gia BHYT được đảm bảo quyền lợi tốt hơn khi đi khám chữa bệnh tại nơi tạm trú, góp phần nâng cao tính công bằng và bao phủ của chính sách an sinh này. Những điều chỉnh này không chỉ giúp giảm gánh nặng tài chính cho người bệnh mà còn thể hiện sự nhân văn, hướng tới mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân.

*P.V: Mạng xã hội gần đây xuất hiện thông tin cho rằng từ ngày 1-7-2025, mức đóng BHYT sẽ tăng từ 4,5% lên 6%. Thực hư thông tin này ra sao thưa ông?
-Ông Trần Ngọc Tuấn: Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam khẳng định: Hiện tại chưa có quy định nào về việc điều chỉnh tăng mức đóng BHYT lên 6% từ thời điểm 1-7-2025.
Tại Điều 13 của Luật số 51/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có quy định: Mức đóng BHYT của các nhóm đối tượng tham gia có thể tối đa bằng 6% tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc hoặc mức tham chiếu,... Tuy nhiên, đây không phải mức áp dụng ngay tại thời điểm 1-7-2025 khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực, mà chỉ là trần tối đa mức đóng cho phép trong khung pháp luật. Tùy điều kiện cụ thể, khi cần thiết, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức đóng phù hợp nhằm bảo đảm quyền lợi cho người tham gia và cân đối quỹ BHYT trong dài hạn.
Hiện nay, mức đóng BHYT vẫn giữ nguyên là 4,5% mức lương cơ sở (mức lương cơ sở hiện là 2.340.000 đồng/tháng). Do đó, những thông tin cho rằng mức đóng sẽ tăng lên 6% từ ngày 1-7-2025 là chưa chính xác, gây hoang mang trong dư luận. Do đó, người dân cần lưu ý: trong trường hợp người dân tham gia BHYT hộ gia đình mà được yêu cầu đóng cao hơn mức 4,5% tiền lương cơ sở, cần yêu cầu tổ chức, cá nhân thu nộp BHYT đưa ra căn cứ pháp lý rõ ràng, đặc biệt là Nghị định có liên quan đến việc điều chỉnh mức đóng của Chính phủ.

Hiện nay, Bộ Y tế đang chủ trì xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật số 51/2024/QH15. Trong thời gian chờ văn bản hướng dẫn chính thức được ban hành, cơ quan BHXH khuyến cáo người dân, người lao động chỉ nên tiếp cận thông tin từ các nguồn tin chính thống như: Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, địa phương.
Mọi hành vi cố tình đăng tải, chia sẻ thông tin sai lệch nhằm xuyên tạc chính sách hoặc lợi dụng để trục lợi, chiếm đoạt tài sản của người dân sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
*P.V: Tại Gia Lai, tỷ lệ người dân tham gia BHYT hiện còn thấp, nhất là vùng dân tộc thiểu số. Để đạt chỉ tiêu tăng số lượng người tham gia BHYT thời gian đến, ngành BHXH sẽ tập trung những giải pháp nào-thưa ông?
Tính đến hết tháng 5-2025, tỷ lệ người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai tham gia BHYT đạt 89,34%. Để hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT đối với người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18-11-2019 của Quốc hội phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, trong đó đề ra mục tiêu 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia BHYT vào năm 2025. BHXH Khu vực XXIII xác định triển khai đồng bộ một số giải pháp tuyên truyền và vận động.
Theo đó, đơn vị sẽ đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền; phối hợp tuyên truyền trên nhiều kênh thông tin khác nhau, thông qua các cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình, phát thanh Trung ương và địa phương bằng cả 2 thứ tiếng phổ thông và tiếng dân tộc… Ngoài ra, chúng tôi sẽ chú trọng tuyên truyền theo từng nhóm đối tượng, kết hợp với đội ngũ già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng để tạo niềm tin và lan tỏa hiệu quả chính sách. Chia sẻ những trường hợp thực tế người dân được quỹ BHYT chi trả chi phí lớn qua các lần khám chữa bệnh.

Bên cạnh đó, ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho người dân khi đăng ký tham gia và sử dụng thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh. Chú trọng cải thiện quy trình khám chữa bệnh bằng BHYT. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện chính sách BHYT; đưa tiêu chí BHYT vào tiêu chí xây dựng nông thôn mới; huy động các nguồn lực để hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, qua đó chuyển dần tư duy từ trông chờ sự hỗ trợ của nhà nước sang tích cực, chủ động tham gia BHYT để đảm bảo chăm lo sức khỏe cho bản thân và gia đình.
*P.V: Xin cám ơn ông!