Nam sinh lớp 10 kiên trì theo đuổi đam mê tin học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Những ngày qua, em Võ Đăng Tuệ (lớp 10A7, Trường THPT Chi Lăng, TP. Pleiku) được nhiều người nhắc đến khi xuất sắc vượt qua gần 7.000 thí sinh để giành trọn 2 giải nhất cuộc thi Giờ lập trình-Hour of code 2024.

Luôn biết cách tận dụng cơ hội được trao để tạo nên thành tích, nam sinh đã từng bước khẳng định sự lựa chọn đúng đắn của bản thân với tin học và ngôn ngữ lập trình.

Tôi hẹn gặp khi Tuệ vừa trải qua vòng thi bán kết kỳ thi Olympic Tin học miền Trung-Tây Nguyên 2024. Cầm kết quả trên tay, Tuệ hồ hởi khoe: “Em đạt được 306/400 điểm, may mắn góp mặt ở vòng chung kết tại Đà Nẵng vào cuối tháng 3 cùng với 5 học sinh nữa của trường ở cả bảng chuyên Tin và không chuyên. Em sẽ cố gắng để mang về thành tích cho trường ở sân chơi này”.

Từ yêu Toán sang mê Tin

Võ Đăng Tuệ sinh ra và lớn lên tại thị xã An Khê. Từ nhỏ, em đã yêu thích những con số và các phép tính. Năm lớp 2, Tuệ tham gia cuộc thi giải Toán qua internet (Violympic Toán học) và đạt giải khuyến khích. Đây cũng là lần đầu tiên em được tiếp cận với máy tính.

2 năm sau đó, Tuệ được bố mẹ mua cho chiếc laptop cũ để học tiếng Anh. Từ đó, cậu bé có cơ hội khám phá nhiều hơn với mạng internet và công nghệ thông tin. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, môn học yêu thích của Tuệ vẫn là Toán. Em luôn cảm thấy thú vị khi đắm mình tìm lời giải cho những bài toán khó.

Em Võ Đăng Tuệ và thầy Đồng Ánh Dương (Trường THPT Chi Lăng, TP. Pleiku) trong một giờ học lập trình. Ảnh: M.T

Em Võ Đăng Tuệ và thầy Đồng Ánh Dương (Trường THPT Chi Lăng, TP. Pleiku) trong một giờ học lập trình. Ảnh: M.T

Mãi đến năm học lớp 6 với sự xuất hiện của môn Tin học trong thời khóa biểu, Tuệ mới bắt đầu chú ý đến nó. Những kiến thức tin học cơ bản trên lớp khiến Tuệ tò mò, khi về đến nhà là lên mạng tìm hiểu. Càng đọc nhiều, Tuệ càng thấy hứng thú với môn học này.

“Em còn tự mày mò sửa chữa mỗi khi chiếc laptop cũ bị hư hỏng. Thành công đầu tiên của em là cài được hệ điều hành Windows, tiếp đó là một số ứng dụng khác. Sau mỗi lần như thế, em vui lắm!”-Tuệ nhớ lại.

Niềm đam mê tin học cứ thế lớn dần trong Tuệ và song hành cùng tình yêu mà em dành cho toán. Sau một thời gian dài học trực tuyến để phòng-chống dịch Covid-19, năm 2022, Tuệ quyết định thử sức tại hội thi Tin học trẻ toàn tỉnh và mang về giải khuyến khích. Năm 2023, em tiếp tục đăng ký tham gia hội thi này và đạt được thứ hạng tương tự; đồng thời, chinh phục thành công kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 ở môn Toán với giải nhất cấp thị xã và giải ba cấp tỉnh.

“Trong 2 năm học cuối của bậc THCS, em có cơ duyên gặp gỡ và rèn luyện, nâng cao kiến thức tin học với thầy Đồng Ánh Dương-cũng là giáo viên đang dạy em tại Trường THPT Chi Lăng. Thầy đã không ngừng động viên và góp phần thổi bùng ngọn lửa đam mê tin học trong em, đặc biệt là với lập trình. Để rồi, cuối cùng, em quyết định rẽ hướng sang Tin sau bao năm gắn bó với Toán”-Tuệ chia sẻ.

Nắm bắt cơ hội để tạo nên thành tích

Nhận được học bổng toàn phần từ Trường THPT Chi Lăng, tháng 7-2023, Võ Đăng Tuệ lên TP. Pleiku học tập. Ở môi trường mới, cộng với sự hướng dẫn tận tình của các thầy-cô giáo, Tuệ có nhiều điều kiện và cơ hội để thỏa sức sáng tạo, nuôi dưỡng đam mê. Tại đây, Tuệ được đào tạo bài bản hơn về lĩnh vực mà em đang theo đuổi, đó là các ngôn ngữ lập trình Python, C++, AI…

Em Võ Đăng Tuệ (bìa phải) trình bày phần thi sản phẩm sáng tạo tại cuộc thi Giờ lập trình-Hour of code 2024 (ảnh nhân vật cung cấp).

Em Võ Đăng Tuệ (bìa phải) trình bày phần thi sản phẩm sáng tạo tại cuộc thi Giờ lập trình-Hour of code 2024 (ảnh nhân vật cung cấp).

Cuối tháng 7-2023, Tuệ là 1 trong 5 học sinh đại diện cho Trường THPT Chi Lăng tham gia cuộc thi lập trình Drone (thiết bị bay không người lái) khu vực phía Nam diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh. Đây là cuộc thi thường niên dành cho học sinh THCS và THPT được tổ chức bởi Liên đoàn Hàng không quốc tế (FAI) bắt đầu từ năm 2018; thu hút hàng ngàn lượt thí sinh từ các quốc gia phát triển như: Mỹ, Pháp, Anh, Hàn Quốc… tham gia theo hình thức một giải đua.

Năm 2023, vòng chung kết cuộc thi diễn ra tại Namwon (Hàn Quốc) vào ngày 7-10 với chủ đề “Chinh phục bầu trời”. Tại Việt Nam, Học viện Sáng tạo S3 (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) và Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Giáo dục STEM (Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh) được KAMA ủy quyền tổ chức cuộc thi tại 2 khu vực phía Bắc và phía Nam.

Ở cuộc thi khu vực, 3/5 học sinh của Trường THPT Chi Lăng đã đạt giải và giành được 3/20 tấm vé để tiếp tục tham gia vòng chung kết quốc tế tại Hàn Quốc; riêng Tuệ không có giải. Tuy nhiên, đến phút cuối, cơ hội được Ban tổ chức trao lại cho em và người bạn cùng trường khi 2 thí sinh trong tốp 20 ban đầu không thể dự thi. Để rồi, chính 2 em lại là người góp phần vào bảng thành tích của Việt Nam trong lần đầu tiên đến với sân chơi quốc tế này.

“Khi biết mình đạt giải khuyến khích, em vỡ òa vui sướng vì trước đó em không có giải ở cuộc thi trong nước. Em cũng khá áp lực khi lần đầu tham gia thi đấu tại một giải quốc tế. Thành tích này là động lực để em tiếp tục theo đuổi đam mê lập trình”-Tuệ khẳng định.

Em Võ Đăng Tuệ (bìa phải) và người bạn cùng lớp Nguyễn Minh Hiếu (Trường THPT Chi Lăng) đã đạt khuyến khích và giải ba tại Cuộc thi lập trình Drone quốc tế FAI 2023 (ảnh nhân vật cung cấp).

Em Võ Đăng Tuệ (bìa phải) và người bạn cùng lớp Nguyễn Minh Hiếu (Trường THPT Chi Lăng) đã đạt khuyến khích và giải ba tại Cuộc thi lập trình Drone quốc tế FAI 2023 (ảnh nhân vật cung cấp).

Trở về từ sân chơi Drone, Tuệ cùng đội tuyển học sinh giỏi Tin học của Trường THPT Chi Lăng tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao kiến thức để tham gia thi học sinh giỏi THPT cấp tỉnh bảng A năm học 2023-2024 do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào ngày 21-10-2023. Tại kỳ thi này, Tuệ đạt giải khuyến khích. Không dừng lại ở đó, em tiếp tục góp mặt ở bảng B của cùng kỳ thi và mang về giải ba.

“Quả ngọt” tiếp tục đến với Tuệ tại cuộc thi Giờ lập trình-Hour of code 2024 do Trung tâm Phát triển khoa học và Công nghệ trẻ (Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh) phối hợp với Trường Tiểu học-THCS-THPT Albert Einstein (huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) cùng các đơn vị đồng hành tổ chức.

Vượt qua gần 7.000 thí sinh tham gia, kể cả những đối thủ mạnh ở TP. Hồ Chí Minh, chàng trai Phố núi đã xuất sắc sở hữu 2 giải nhất ở bảng C2 (học sinh THPT không chuyên) phần thi kiến thức lập trình và bảng D4 (học sinh THPT) phần thi sản phẩm sáng tạo.

Thầy Đồng Ánh Dương-giáo viên Tin học, Trường THPT Chi Lăng: Đồng hành với Võ Đăng Tuệ suốt 3 năm, cả trong dự án nghiên cứu khoa học về Deepfake, tôi khá ấn tượng về tư duy lập trình cùng khả năng tự học, tự tìm tòi, sáng tạo của em. Có lẽ, chính việc học tốt môn Toán đã giúp em dễ dàng tiếp cận khi chuyển hướng sang tin.

Sắp tới, Tuệ sẽ cùng một số học sinh trong trường tham gia vòng chung kết kỳ thi Olympic Tin học miền Trung-Tây Nguyên 2024 tại Đà Nẵng; kỳ thi Olympic truyền thống 30-4 lần thứ 28 năm 2024 tại Bà Rịa-Vũng Tàu; cuộc thi lập trình Hue-ICT Challenge 2024 tại Huế và một số cuộc thi quốc tế khác. Đây sẽ là cơ hội để các em khám phá năng lực của bản thân và nuôi dưỡng đam mê tin học.

Tuệ chia sẻ: Niềm vui nhân đôi khi em đã vượt qua vòng sơ loại và sản phẩm sáng tạo “Phần mềm nhận diện công nghệ ảo Deepfake” gửi dự thi cũng được xét duyệt vào vòng chung kết. Đây là sản phẩm mà em và người bạn cùng lớp đã đạt giải nhì tại cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ 10 năm học 2023-2024.

Deepfake là một công nghệ mới đang phát triển nhanh chóng và có khả năng gây những tác động tiêu cực đến xã hội khi được sử dụng để tạo ra các video giả mạo từ việc ghép khuôn mặt của người này vào cơ thể của người khác.

Trước mối nguy hại này, chúng em đã bắt tay hoàn thiện phần mềm nhận diện video lừa đảo bằng Deepfake với nhiều chức năng, thông minh hơn và tính thực tiễn cao hơn các sản phẩm hiện có trên thị trường.

“Tham gia cuộc thi Giờ lập trình với tâm thế giao lưu, học hỏi là chính bởi em biết các bạn đều rất giỏi, song kết quả đạt được thật sự ngoài mong đợi của bản thân. Càng vui hơn khi Deepfake là sản phẩm đầu tiên em sử dụng ngôn ngữ lập trình Kotlin mà em vừa học, không phải là thế mạnh của mình”-Tuệ phấn khởi nói.

Nhắc đến con trai, bà Trần Thị Mỹ Tiền (tổ 1, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) tự hào kể: “Tuệ là con trai lớn trong gia đình, sau Tuệ còn 1 em trai đang học lớp 6 và 1 em gái 4 tuổi. Tuệ ngoan, hiếu thảo và luôn nêu gương sáng cho các em. Từ nhỏ, con đã yêu thích học toán và tìm hiểu về tin học. Ba mẹ bận rộn với công việc, lại ở xa nên chỉ biết động viên, ủng hộ và tạo điều kiện để Tuệ theo đuổi đam mê. Tôi rất vui khi thấy con tiếp cận với nhiều điều hay và bước đầu gặt hái được những thành tích trong học tập”.

Khi được hỏi về “bí quyết” tạo nên thành tích, Tuệ nói rằng, em chỉ biết cố gắng hết mình và kiên trì theo đuổi đam mê. Mỗi ngày, ngoài giờ học trên lớp, em đều dành thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu và thực hành lập trình để mở rộng vốn kiến thức cũng như nâng cao kỹ năng, nhất là kỹ năng lập trình thi đấu.

Được biết, Tuệ đang hoàn thiện lập trình cho một số sản phẩm hữu ích thuộc lĩnh vực giáo dục và hỗ trợ cộng đồng. Đặc biệt, em dự kiến sẽ “trình làng” website cá nhân có tên “Học lập trình online” vào tháng 7-2024 để chia sẻ kiến thức, tạo ra diễn đàn giao lưu, học tập cho những học sinh có đam mê lập trình.

Có thể bạn quan tâm

“Bước chạy đà” trước kỳ thi tốt nghiệp THPT

“Bước chạy đà” trước kỳ thi tốt nghiệp THPT

(GLO)- Để đảm bảo quyền lợi cho học sinh cũng như tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc, đúng quy chế, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Gia Lai đã chú trọng tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên làm công tác thi. Đây được xem như “bước chạy đà” quan trọng trước kỳ thi.
Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp THCS: Cơ hội khẳng định năng lực chuyên môn

Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp THCS: Cơ hội khẳng định năng lực chuyên môn

(GLO)- Sau 2 tuần tranh tài sôi nổi, hội thi giáo viên dạy giỏi cấp THCS toàn tỉnh Gia Lai năm học 2023-2024 đã bế mạc vào sáng 23-4. Không chỉ tạo cơ hội cho giáo viên khẳng định năng lực chuyên môn, hội thi còn là dịp đánh giá chất lượng đội ngũ, khích lệ phong trào thi đua dạy tốt-học tốt.
“Làng văn hóa” trong trường nội trú huyện Ia Grai

“Làng văn hóa” trong trường nội trú huyện Ia Grai

(GLO)- Thầy và trò Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) cùng gia đình các em học sinh vừa tạo nên ngày hội thấm đẫm phong vị văn hóa các dân tộc. Đây là năm thứ hai nhà trường tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc giúp học sinh đến gần hơn với di sản.