Mọi thứ đang nóng lên ở Thái Bình Dương, khiến các căn cứ quân sự của Mỹ ở khu vực này ngày trở nên quan trọng hơn và đảo Wake trở thành căn cứ quan trọng nhất đang được Mỹ gấp rút nâng cấp mở rộng.
Đảo Wake là tiền đồn xa xôi của Mỹ nằm sâu trong Thái Bình Dương. Đảo nằm gần giữa Nhật Bản và Hawaii, nó đóng vai trò là một sân bay dự bị nếu không quân Mỹ phải lùi từ phía xa của Tây Thái Bình Dương trong một cuộc xung đột.
Đảo cũng cung cấp mọi tiện ích của một sân bay, phục vụ cho các nhiệm vụ chiến đấu trên không hướng về phía Tây, vào các khu vực bờ biển của Nga và đặc biệt là của Trung Quốc.
Hòn đảo này là một trong những tiền đồn xa xôi nhất của Mỹ và là một lãnh thổ chưa hợp nhất của nước này, nằm trong quần đảo Marshall đã được Mỹ tuyên bố chủ quyền.
Phần lớn đảo san hô này được xây dựng một đường băng dài 3 km - đủ dài để chứa bất cứ thứ gì trong kho của Lầu Năm Góc - và các cơ sở hạ tầng sân bay xung quanh nó.
Mặc dù đảo được dùng để hỗ trợ một số thử nghiệm phòng thủ tên lửa với bệ phóng nằm rải rác xung quanh mũi cực Nam của đảo nhưng nó được biết đến là một điểm chuyển hướng quân sự khẩn cấp.
Các máy bay USAF Hornet tiếp nhiên liệu trên đảo Wake ở phía Tây Thái Bình Dương. Ảnh: USAF |
Hình ảnh vệ tinh mới thu được từ Planet Labs ngày 25-6-2020 cho thấy có những hoạt động xây dựng mới đáng kể về phía Đông tại căn cứ này đã diễn ra gần đây.
Đường băng đã được xây dựng lại hoàn toàn và một trang trại điện năng lượng mặt trời lớn đã được thêm vào ở khu vực phía Tây của hòn đảo.
Nhiều khả năng việc đầu tư mạnh hơn vào cơ sở hạ tầng của hòn đảo, nâng tầm chiến lược của căn cứ từ xa này diễn ra do bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc, Triều Tiên và Nga.
Trên thực tế, kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, căn cứ này đã chứng minh được sự quan trọng của nó.
Ngoài tiện ích hậu cần rõ ràng - hoạt động như một trung tâm quân sự lớn - điều quan trọng là nó nằm ngoài phạm vi tên lửa đạn đạo của Triều Tiên và Trung Quốc có thể bắn tới. Trong khi đảo Guam, cách khoảng 2.500 km về phía Tây, lại nằm trong phạm vi của những vũ khí trên có thể bắn tới.
Trong giai đoạn mở đầu của một cuộc xung đột lớn với Trung Quốc, các căn cứ của Mỹ nằm trong phạm vi của các tên lửa đạn đạo này sẽ bị chúng áp đảo, chẳng hạn các căn cứ gần nhất như Kadena ở TP Okinawa - Nhật Bản đã ngừng hoạt động.
Những cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình khiến các căn cứ quân sự Mỹ ở khu vực khó phòng thủ hơn và tăng tỉ lệ cược rằng Bắc Kinh có thể làm rung chuyển không quân Mỹ trên toàn khu vực, trong các cuộc tấn công mở đầu cho một cuộc xung đột.
Đảo Guam, nơi đặt một căn cứ hải quân quan trọng của Mỹ và căn cứ không quân Andersen đang mở rộng, cũng sẽ được nhắm mục tiêu, mặc dù ở phạm vi xa hơn.
Vì vậy, có thể thấy đảo Wake nhanh chóng trở thành một vị trí dự phòng quan trọng một cuộc xung đột cực kỳ dữ dội và diễn ra nhanh chóng.
Ý tưởng biến đảo Wake trở thành một trung tâm hoạt động của không quân nhằm vượt qua khoảng cách của các vũ khí có thể vươn tới, liên quan chặt chẽ với xung đột trong khu vực Thái Bình Dương.
Mới chỉ vào năm 2019, máy bay B-2 Spirits lần đầu tiên sử dụng sân bay này như một điểm tái vũ trang và tiếp nhiên liệu với các phi vụ của họ, bắt đầu tại căn cứ không quân Hickam ở Hawaii, chứ không phải đảo Guam.
Theo Gia Minh (NLĐO/Asia Times)