Mỹ bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông: Không chỉ là tuyên bố suông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Giữa lúc mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang rất trắc trở và căng thẳng đồng thời trên nhiều phương diện và trong nhiều chuyện, Mỹ thể hiện quan điểm khác trước về mưu tính và hành động của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.

Máy bay Hải quân Mỹ thực hiện các hoạt động bay trên tàu sân bay USS Ronald Reagan ở Biển Đông hôm 17.7. Nguồn: Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ
Máy bay Hải quân Mỹ thực hiện các hoạt động bay trên tàu sân bay USS Ronald Reagan ở Biển Đông hôm 17.7. Nguồn: Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ


Điều chỉnh quan điểm chính sách

Cùng với việc tàu chiến của Mỹ tăng cường hiện diện và hoạt động ở khu vực Biển Đông, phía Mỹ muốn cho thấy những điều chỉnh quan điểm chính sách mới của Mỹ về Trung Quốc liên quan đến khu vực này không chỉ là tuyên bố suông. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo là người tuyên cáo những điều chỉnh chính sách quan trọng này.

Ngày 13.7 vừa qua, tại thủ đô Washington của Mỹ, ông Pompeo đã đưa ra tuyên bố bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông. Ông Pompeo cho biết: “Những yêu sách của Bắc Kinh đối với nguồn tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông cũng như chiến dịch bắt nạt nhằm kiểm soát chúng là hoàn toàn phi pháp”. Cũng ở trong tuyên bố ấy, Mỹ thẳng thừng bác bỏ mọi yêu sách hàng hải của Trung Quốc đối với các vùng biển ở quanh bãi Tư Chính của Việt Nam, bãi cạn Luconia của Malaysia, vùng biển trong vùng đặc quyền kinh tế của Brunei và quần đảo Natuna của Indonesia.

Ông Pompeo khẳng định, quan điểm của chính phủ hiện tại ở Mỹ là “thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi khu vực Biển Đông là đế chế trên biển của mình. Mỹ sát cánh cùng đồng minh và đối tác ở Đông Nam Á trong việc bảo vệ chủ quyền của họ đối với các tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế”.

Hai ngày sau đấy, ông Pompeo cho biết Mỹ sẽ hỗ trợ các nước bị Trung Quốc xâm hại chủ quyền ở khu vực Biển Đông, nhấn mạnh Mỹ sẽ làm việc này thông qua các diễn đàn đa phương và bằng các biện pháp pháp lý quốc tế. Thông điệp của ông Pompeo rất rõ ràng và cụ thể: “Chúng tôi sẽ sử dụng các công cụ sẵn có và chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ các quốc gia trên toàn thế giới cho rằng Trung Quốc đã vi phạm tuyên bố chủ quyền lãnh thổ hay hàng hải hợp pháp của họ... Chúng tôi sẽ hỗ trợ họ, dù tại các thể chế đa phương, tại ASEAN hay thông qua phản ứng pháp lý. Chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các công cụ có thể”.

Bốn năm trước đây, khi Toà án trọng tài thường trực của Liên Hợp Quốc trong vụ việc Philippines kiện Trung Quốc đã đưa ra phán quyết bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ và hàng hải ở khu vực Biển Đông, không thấy Mỹ công khai thể hiện quan điểm thái độ như thế, mà chỉ nhấn mạnh khía cạnh phải đảm bảo tự do hàng hải ở khu vực này. Bây giờ, tuy có phần muộn mằn, phía Mỹ đã chính thức xác nhận sự đồng thuận quan điểm với phán xử nói trên của Toà án trọng tài thường trực của Liên Hợp Quốc và ủng hộ phán xử ấy. Cuộc đấu trên phương diện pháp lý quốc tế giữa các bên liên quan với Trung Quốc ở khu vực Biển Đông vì thế đã được đẩy vào tình thế và cục diện khác trước rất cơ bản.

Ba điểm đáng chú ý

Ở đây có ba điểm rất đáng chú ý trong các tuyên bố của Mỹ.

Thứ nhất, đây là lần đầu tiên phía Mỹ công khai bác bỏ mọi yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ và hàng hải ở khu vực Biển Đông, công khai xung khắc quan điểm trực tiếp và hoàn toàn với Trung Quốc về điểm cốt lõi nhất trong chuyện Trung Quốc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và hàng hải ở khu vực Biển Đông.

Một khi Mỹ coi những yêu sách này của Trung Quốc là phi pháp, thì những hành động của Trung Quốc từ trước đến nay cũng như trong tương lai nhằm thực hiện các yêu sách phi pháp kia cũng bị Mỹ coi là vi phạm luật pháp quốc tế. Trong thực chất, phía Mỹ đã định nghĩa rõ ràng và xác định cụ thể những tiêu chí cần thiết đối với Mỹ để đánh giá về mọi ý đồ và hành động của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.

Thứ hai, Mỹ tự định vị đứng về phía những bên cảm nhận thấy bị Trung Quốc xâm hại chủ quyền lãnh thổ. Điều này có tác động trực tiếp mạnh mẽ tới mối quan hệ của Mỹ với các bên này, của các bên này với Trung Quốc và đương nhiên tới mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, sẽ làm chuyển biến quan hệ của Mỹ với ASEAN và tới tất cả những khuôn khổ diễn đàn đa phương khu vực cũng như châu lục và thế giới mà Mỹ, Trung Quốc và các bên nói trên cùng tham gia.

Thứ ba, Mỹ đã tự đẩy Mỹ vào tình thế phải hành động cụ thể chứ không chỉ có lại tiếp tục tuyên bố ở khu vực Biển Đông, đặc biệt nếu như tới đây Trung Quốc tiếp tục có những hành động tăng cường tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và hàng hải với các bên liên quan ở khu vực Biển Đông.

Như vậy cũng còn có thể nói, trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, phía Mỹ đã cụ thể hoá thêm một mục tiêu là không để Trung Quốc biến khu vực Biển Đông thành một phần trong đế chế hàng hải của Trung Quốc. Cục diện chính trị an ninh và pháp lý quốc tế ở khu vực này trở nên khác trước và mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc gặp sóng gió mới. Sóng gió mới này dữ dội đến mức nào và kéo dài bao lâu lại là câu chuyện khác.

 

https://laodong.vn/the-gioi/my-bac-bo-yeu-sach-cua-trung-quoc-o-bien-dong-khong-chi-la-tuyen-bo-suong-820781.ldo

Đại sứ Trần Đức Mậu - Nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao
(Dẫn nguồn LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.
Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

(GLO)- Ngày 29-11, Thành ủy Pleiku tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới“. Đồng chí Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cùng các đồng chí Thường trực Thành ủy Pleiku đồng chủ trì hội nghị.