Mùa "săn mây"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Với độ cao 500-800 m so với mực nước biển, Gia Lai có nhiều địa điểm lý tưởng để những du khách yêu thích khám phá có thể “săn mây”. Sáng tinh sương, được dừng chân trên núi cao và thu vào tầm mắt một “biển” mây bồng bềnh, cảnh núi non nhấp nhô trùng điệp hay nhìn ngắm thành phố,  buôn làng còn say trong giấc nồng mang lại một cảm giác bình yên, nhẹ nhàng, lãng mạn khó tả. 
Mây trời Tây Nguyên. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Mây trời Tây Nguyên. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Từ tháng 9 đến tháng 11 là khoảng thời gian lý tưởng dành cho những người thích “săn mây”. Ở các tỉnh miền núi phía Bắc hay TP. Đà Lạt-nơi có độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, du khách lúc nào cũng có thể dễ dàng ngắm nhìn mây trắng giăng phủ trên khắp các thung lũng, sườn đồi. Còn với độ cao vừa phải như ở Gia Lai, muốn ngắm “biển” mây du khách phải có chút kỳ công. Anh Phan Công Nam (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa) cho hay: “Để “săn mây” ở Gia Lai, ngoài nắm rõ các điểm có độ cao, tầm nhìn bao quát, rộng lớn thì cũng cần phải nắm rõ thời tiết. Thường thì sau khoảng 2-3 ngày nắng, buổi tối có mưa thì sáng hôm sau có khả năng trời sẽ nhiều mây. Thời gian để ngắm mây đẹp nhất là khoảng từ 5 giờ đến 7 giờ”. Chỉ sự kỳ công ấy cũng đã đủ khiến cho việc “săn mây” thêm phần thú vị.
Cao 1.470 m so với mực nước biển, ngọn núi Chư Nâm (xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah) được các “phượt thủ” đánh giá là điểm “săn mây” đẹp và đáng giá nhất ở Gia Lai. Những người ưa thích du lịch trekking (du lịch mạo hiểm dã ngoại ngoài trời) tưởng có thể kiệt sức trên chặng đường chinh phục ngọn núi này, nhưng khi đứng trên đỉnh núi cao chót vót, trải tầm mắt trước biển mây bồng bềnh trắng muốt, lững lờ trôi len lỏi qua đồi núi thì bao mệt mỏi dường như tan biến. Anh Nguyễn Trung-người thường xuyên tổ chức các cung trekking ở Gia Lai-chia sẻ: “Săn mây” ở Gia Lai có chút khó hơn so với các địa điểm khác trong nước, vì còn tùy theo mùa và thời tiết trong ngày. Càng lên cao thì “biển mây” càng đẹp, càng đem lại nhiều cảm xúc khó tả. Ngoài đỉnh Chư Nâm thì đỉnh Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah) và đỉnh Pờ Yầu (huyện Mang Yang) cũng là 2 điểm “săn mây” đẹp và hấp dẫn”.
“Biển mây” nhìn từ đỉnh Hàm Rồng (TP. Pleiku). Ảnh: internet
“Biển mây” nhìn từ đỉnh Hàm Rồng (TP. Pleiku). Ảnh: internet
Được đứng trên cao nhìn ngắm biển mây mênh mông trải dài trước mắt là điều mà bất kỳ du khách nào cũng muốn một lần trải nghiệm. Trên nền mây bồng bềnh kỳ thú ấy, nhiều người tìm cách lưu lại hình ảnh của mình, hay ghi lại vài thước phim kỷ niệm. Nếu không có điều kiện để trekking ở những điểm núi cao chót vót có đôi phần mạo hiểm, du khách cũng có thể thỏa đam mê “săn mây” ngay tại TP. Pleiku. Chỉ cách trung tâm TP. Pleiku chừng 2 km, Núi Đá (đối diện cổng vào Nghĩa trang TP. Pleiku cũ) là một địa điểm có cảnh quan đẹp. Buổi sáng đứng ở nơi này có thể ngắm nhìn toàn cảnh Phố núi đang chìm đắm trong làn sương huyền ảo, mơ màng. Cao hơn một chút đã có đỉnh Hàm Rồng (xã Chư Hdrông), nơi vẫn được mệnh danh là nóc nhà của Gia Lai. Chỉ mất chừng 15 phút đi xe máy, thêm 5 phút chạy trên con đường uốn lượn dưới tán thông xanh rì dẫn lên đỉnh núi, du khách đã có thể thu vào tầm mắt biển mây mênh mông, trải dài, lướt qua những đồi, những rẫy xanh mướt xa xa. Anh Hoàng Quốc Vĩnh (thị trấn Đak Đoa) tâm sự: “Mình có sở thích hòa vào thiên nhiên lúc tinh sương. Cũng chỉ là dậy sớm hơn một chút, chạy xe vài phút rồi chờ đợi, đón ánh mặt trời từ từ lấp ló, chiếu ánh vàng lên biển mây, cảm thấy lòng vô cùng nhẹ nhàng, bình yên. Núi Đá và Hàm Rồng là 2 điểm cao mà mình thường xuyên đến để “săn mây” vào mùa này”.
Và nếu đã “phải lòng” nơi này, chắc chắn ai ai cũng mong chờ được một lần đi giữa làn sương mờ ảo, giăng giăng khắp phố phường, trên từng con đường, trên những hàng cây. Sương cũng chính là mây của phố. “Nếu không thể tìm lên đỉnh núi cao, bước chân ra đường sáng sớm, dạo quanh đường phố hay đi giữa hàng thông, đồi chè…, du khách đều có thể cảm nhận được không khí trong lành, dễ chịu bên những làn sương mỏng manh . Chỉ như vậy cũng đủ để nạp năng lượng cho một ngày mới”-anh Vĩnh bày tỏ.
“Săn mây” chắc chắn sẽ là chuyến trải nghiệm thú vị khi phải chạy đua với thời gian, thời tiết và phải nắm bắt đúng khoảnh khắc. Bù lại, phần thưởng là cảm giác được nhìn ngắm khung cảnh huy hoàng, như đang lạc trong cõi thiên thai. Anh Phan Công Nam tâm sự: “Mỗi điểm “săn mây” đem đến một cảnh giác, một vẻ độc đáo riêng. Chư Nâm, đỉnh Hàm Rồng, Núi Đá, Pờ Yầu… là những lựa chọn hấp dẫn cho một hành trình tan hòa vào thiên nhiên, tìm lại chính mình”.
Phương Linh

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

(GLO)- Hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã triển khai một số mô hình hay nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, tự lực vươn lên phát triển kinh tế.

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

(GLO)- Những năm qua, xã Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo.

Kông Chro mùa gió

Kông Chro mùa gió

(GLO)- Những dãy núi cứ thế hiện ra huyền ảo trong sương sớm. Mặt trời mùa gió thắm nhẹ vén màn mưa để trải ánh vàng xuống miền đất của người Bahnar phía rừng già. Và tôi đã có những ngày mê đắm nơi vùng đất Kông Chro.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã có thể gửi ý kiến về các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất thông qua hệ thống Google form. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai: Tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua Google form

(GLO)- Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 3260/SKHĐT-DN đề nghị các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã và các Hội nghề nghiệp triển khai tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp qua hệ thống Google form.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.