Mùa chà là

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vào những năm 60 của thế kỷ trước, quê tôi (thôn Tân Phong, xã Tân An, huyện Đak Pơ, Gia Lai) gặp phải một năm mất mùa do Mỹ rải chất độc khai hoang. Những cây mì chỉ qua một đêm đã queo đọt như bị tưới nước sôi. Củ mì, củ lang đào lên đã thối rữa. Năm ấy, xóm nhà nghèo nơi gia đình tôi sinh sống nhiều bận phải ăn cơm ghế hạt chà là.
Má tôi kể, ngày trước, thời má còn nhỏ như chúng tôi, cuộc sống còn khó khăn, thiếu thốn nên chà là là một trong những loại quả cứu đói. Không ngờ năm ấy tình cảnh lặp lại. Vào một sáng tinh mơ tiết tháng 3 năm ấy, khi màn sương còn dày đặc trên đồng, má cho tôi theo cùng vào rừng hái chà là. Bước ra khỏi nhà vài trăm mét là những cánh rừng thưa chen trong từng khoảnh rẫy. Những lùm chà là mọc hoang rải rác từng cụm nhiều vô kể, cành lá xanh mướt như những cây cau kiểng, cao không quá đầu người. Những chiếc lá nhọn đối nhau, dài và cứng chìa ra như đầu mũi tên. Bao vây trong lùm gai lởm chởm là từng buồng quả đeo chi chít những hạt chà là hình bầu dục lớn bằng đầu đũa. Má tôi dùng rựa dọn gốc, chặt bỏ những cành lá có gai xòe ra để hái quả. Má phân tích: Có 2 loại chà là gồm chà là nếp trái màu vàng, chà là tẻ trái màu xanh, đều ngon như nhau.
Quả chà là. Ảnh: internet
Quả chà là. Ảnh: internet
Nói rồi má đưa tay ngắt một quả cắn thử. Những quả vừa già tới, nhai thấy sần sật là hái được. Những chùm chà là được cắt, chất thành đống và lặt ra khỏi cuống, dồn bao mang về. Sau khi luộc chín chà là, má tôi mang ra suối ngâm trong dòng nước chảy, chà xát mạnh để đãi vỏ. Những hạt non màu trắng nõn bằng đầu đũa được bóc dần ra. Tiếp đó, đem hạt chà là về phơi khô, giã nhỏ, vo chung với gạo để nấu cơm. Hạt chà là có đặc điểm không dẻo, không nở, không bám dính với hạt cơm. Phần lớn các bữa cơm má đều nhường hết phần cơm trắng cho chúng tôi nên thi thoảng mới gặp một vài hạt chà là, nhai mãi mới tan trong miệng. Đến cuối bữa ăn, thấy má ngồi vét từng hạt cơm cháy còn sót bên hông nồi ăn ngon lành, tôi mới biết ăn hạt chà là chẳng qua là đánh lừa dạ dày, bí quá ăn liều mà thôi. Những bữa cơm ghế chà là rời rạc chỉ là giải pháp tạm thời cho qua cơn thiếu đói.
Nhưng với lũ trẻ chúng tôi, chà là chín lại là loại quả ưa thích. Mùa chà là chín rộ vào tầm tháng 6. Cả xóm chúng tôi, nhất là những đứa choai choai, cả trai lẫn gái, sáng sớm đã í ới nhau vào rừng. Từ xa đã thấy những quả chà là chín đen, chi chít đóng thành chùm. Mấy đứa bạn ham quả chín mọng cứ xông vào, mặc gai chìa ra đâm vào tay tứa máu. Tôi cũng vậy. Tay giũ, tay hốt đưa vào miệng nhồm nhoàm. Ngoài phần hạt cứng, quả chà là chín có cơm màu đen nâu, có mùi thơm dịu nhẹ, vị ngọt thanh với hương vị thảo dược đặc trưng. Mỗi đứa một lùm, cả lũ chúng tôi cứ xoắn xít vào những chùm quả như đàn chim gặp mồi hớn hở. Dụng cụ để hái là chiếc rổ thưa, hứng vào dưới chùm quả rồi dùng tay giũ mạnh cho quả chín rụng xuống rổ, đầy lại đổ vào bao. Khi những quả chà là láng bóng, rươm rướm mật đầy ắp những chiếc bao cũng là lúc cơn thèm ăn của chúng tôi cũng được thỏa mãn. Cả bọn nhe cả hàm răng đen nham nhở cơm chà là trêu nhau, khiến những trận cười hớn hở nổ ra... Chiều xuống, khi lũ chim te te quần đảo trên đầu huýt lên như những hồi còi dài thúc giục, gọi nhau về tổ, chúng tôi lại lặc lè mang vác chà là về nhà. Những khi nhiều quá, má tôi mang ra chợ bán bớt. Có lúc, má tôi bắc chảo lên đổ nước nấu cho keo lại, vớt bỏ hạt, lấy mật để dành trộn vào bắp nổ thay đường, dành ăn chơi như một loại cốm.
Hơn 50 năm trôi qua, những lùm chà là năm xưa đã bị thay thế bởi những cánh đồng mía, những rừng bạch đàn hay bạt ngàn các loại hoa màu. Hy hữu lắm mới còn bắt gặp vài lùm chà là cằn cỗi và hầu như chúng cũng không còn sức để sản sinh ra những chùm quả chà là rướm mật.
Giờ đây, bỗng dưng tôi lại nhớ da diết mùa chà là. Đó là những mùa ăm ắp tuổi thơ với vùng đất mà tôi đã được sinh ra và lớn lên. Tất cả những ký ức thân thương ấy nay chỉ còn là hoài niệm...
 AN SINH

Có thể bạn quan tâm

Nghề bó chổi đót tại An Khê. Ảnh: Ngọc Minh

Nghề bó chổi đót ở thị xã An Khê

(GLO)- Thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) hiện có hơn 10 hộ dân làm nghề bó chổi đót, tập trung ở các phường: An Phú, Tây Sơn, Ngô Mây. Thu nhập từ nghề bó chổi đót giúp nhiều gia đình có cuộc sống ổn định, yên tâm gìn giữ nghề truyền thống.

Đường liên xã Kon Gang-Hải Yang đang được nâng cấp, mở rộng. Ảnh: N.D

Khởi sắc Kon Gang

(GLO)- Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Kon Gang (huyện Đak Đoa) là vùng căn cứ cách mạng vững chắc của tỉnh Gia Lai. Sau ngày giải phóng, cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây tiếp tục nỗ lực phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày một khởi sắc.

Thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Ia Tô (xã Ia Tô, huyện Ia Grai) mong muốn được hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản. Ảnh: H.D

Ia Grai: Hợp tác xã chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm

(GLO)- Nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã chủ động tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, để sản phẩm mới có được chỗ đứng ổn định trên thị trường, các HTX rất cần sự hỗ trợ của chính quyền và ngành chức năng địa phương.

Hướng dẫn thực hiện các phong trào thi đua cho phụ nữ huyện Phú Thiện

Hướng dẫn thực hiện các phong trào thi đua cho phụ nữ huyện Phú Thiện

(GLO)- Sáng 25-3, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện các phong trào thi đua, đợt thi đua đặc biệt chào mừng các ngày lễ lớn và hưởng ứng phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hơn 100 cán bộ, hội viên phụ nữ của 2 xã Ia Piar và Ia Peng (huyện Phú Thiện).

Hội LHPN xã Ia Mơ Nông tặng hội viên thùng rác để bỏ rác sinh hoạt, bảo vệ môi trường. Ảnh: G.H

Ia Mơ Nông chung tay bảo vệ môi trường nông thôn

(GLO)- Nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và triển khai nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả, góp phần làm cho cảnh quan môi trường nông thôn của xã ngày càng xanh-sạch-đẹp. 

Diện mạo nông thôn xã Chư Mố ngày càng khang trang. Ảnh: R.H

Chuyện về những ngôi làng bên sông Ba

(GLO)- Đến xã Chư Mố (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai), chúng ta nhận thấy tên gọi 5 làng ở đây đều gắn liền với dòng sông Ba và những người lập làng đầu tiên. Đó là các làng: Plơi Apa Ama Đă, Plơi Apa Ama H’Lăk, Plơi Apa Ama Lim, Plơi Apa Ơi H’Trông và Plơi Apa Ơi H’Briu.