Một ngày với Chư Krêy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cũng đã gần 5 năm rồi tôi mới có dịp trở lại xã Chư Krêy, huyện Kông Chro. Có thể nói, Chư Krêy giờ đã có những thay đổi khá về kết cấu hạ tầng sản xuất và xã hội. Con đường dẫn từ đường Trường Sơn Đông vào xã chừng vài chục cây số đã được bê tông hóa, điện lưới quốc gia kéo đến tận các làng, khu hành chính xã khá khang trang, quanh khu vực trung tâm xã có nhiều cửa hàng dịch vụ, mua bán nông sản, hàng công nghệ phẩm... Tuy nhiên, những con số trong bản báo cáo công tác 6 tháng đầu năm 2019 của UBND xã đã gợi lên trong tôi khá nhiều trăn trở.
 Người dân xã Chư Krêy (huyện Kông Chro) làm đất sản xuất. Ảnh: Đ.T
Người dân xã Chư Krêy (huyện Kông Chro) làm đất sản xuất. Ảnh: Đ.T
Là một trong những xã thuộc vùng “da hổ da beo” (những vùng tranh chấp thời chiến tranh, khi địch đánh chiếm, lúc ta làm chủ), nhân dân Chư Krêy hứng chịu nhiều đạn bom của giặc, đặc biệt là những trận càn quét, đánh phá, truy lùng dấu tích của bộ đội ta và con đường hành lang xuyên Việt qua đây, được gọi là “hành lang Trung ương”. Con đường này có nhiệm vụ đưa đón cán bộ quân dân chính Đảng và hàng hóa, vũ khí đạn dược... từ phía Bắc đường 19 vào hướng Phú Yên, Khánh Hòa và vùng Đông Bắc K6 (Ninh Thuận, Lâm Đồng...) và ngược lại. Tôi hình dung Chư Krêy ngày ấy vừa nằm trên trục “hành lang Trung ương”, vừa lại là nơi giáp ranh giữa vùng địch chiếm đóng-khu vực xã Hà Tam (huyện Đak Pơ ngày nay) và vùng hậu cứ K7 (huyện Kông Chro). Vùng này khi đó có 100% đồng bào Bahnar cư trú. Với bà con nơi đây, không kẻ thù nào lay chuyển được lòng chung thủy của họ đối với cách mạng. Từ khi phong trào cách mạng còn vô vàn khó khăn trong thời kỳ đầu chống Pháp, đặc biệt là sau Hiệp định Genève, một bộ phận cán bộ được Đảng cử từ vùng trung châu lên móc nối và cùng hoạt động với các cán bộ, đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số Gia Lai đã được bà con nơi đây chở che, đùm bọc, nuôi dưỡng. Các đồng chí Phạm Hồng, Lê Tiên, Phan Đình Bá, Lê Tam... là những người đã từng sống, chiến đấu, cùng ăn, cùng ở, cùng tăng gia sản xuất tự túc và cùng hoạt động cách mạng trong thời kỳ sau Hiệp định Genève ở vùng đất Kông Chro, trong đó có Chư Krêy...
Sau chiến tranh, đây được coi là một trong những nơi khó khăn bậc nhất của Kông Chro. Ai cũng thấu biết, vùng đất và con người Chư Krêy đã từng dốc hết sức và lực cho cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, ở đấy có bao nhiêu thuận lợi cho kháng chiến thì giờ cũng lại gặp bấy nhiêu khó khăn trong xây dựng hòa bình. Đó gần như quy luật trong kháng chiến và kiến quốc. Kông Chro nói chung và Chư Krêy không nằm ngoài cái quy luật khắc nghiệt ấy! Sau gần 45 năm miền Nam sạch bóng quân thù, nước nhà thống nhất, dù đã là một trong những xã được cấp ủy và chính quyền địa phương chú ý quan tâm đầu tư, giúp đỡ vươn lên thoát nghèo, điện-đường-trường-trạm đã đủ đầy và khá khang trang nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm gần 50%. Xã hiện có 5 làng, 632 hộ, trên 3.100 nhân khẩu, gần 100% là bà con người Bahnar. “Với một Đảng bộ trên 100 đảng viên, chúng tôi dẫu cố gắng hết sức nhưng vẫn bị cái khó bó cái khôn”-Phó Chủ tịch HĐND xã Nguyễn Đình Vượng chia sẻ.
Chúng tôi được ông Vượng đưa đến làng Sơ Rơn và ghé thăm nhà Mẹ Việt Nam Anh hùng Đinh Blinh. Ngôi nhà tình nghĩa được một tổ chức xã hội xây tặng gia đình mẹ đã khá lâu nhưng không có người ở thường xuyên. Từ khi mẹ Blinh mất hồi cuối năm 2014, cũng ít khách xa ghé đến. “Lo xong đám tang cho mẹ Blinh, kinh tế của gia đình gần như kiệt quệ”-một người hàng xóm của gia đình mẹ Blinh cho biết. Từ trong ngôi nhà sàn nằm kế căn nhà xây khá khiêm tốn, con gái mẹ Blinh chạy ra đón khách. Sau một hồi trò chuyện, biết gia đình đang rất khó khăn, tôi gửi tặng các cháu 30 kg gạo; chị con gái mẹ Blinh nói lời cảm ơn mọi người đã đến thăm và cho quà. Anh Vượng cho biết, cả xã có 53 hộ chính sách, trong đó có gia đình mẹ Blinh, hàng tháng có chế độ hỗ trợ từ ngân sách nhưng chưa thể đáp ứng đủ đầy nhu cầu cuộc sống hàng ngày; đa số các gia đình không có lao động chính, thu nhập bấp bênh.
Chúng tôi chia tay Chư Krêy ra về, ngoái lại thấy lũ trẻ nhỏ làng Sơ Rơn nhìn theo mà lòng còn bao nỗi trăn trở, dù biết rằng nỗi trăn trở ấy chẳng khác nào câu nói của người xưa rằng “lực bất tòng tâm”. Là một xã anh hùng thời kỳ chống Mỹ cứu nước, công lao của bà con nơi đây đóng góp cho cách mạng không phải là nhỏ. Vậy mà… Tôi tin rằng nhiều người trong chúng ta chắc hẳn sẽ thấy có lỗi lớn với bà con Chư Krêy nói riêng và các vùng căn cứ cách mạng thuở nào nói chung.
 ĐOÀN MINH PHỤNG

Có thể bạn quan tâm

Tặng 600 chiếc áo ấm cho thiếu nhi xã Đak Sơ Mei

Tặng 600 chiếc áo ấm cho thiếu nhi xã Đak Sơ Mei

(GLO)- Chiều 6-12, Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội từ thiện và hỗ trợ phát triển cộng đồng Fly To Sky phối hợp cùng Đảng ủy-UBND-Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Áo ấm chuyền tay” nhằm trao tặng áo ấm cho thiếu nhi trên địa bàn xã.

Quang cảnh hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng năm 2024 huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: 19/20 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt kế hoạch năm 2024

(GLO)- Sáng 6-12, UBND huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) tổ chức hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Nguyễn Ngọc Ngô chủ trì hội nghị.

Đak Đoa điều chỉnh giảm dự toán vốn thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 4 Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn hơn 300 triệu đồng. Ảnh Hà Duy.

Đak Đoa điều chỉnh vốn sự nghiệp thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững

(GLO)- Hội đồng nhân dân huyện Đak Đoa vừa ban hành Nghị quyết số 26/NQ-HĐND về việc điều chỉnh dự toán vốn sự nghiệp chưa giải ngân hết trong năm 2023 đã được chuyển nguồn sang năm 2024 và điều chỉnh dự toán vốn sự nghiệp năm 2024 thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (đợt 2).

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Mùa cà phê chín đỏ

Mùa cà phê chín đỏ

(GLO)- Dưới ánh nắng rực rỡ của những ngày cuối tháng 11, trên khắp các vườn cà phê chín đỏ, không khí thu hoạch rộn rã hơn. Năm nay, bà con nông dân đón mùa vụ với sự hân hoan lớn khi lần đầu tiên cà phê có một mức giá cao nhất lịch sử.