Chuyện bên suối Trà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Suối Trà nằm bên đường Trường Sơn Đông, cách thị trấn Kbang hơn 20 km. Đó là một con suối nhỏ, ẩn mình len lỏi giữa rừng già. Mùa khô, những chiếc lá rụng ngâm mình trong từng vũng nước đọng giữa lòng suối, nhả ra màu nước vàng như nước trà. Có lẽ tên của nó cũng bắt nguồn từ đó. Câu chuyện tôi sắp kể ra đây đã để lại nhiều ấn tượng về chuyến công tác ngày ấy.
Vào một ngày tháng 9-1980, tôi đi bộ từ An Khê vào xã Sơn Lang (huyện Kbang) để khảo sát một số công trình thủy lợi. Đến suối Trà đã 4 giờ chiều, trời bắt đầu mưa. Nước suối chảy nhẹ ngang đầu gối. Tôi định bụng sẽ lội qua để vào lán trại lợp ni lông xanh bên kia bờ trú chân. Vừa chống gậy đi ra giữa dòng thì bất chợt có tiếng ầm ào từ phía thượng nguồn, nước đổ về xối xả, cuốn theo vô số lá khô, cây mục. Tôi vội vã lội lên bờ nhưng không kịp nữa. Thoắt cái nước đã ngập lên tới ngực. Tôi bám vào một cây khô giữa dòng nước, cố sức bơi vào bờ nhưng không thể và bị nước cuốn trôi.
  Một góc xã Sơn Lang (huyện Kbang).  Ảnh: K.N.B
Một góc xã Sơn Lang (huyện Kbang). Ảnh: internet
Phía lán trại có tiếng phụ nữ la lớn: “Cứu người bị đuối nước chị em ơi”. Trên bờ xuất hiện 4 chị mặc quân phục chạy theo tôi hét to: “Bình tĩnh, đừng bơi ngang nữa, quay mặt thả xuôi dòng nước, tìm cây mà bám vào”. Sau khi nước cuốn một đoạn, tôi bị một cành cây móc vào ống quần nên cố sức vùng vẫy. Một chị thấy nguy hiểm bèn lao xuống như con rái cá đẩy lưng tôi thật mạnh sát mép nước nhưng không được. Chị ôm ghì lấy tôi, chân đạp mạnh vào cành cây. Tôi thấy ống quần rách toạc và bắp chân đau buốt.
Nước cuốn tôi một đoạn gần 50 m nữa, chị bơi theo và đẩy tôi vào một cuộn nước xoáy nhẹ rồi dìu lên bờ. Thoát nạn nhưng máu nơi bắp chân tôi chảy ra xối xả. Mấy chị còn lại trên bờ vội vã tìm lá rừng cầm máu, xé ống tay áo của ai đó băng lại rồi dìu tôi về trại.
Trên đường đi, các chị giải thích: Khi bị lũ cuốn đừng hốt hoảng, đừng bơi ngang hay ngược dòng nước, vì khi đó các đợt sóng cuộn, cây rác sẽ tấp vào mặt, nhanh mất sức, lại rất nguy hiểm. Nên bơi xuôi nước cho đỡ mất sức, quan sát được phía trước có cây thì bám lấy và tìm cách vào bờ.
Chúng tôi về đến lán trại thì thấy nước đã dâng ngập lên tới sạp nằm, tất cả giày, ủng dưới đất đã bị nước cuốn đi. Nồi cơm chiều vừa chín cũng đã bị ngập nước. Chị phụ nữ vừa cứu tôi (được mọi người gọi là chị cả) nói lớn: “Các em khiêng nồi cơm lên sạp đổ nước bùn ra, lấy nước trong đổ vào rửa đi rồi hâm lại ăn chứ bỏ sao”. Một bữa cơm chan nước, không rau, chỉ có thùng mắm ruốc trộn muối nhiều hơn mắm. Xong bữa ăn gọi là cơm, các chị cùng ngồi lại bên tôi như người thân, động viên, hỏi han đủ chuyện. “Anh đã đỡ chưa, anh có đau lắm không?”. Thật tình, tôi lúc ấy chỉ 26 tuổi, thuộc hàng em các chị vì chị nhỏ tuổi nhất cũng đã ngót 30. Sau cuộc trò chuyện thì tôi biết, khu lán trại này là của tổ công nhân đi làm đường mới từ Ka Nak đến Sơn Lang, thuộc Trung đoàn 240 (Sư đoàn 332). Tổ có 12 người đa phần là nữ, chỉ có 3 nam. Chị Tòng-Đội trưởng là người đã lao xuống suối cứu tôi.
Hôm sau, sau khi ăn sáng xong, cả đội tỏa ra đi làm, chỉ còn lại tôi, chị nuôi và chị Tòng ở lại lán trại. Chị Tòng vui vẻ tâm sự: Chị 36 tuổi, quê Thanh Hóa, đi công nhân quốc phòng năm 1972 cùng 6 chị em nữa. Ngày giải phóng, các bạn về quê còn chị tiếp tục chuyển công tác sang làm công nhân cho đến nay.
Chị Tòng có dáng người dong dỏng cao, nước da xanh tái do di chứng từ những cơn sốt rét rừng. Nhưng chị lại có giọng nói mạnh mẽ, dứt khoát và dáng đi rất nhanh nhẹn. Với một lúm đồng tiền bên má, khi chị cười rất có duyên.
Vì vết thương ở chân khá sâu nên tôi phải ở lại trại cùng các chị cả tuần. Chính chị Tòng là người rửa vết thương và bôi thuốc, săn sóc cho tôi. 5 ngày trôi qua, tôi xin trở lại công trường ở xã Sơn Lang. Tuy quãng đường chưa đầy mươi cây số nữa nhưng chị nhất quyết không cho đi bộ. Chờ những chiếc xe múc tới, chị ra đón và gửi tôi đi cùng. Trước khi đi, tôi có hẹn lần về sẽ ghé lại thăm chị. Sau hơn 3 tháng, tôi trở lại thì lán trại không còn nữa, chỉ thấy trơ lại vài dấu vết. Có lẽ, các chị đã chuyển đi nơi khác rồi.
Gần 40 năm đã trôi qua. Nay tôi về lại thăm suối Trà, mọi thứ đã đổi khác. Đường nhựa phẳng phiu, con suối Trà ngày nào nép mình dưới những cây cầu. Tôi đứng lại nơi có kỷ niệm không quên trong đời, lòng trào dâng niềm hối tiếc. Sao ngày trước tôi không hỏi địa chỉ để có dịp tìm lại các chị, những người đã sống hết mình vì mọi người. Khi tôi ngồi viết những dòng này thì tuổi chị Tòng cũng đã 75. Nếu chị và các chị trong tổ công tác ngày ấy có đọc được bài viết, xin hãy nhận từ đứa em này lời tri ân sâu sắc nhất!
 AN SINH

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.