(GLO)- Thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Gia Lai xuất hiện nhiều “Ban hộ niệm” hay còn gọi là “đạo tràng niệm Phật vãng sanh” (tự phát) “Đạo tràng niệm Phật vãng sanh” này hoàn toàn khác với các Ban hộ niệm ở các chùa lâu nay về cách thức hộ niệm tuy họ cũng mặc áo tràng lam, cũng gõ khánh, cũng lạy Phật, cũng phóng sinh. Đây chính là cái làm cho mọi người lẫn lộn khi họ đến nhà xin hộ niệm. Ai mà không mừng khi nhà mình có hữu sự lại có đạo tràng đến hộ niệm cho. Ai cũng tưởng đây là Ban hộ niệm của các chùa, tịnh xá, niệm phật đường… nên mời vào rồi… đau khổ. Ai muốn tham gia đạo tràng này cũng được, không phân biệt, không cần học giáo lý, không tụng kinh nên không khó khăn lắm khi tham gia hoạt động.
Trong Ban hộ niệm này đa số người không hề biết một chút gì về giáo lý Phật dù đã tham gia sinh hoạt hộ niệm hơn hai năm. Với họ Phật giáo chỉ là 4 chữ A Di Đà Phật và một cuốn kinh Vô Lượng Thọ. Họ cho rằng người lâm chung nào được họ hộ niệm chắc chắn sẽ được vãng sanh, dù trước đây người này có tạo ác nghiệp. Những trường hợp mà họ cho là không được vãng sinh đó là: Không nghe lời họ mà đi mời tăng, ni về nhà trong lúc họ đang hộ niệm hoặc làm các việc riêng như chuẩn bị cho tang lễ, gọi điện báo cho người thân ở xa. Có những nhà làm không đúng ý họ thì họ sẽ giận dữ, đùng đùng bỏ về đồng thời phán lại vài câu xanh rờn và hết sức khủng khiếp là linh hồn của người mất này đã bị đọa vào súc sinh. Người nhà vô cùng ngạc nhiên: “Sao đạo Phật mà không từ bi chút nào vậy”.
Thường trực Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Gia Lai họp tìm biện pháp xử lý các Ban hộ niệm, đạo tràng niệm Phật vãng sanh (tự phát). Ảnh: Danh Xuân |
“Ban hộ niệm” khi vào nhà có người lâm chung thấy gia đình thờ Phật Thích Ca liền bảo gia đình lấy vải che lại hoặc xoay hình, tượng Phật Thích Ca úp mặt vào tường rồi để tượng Phật A Di Đà lên hộ niệm. Họ bảo Phật Thích Ca không có khả năng cứu độ người lâm chung? Sau đó họ treo ảnh Đức Phật A Di Đà chung quanh giường của người mất, bất kể nơi đó không được thanh tịnh cho lắm. Một hình Đức Phật A Di Đà được gí sát vào mặt người mất để… phóng quang. Khi đi ngang qua hình ảnh Phật Thích Ca họ không còn tôn trọng, không chắp tay bái sám vị giáo chủ đã để lại hệ thống giáo lý vĩ đại mà tinh thần Tứ Diệu Đế, Bát Chính Đạo mãi là kim chỉ nam cho con đường tu hành giải thoát giác ngộ.
Khi họ hộ niệm thì trong gia đình không ai được làm gì kể cả việc chuẩn bị cho tang lễ, cả nhà phải tắt hết điện thoại trong thời gian hơn 12 giờ đồng hồ hoặc hơn nữa theo sự phán quyết của đạo tràng. Theo quy trình của Ban hộ niệm vãng sinh thì một thời niệm danh hiệu Phật từ lúc bắt đầu cho đến lúc được vãng sanh là từ 12 giờ đến 24 giờ, nếu họ cảm thấy chưa vãng sinh thì họ lại niệm thêm vài tiếng nữa cho đến khi nào thấy “vãng sanh” thì họ vỗ tay vui mừng? Trong thời gian hộ niệm thì gia đình phải chấm dứt mọi sự liên lạc với người ngoài. Không được mời thầy ở các chùa về nhà trong lúc họ hộ niệm.
Điều bức xúc nhất là trong lúc họ đang hộ niệm mà có tăng, ni đến thì họ khó chịu ra mặt và kiên quyết không cho tăng, ni vào làm lễ. Gia đình nào làm sai hoặc để cho tăng, ni vào nhà làm lễ họ sẽ bỏ về giữa chừng và phán một câu xanh rờn: Do gia đình không thành tâm nên cuộc hộ niệm này bất thành và bây giờ hương linh đã trở thành ngạ quỷ đọa vào a tỳ địa ngục đau khổ triền miên. Nhiều gia đình không am hiểu Phật pháp thì hoảng hốt bất an trong nhiều ngày... than khóc không nguôi. Họ cho rằng tăng, ni hiện nay tu hành không đúng pháp.
Còn tụng kinh, còn sử dụng pháp khí nên bị xen tạp không nhất tâm nên không có khả năng cứu độ vãng sinh. Vô hình trung quý tăng, ni của chúng ta chỉ còn là thầy cúng, thầy nhập liệm, thầy cúng cơm, thầy mai táng. Còn phần tâm linh cứu độ giúp cho hương linh vãng sinh là của họ. Họ giúp cho vãng sinh mà không phải tốn kém hay lễ nghi gì cả. Đây là đòn chí mạng đánh vào lòng các phật tử sơ cơ họ sẽ so sánh vấn đề này giữa Ban hộ niệm và quý tăng, ni. Dĩ nhiên là họ sẽ chọn Ban hộ niệm và loại bỏ tăng, ni.
Chính vì vậy, ngày 21-10-2011, Tỉnh hội Phật giáo Gia Lai đã ra Thông báo số 164/TB-BTS đề nghị Ban Đại diện Phật giáo các huyện, thị xã, chư vị trụ trì, Ban hộ tự các tự viện, tịnh xá trong tỉnh nâng cao cảnh giác các ban hộ niệm, đạo tràng niệm Phật vãng sanh (tự phát).
Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Gia Lai khẳng định: “Tất cả chủ trương này đều xa lạ với truyền thống tu tập của Phật giáo Việt Nam mà chư Tổ từ ngàn xưa truyền lại và là ý đồ “gậy ông đập lưng ông”, mượn hình thức Phật giáo đánh phá Phật giáo rất thâm độc và tinh vi của tổ chức này, được sự chỉ đạo hỗ trợ từ các thế lực nước ngoài”.
Với bài viết này, tác giả cũng chỉ muốn giới thiệu để bạn đọc có cái nhìn đúng đắn về tôn giáo và các hiện tượng mê tín dị đoan đang hiện hữu quanh ta. Nó có tác động không nhỏ đến một bộ phận quần chúng nhân dân nhẹ dạ cả tin đã đi ngược lại với truyền thống đạo lý của dân tộc; ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Danh Xuân