Mô hình nông-điện tại Đức Cơ chưa như dự án ban đầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2020, huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) có 13 hộ kinh doanh xin chủ trương thành lập 14 trang trại sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp hệ thống điện mặt trời mái nhà. Tuy nhiên, từ đó đến nay, các trang trại này chủ yếu sản xuất điện mặt trời còn hoạt động sản xuất nông nghiệp thì chưa thực sự phát huy hiệu quả.


Dự án điện mặt trời mái nhà của Công ty TNHH Xuân Vấn có công suất 950 kWp, được triển khai khá bài bản tại xã Ia Din. Song song với dự án này, Công ty đăng ký triển khai mô hình trang trại chăn nuôi bò, heo, gà trên diện tích khoảng 1 ha. Để có nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi, Công ty đã trồng 1 ha cỏ và chuối. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, trang trại sản xuất nông nghiệp vẫn chưa hoạt động như đã đăng ký. Ông Trịnh Xuân Vụ-quản lý trang trại-cho biết: “Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ nuôi khoảng 40 con bò Úc lai lấy thịt và giống. Hệ thống chuồng nuôi, xử lý nước thải đã hoàn thành, cỏ cũng đã trồng xong. Tuy nhiên, do các đợt dịch Covid-19 nên chúng tôi vẫn chưa thể vào miền Nam đưa bò giống về”.

Công ty TNHH một thành viên Năng lượng xanh Tuy Phước (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) đã hoàn thành hạ tầng để nuôi trùn quế. Ảnh: Hà Duy
Công ty TNHH một thành viên Năng lượng xanh Tuy Phước (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) đã hoàn thành hạ tầng để nuôi trùn quế. Ảnh: Hà Duy

Tương tự, mô hình nuôi trùn quế của Công ty TNHH một thành viên Năng lượng xanh Đại Lộc và Công ty TNHH một thành viên Năng lượng xanh Tuy Phước, được triển khai tại xã Ia Kriêng vào cuối tháng 12-2020. Tổng diện tích của 2 trang trại là 1,9 ha với hệ thống điện mặt trời mái nhà có công suất 2 MW. Sau vài tháng dự án điện mặt trời mái nhà đi vào hoạt động, trang trại nuôi trùn quế vẫn chưa triển khai như đã đăng ký. Anh Bùi Duy Chiến-quản lý trang trại-thông tin: “Hiện trang trại mới làm xong bể nuôi, các hạng mục thoát nước. Qua tuần, trang trại nuôi trùn sẽ chính thức hoạt động khi chúng tôi vận chuyển giống về”.

Trong số 14 trang trại sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà trên địa bàn huyện Đức Cơ, có lẽ trang trại trồng nấm, nuôi heo rừng, bò và gà của Công ty TNHH một thành viên Quốc Thắng Farm tại xã Ia Din được triển khai nghiêm túc nhất. Ngay sau khi hoàn thành các hạng mục xây dựng hạ tầng kiên cố, lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, Công ty cũng triển khai giăng nhà màng để trồng nấm sạch, làm chuồng để nuôi heo rừng, bò và gà. Theo chủ đầu tư, do chưa tìm được đầu ra ổn định cho các sản phẩm nên quy mô nuôi trồng vẫn đang ở mức cầm chừng với 3.000 bì nấm, 40 con heo rừng, hơn 100 con gà và gần 10 con bò.

Trang trại trồng nấm kết hợp điện mặt trời mái nhà của Công ty TNHH một thành viên Quốc Thắng Farm (xã Ia Din, huyện Đức Cơ). Ảnh: Hà Duy
Trang trại trồng nấm kết hợp điện mặt trời mái nhà của Công ty TNHH một thành viên Quốc Thắng Farm (xã Ia Din, huyện Đức Cơ). Ảnh: Hà Duy

Trao đổi với P.V, ông Trần Ngọc Phận-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ-thông tin: 14 trang trại này đã đăng ký hoạt động sản xuất nông nghiệp với các mô hình trồng đinh lăng, rau, nấm, nha đam và chăn nuôi heo, gà, trùn quế, bò... theo hướng công nghệ cao. Huyện đã thành lập đoàn kiểm tra hoạt động của các trang trại này. Điều đáng ghi nhận là tất cả các trang trại đều hoàn thành việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất nông nghiệp khác rồi mới triển khai dự án. Bên cạnh đó, các trang trại đều sử dụng lao động tại địa phương. “Tuy nhiên, qua kiểm tra, chúng tôi nhận thấy hầu hết các trang trại vẫn chưa khai thác, sử dụng hết diện tích đã xin chủ trương. Hoạt động sản xuất nông nghiệp tại các trang trại duy trì cầm chừng. Nguyên nhân chủ yếu là do diện tích các trang trại lớn, sản phẩm sau khi thu hoạch chưa có đơn vị liên kết, bao tiêu, thị trường tại địa phương không ổn định nên hiệu quả thu lại chưa cao”-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ đánh giá.

Đồng thời, ông Trần Ngọc Phận cũng cho biết thêm: “Để tránh việc các cơ sở đội lốt trang trại nông nghiệp sản xuất điện mặt trời, huyện đã có báo cáo và đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT định hướng cho các doanh nghiệp xây dựng mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp để khuyến khích các hộ dân đầu tư phát triển trang trại nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách thực hiện liên kết, bao tiêu sản phẩm giúp các cơ sở hoạt động sản xuất ổn định lâu dài. Thời gian đến, huyện sẽ làm việc cùng các hộ dân cũng như một số tập đoàn kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp để trao đổi, bàn bạc và tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, cũng như tạo điều kiện cho các cơ sở phát triển sản xuất kinh doanh”.

HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm