Màu xanh trên chiến địa xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Xuôi đèo Chư Sê giữa những ngày tháng 4 lịch sử, trên chiến địa đường 7 năm xưa (nay là quốc lộ 25), chiến tranh dường như chẳng còn để lại dấu tích. Những địa danh đã đi vào lịch sử như: đèo Tô Na, cầu Cây Sung, sông Bờ, Klúi… từng một thời gieo rắc nỗi kinh hoàng và chết chóc cho kẻ thù giờ đã là miền đất lành cho cuộc sống ấm no đâm chồi, nảy lộc…
Mùa vàng trên chiến địa
Dọc quốc lộ 25 trên nền con đường 7 huyền thoại năm xưa, cái nắng bỏng rát của mùa khô hạn vẫn không che lấp được niềm hân hoan của người dân ngày được mùa. Hai bên quốc lộ trải dài tít tắp vàng rực màu lúa mới thơm nồng của thung lũng Ayun Pa (Gia Lai) vào vụ thu hoạch Đông Xuân.
Kể từ năm 1995, khi công trình đại thủy nông Ayun Hạ hoàn thành với sức tưới 13.500 ha, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể đã vận động đồng bào Jrai, Bahnar ở địa phương cùng với những hộ kinh tế mới san ủi cánh đồng, chung sức làm lúa nước. Đất đai như vỡ ra, cây cối đâm chồi nảy lộc. Cuộc cách mạng trồng lúa nước ở nơi này ghi nhận công lao của 2 người đàn ông tiên phong vận động đồng bào Jrai địa phương từ bỏ lúa rẫy để san ủi cánh đồng dẫn nước về sạ lúa là Rơ Ma Ét (tổ 4, thị trấn Phú Thiện) và Đinh Nhiêu (xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện). Trong đó, ông Rơ Ma Ét vận động đồng bào Jrai ở các xã phía Bắc quốc lộ 25 trồng lúa nước, còn ông Đinh Nhiêu vận động bà con Jrai ở các xã phía Nam. Cả 2 ông được người dân địa phương ngưỡng mộ, tôn vinh là “Vua lúa”. 
 Mô hình cánh đồng lúa lớn một giống cho hiệu quả cao ở huyện Phú Thiện. Ảnh: Đ.P
Mô hình cánh đồng lúa lớn một giống cho hiệu quả cao ở huyện Phú Thiện. Ảnh: Đ.P
Cuộc cách mạng lúa nước lần 2 ở thung lũng Ayun Pa đang diễn ra sôi động với việc xây dựng cánh đồng lúa lớn một giống và thay đổi bộ giống lúa hướng tới năng suất, chất lượng và xây dựng thương hiệu gạo. Ông Bùi Trọng Thành-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Phú Thiện-cho hay: Huyện đã xây dựng được hàng chục cánh đồng lúa lớn một giống ở cả 9 xã và thị trấn Phú Thiện với tổng diện tích 1.160 ha/6.000 ha lúa Đông Xuân. Các giống lúa được ngành Nông nghiệp huyện lựa chọn, khuyến khích người dân gieo sạ bao gồm: OM900, LH12, nếp 97, TBR225, DT66. Đây là bộ giống lúa đã được khẳng định ưu thế về độ kháng sâu bệnh, chống ngã đổ, thời gian sinh trưởng trung bình và ngắn ngày, chất lượng gạo thơm ngon, bán được giá cao. Trong đó, vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp đang dần phát huy hiệu quả, là cầu nối giữa người nông dân với doanh nghiệp. Giám đốc Hợp tác xã Chư A Thai Phạm Ngọc Nghĩa đang trên đường rong ruổi khắp TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và các tỉnh miền Tây Nam bộ để tìm đầu ra cho sản phẩm lúa của nông dân. Qua điện thoại, ông Nghĩa cho biết, vụ Đông Xuân này, Hợp tác xã quyết tâm thu mua hơn 300 tấn lúa cho bà con. “Với những hợp đồng mới ký, chúng tôi sẽ mua lúa cho nông dân cao hơn giá thị trường vài trăm đồng/kg”-ông Nghĩa hồ hởi khoe.
Ở thung lũng Ayun Pa hiện nay, phương thức sản xuất thủ công lạc hậu giờ đã không còn. Hơn 90% công đoạn canh tác từ làm đất tới thu hoạch đã thực hiện bằng cơ giới. Nhờ nguồn nước Ayun Hạ, hệ thống kênh chính Bắc, Nam và mạng lưới kênh mương nội đồng ngày càng vươn xa. Niềm vui của hàng vạn đồng bào Jrai địa phương như vỡ òa cùng những vụ mùa bội thu. Những nương lúa địa phương năng suất thấp xấp xỉ 1 tấn/ha đã lùi vào dĩ vãng. Vựa lúa Ayun Hạ hơn 12.000 ha trở thành vùng chuyên canh lúa nước lớn nhất ở Tây Nguyên, năng suất bình quân gần 7 tấn/ha; nhiều vùng đạt trên 10 tấn/ha. “Ở vựa lúa lớn nhất Tây Nguyên giờ có hàng ngàn nông dân đạt doanh số gần trăm tấn lúa/năm như các ông, bà: Ksor Len, Rmah HDhí (tổ 3, thị trấn Phú Thiện); cá biệt, gia đình ông Nguyễn Lâm Thoa (tổ 13, thị trấn Phú Thiện) mỗi năm làm ra tới 200 tấn lúa! Họ thực sự là những “phú ông” của thời đổi mới”-Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện 
Rơ Chăm La Ni phấn khởi nói.
Thung lũng điện mặt trời
Xuôi đèo Tô Na, tiếp nối giữa màu xanh ruộng rẫy, mái ngói đỏ tươi của cụm dân cư là mảng sáng lấp lánh của dải pin điện mặt trời rải theo triền đồi. Ông Nguyễn Thanh Vân-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Krông Pa-cho hay, ngoài Nhà máy Điện mặt trời TTC Krông Pa tại xã Chư Gu có công suất 49 MW (công suất tối đa 69 MWp), tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng thì nhiều dự án điện mặt trời khác trên địa bàn huyện cũng đang được xúc tiến. Cụ thể, dự án của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Năng lượng Thành Nguyên, Công ty TNHH một thành viên Trang Đức có cùng công suất 49 MWp và vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng; dự án của Công ty cổ phần Thủy điện Hoàng Anh Tô Na có công suất 17 MWp với vốn đầu tư 370 tỷ đồng đang được các đơn vị đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, kịp thi công trong năm nay. Bên cạnh đó, 14 dự án phát triển điện mặt trời khác cũng đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt… Vùng “đất khát” Krông Pa thực sự trở thành “thủ phủ” điện năng lượng mặt trời.
 Công nhân lắp ráp các tấm pin năng lượng mặt trời lên giá đỡ tại dự án điện mặt trời trên địa bàn xã Chư Ngọc (huyện Krông Pa). Ảnh: Đ.P
Công nhân lắp ráp các tấm pin năng lượng mặt trời lên giá đỡ tại dự án điện mặt trời trên địa bàn xã Chư Ngọc (huyện Krông Pa). Ảnh: Đ.P
44 năm sau ngày giải phóng, các buôn làng bị dồn dân lập ấp chiến lược dọc đường 7 năm xưa giờ đã vươn mình thành những khu dân cư trù phú. Thị trấn Phú Túc đang phát triển mạnh mẽ, khẳng định vị thế của trung tâm kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng của huyện cửa ngõ phía Đông Nam tỉnh. Ngã ba Ia Rsươm, Ia Rsai mang dáng dấp của một thị tứ đông đúc nhộn nhịp hàng quán hai bên đường nơi đầu cầu Lệ Bắc. Phía bên kia cầu Sông Bờ-nơi một thời là “tử địa” của Quân đoàn 2 ngụy trên đường tháo chạy khỏi Tây Nguyên với bao nỗi kinh hoàng, chết chóc, giờ nhà cửa mọc lên san sát. Thị xã Ayun Pa, một đô thị trẻ trung năng động nơi ngã ba sông đang vươn mình thành trung tâm kinh tế-xã hội của vùng Đông Nam tỉnh. Những dãy phố dài dọc theo đường 7 năm xưa bị máy bay, đạn pháo của địch bắn phá tan hoang, thiêu cháy thành tro tàn giờ đã trở nên sầm uất. 
Bí thư Thị ủy Ayun Pa Thái Thanh Bình nhìn nhận: Với sự chung sức đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn, mọi mặt đời sống của thị xã Ayun Pa đang trên đà phát triển ổn định. Đường Trường Sơn Đông đi qua đã tạo một cánh cung bên rìa phía Đông thị xã. Cùng với đó, quốc lộ 25 đang được đầu tư nâng cấp toàn tuyến kéo dài từ ngã ba Chư Sê xuống tận TP. Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), là huyết mạch giao thông quan trọng giúp kết nối vùng nguyên liệu cây công nghiệp và nông sản rộng lớn của Bắc Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung bộ, miền Đông Nam bộ. Hai trục lộ này sẽ là đòn bẩy cho vùng kinh tế phía Đông Nam tỉnh cất cánh.
ĐỨC PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Hội nghị góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

(GLO)- Ngày 8-11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai tổ chức góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Hội nghị do PGS. TS Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì.

Lễ khánh thành lưới điện xã Tơ Tung đưa điện về quê hương Anh hùng Núp (ảnh ông Nguyễn Quang Hiền cung cấp).

Chuyện đưa điện lưới về làng Anh hùng Núp

(GLO)- Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, diện mạo làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) ngày càng khởi sắc. Một trong những yếu tố then chốt làm nên sự “thay da đổi thịt” trên quê hương Anh hùng Núp chính là quyết tâm đưa điện lưới quốc gia đến với Stơr từ năm 1996 của UBND tỉnh.

Kbang chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường

Kbang chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường

(GLO)- Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ đạo triển khai thực hiện thu gom, xử lý rác thải đảm bảo quy định, huyện Kbang cũng đã ưu tiên nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT), góp phần gìn giữ cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.

Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh diễn ra vô cùng hấp dẫn. Ảnh: PHẠM QUÝ

Hội tụ bản sắc văn hóa vùng biên

(GLO)- Qua 5 lần tổ chức, Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã trở thành sự kiện tôn vinh, quảng bá bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng đất nơi biên cương Tổ quốc.