Mái ấm của trẻ em nghèo ở xã Ayun

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ở Plei Bông (xã Ayun, huyện Mang Yang) có một mái ấm dành cho 16 em nhỏ dân tộc Bahnar mồ côi cha mẹ hoặc do gia đình khó khăn nên gửi gắm.

Nơi sẻ chia tình người

Ngôi nhà đặc biệt với 16 bé gái từ 9 đến 15 tuổi đang được cưu mang bởi 3 người mẹ. Mỗi em nhỏ đến với ngôi nhà này đều có những số phận khác nhau, em mồ côi cha, em mồ côi mẹ, em thì nhà đông anh em nên nghèo khó phải đưa đến đây nhờ giúp đỡ. Trong 16 em nhỏ này thì có 5 em ở tận làng Bok Rei (xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa), còn lại đều ở các làng thuộc xã Ayun.

 

Các em nhỏ ở mái ấm luôn giúp đỡ nhau trong học tập. Ảnh: T.B
Các em nhỏ ở mái ấm luôn giúp đỡ nhau trong học tập. Ảnh: T.B

Sơ Náo-người gắn bó với ngôi nhà đặc biệt này từ những ngày đầu thành lập, tâm sự: “Mái ấm này được thành lập từ năm 2010. Lúc trước, mái ấm chỉ nhận nuôi các cháu mồ côi. Tuy nhiên, mỗi lần đi vào làng, thấy một số cháu có hoàn cảnh khó khăn và đứng trước nguy cơ nghỉ học, chúng tôi đã đề nghị giúp đỡ để các cháu được ăn học đến nơi đến chốn. Dần dần, dân làng tìm đến chúng tôi để gửi con ngày càng đông hơn”. Rót chén trà nóng mời chúng tôi, sơ Náo chia sẻ thêm: “Chúng tôi chăm sóc các cháu bằng tất cả tình cảm chứ không đòi hỏi bất cứ điều gì, ai cũng hết lòng chăm sóc các cháu, nỗ lực hết mọi khả năng có thể. Nói vậy thôi chứ các cháu vẫn rất cần tình cảm của cha mẹ, nên thỉnh thoảng vào các ngày nghỉ, các sơ đều tạo điều kiện cho các cháu về thăm gia đình”.

Tại mái ấm này, các sơ còn dạy kỹ năng sống, kỹ năng tự lập và thường xuyên kiểm tra bài vở của các em trước khi đến lớp. Trong mái nhà chung, các em luôn biết yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau, xem nhau như anh em ruột thịt; trong ngôi nhà nhỏ ấy luôn tràn ngập tiếng cười và tình yêu thương. Năm học vừa rồi, có 9 em đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, 1 em đạt danh hiệu học sinh xuất sắc, còn 6 em đạt học lực trung bình khá.

Trong lúc chúng tôi trò chuyện với sơ Náo, 16 em vừa đi học về. Không ai bảo ai, mỗi em một công việc đã được phân công. Em Yắch (13 tuổi, học lớp 7, Trường THCS Ayun)-một trong 5 em nhỏ được nhận nuôi từ xã Đak Sơ Mei, chia sẻ: “Nhà em có tới 7 anh chị em nên nghèo lắm. Mấy anh chị của em đều đã nghỉ học. Em được các sơ nhận nuôi đã được 3 năm nay. Ở đây, dù rất nhớ cha mẹ, anh chị nhưng lúc nào cũng được các sơ, các chị yêu thương và được chỉ bảo nhiều điều hay”.

Cần lắm một ngôi nhà mới

Ngoài số tiền hỗ trợ của các Mạnh Thường Quân là 4 triệu đồng/tháng (nhưng chỉ được nhận tiền hỗ trợ trong những tháng đi học, còn các tháng hè thì không có), vì thế các sơ cũng phải rất vất vả để có thêm kinh phí lo cho các em. “Chúng tôi cũng tự cải tạo khu đất mà làng cho mượn để trồng lúa, trồng bắp để đỡ tiền mua lương thực; trồng rau, nuôi gà để cải thiện thêm thức ăn trong những lúc khó khăn. Chúng tôi cũng đi làm đổi công cho những người ở trong xã để có thêm kinh phí trang trải cuộc sống. Nhiều lúc khó khăn quá, cơm không đủ ăn, chúng tôi cũng đành nhường phần mình cho các cháu. Vất vả là vậy nhưng các cháu nhỏ ở mái ấm này cũng rất thương các sơ, tranh thủ thời gian rảnh rỗi thì kiếm thêm rau rừng, măng rừng, đọt mây để bớt chi phí mua thức ăn. Dẫu đã cố gắng nhưng cuộc sống ở mái ấm này vẫn còn những khó khăn nhất định”-sơ Khúy cho biết.

Ngôi nhà gồm một phòng khách, một dãy phòng ngủ dành cho các em, một phòng học và một phòng làm việc của các sơ. Tách biệt với ngôi nhà là nhà bếp và khu vực rửa bát. Tuy nhiên, do được xây dựng từ khá lâu nên ngôi nhà đã xuống cấp, mái ngói đã mục nát. Đáng nói hơn là mái ấm vẫn chưa có nhà tắm và nhà vệ sinh nên sinh hoạt rất bất tiện. “Nhà chúng em đều nghèo cả, về nhà thì sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn nữa, nhiều khi chúng em phải nghỉ học. Các sơ cũng đã cố gắng rất nhiều để lo từng bữa ăn để chúng em có thể tiếp tục đến trường. Như vậy là đã hạnh phúc lắm rồi nên chúng em không đòi hỏi gì cả”-em Loan (13 tuổi) chia sẻ.

“Không có kinh phí để sửa chữa ngôi nhà, các sơ ở mái ấm đã gửi thư ngỏ để kêu gọi sự giúp đỡ của các Mạnh Thường Quân. Trước mắt, dẫu cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, nhưng chính những nụ cười hồn nhiên, sự cố gắng nỗ lực trong học tập của các cháu và sự tin cậy gửi gắm của các bậc phụ huynh sẽ là động lực để các sơ tiếp tục gắn bó với các cháu”-sơ Khúy chia sẻ thêm.

Thủy Bình

Có thể bạn quan tâm

Tặng 145 suất quà cho người dân phường Diên Hồng

Tặng 145 suất quà cho người dân phường Diên Hồng

(GLO)- Chiều 14-1, Đảng ủy-HĐND-UBND-Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Diên Hồng (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Xuân ấm áp, Tết yêu thương” nhân dịp Xuân Ất Tỵ năm 2025 nhằm trao tặng quà Tết cho hộ cận nghèo và hộ khó khăn trên địa bàn phường.

Tặng sữa cho trẻ em nghèo, khuyết tật tại Đak Pơ

Tặng sữa cho trẻ em nghèo, khuyết tật tại Đak Pơ

(GLO)- Ngày 3 và 4-1, Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Gia Lai, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi huyện Đak Pơ phối hợp với Công ty sữa TH True Milk tổ chức chương trình trao tặng sữa bột dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khó khăn, trẻ em khuyết tật trên địa bàn huyện.

Mẹ mất, em Thái Thị Mỹ Diệu (ở giữa) trở thành trụ cột gia đình và chăm sóc 2 em. Ảnh: N.N

Xót lòng 3 trẻ mồ côi

(GLO)- Mẹ qua đời, cha bỏ nhà đi , em Thái Thị Mỹ Diệu (SN 2006, hẻm 174 Nguyễn Văn Cừ, tổ 7, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) phải bỏ dở việc học để chăm sóc 2 em nhỏ.