Mắc ca Kbang và heo Broong Đức Cơ: Cơ hội mở rộng thị trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Kbang-Gia Lai” và “Heo Broong Đức Cơ-Gia Lai”. Đây là cơ hội để 2 sản phẩm đặc trưng này nâng cao sức cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Khẳng định giá trị thương hiệu

Năm 2019, gia đình ông Dương Đình Kiệt (thị trấn Kbang) quyết định đầu tư trồng gần 30 ha mắc ca. Hợp khí hậu, thổ nhưỡng và được chăm sóc tốt nên vườn mắc ca cho sản lượng 20 tấn hạt/năm. Những năm tới, sản lượng dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần. Hiện nay, ông Kiệt đã chế biến mắc ca thành phẩm để đưa ra thị trường.

Với sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN), năm 2023, ông xây dựng thương hiệu “Mắc ca Hạnh phúc” và được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

Ông Kiệt chia sẻ: “Không dừng lại ở việc xây dựng thương hiệu cá nhân, tôi luôn mong muốn sản phẩm mắc ca Kbang được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận để nâng tầm giá trị. Việc được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho những người trồng cũng như người chế biến mắc ca trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm”.

san-pham-mac-ca-hanh-phuc-duoc-cong-nhan-la-san-pham-ocop-3-sao-cap-tinh-anh-tran-dung.jpg
Sản phẩm "Mắc ca Hạnh Phúc" được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ảnh: Trần Dung

Huyện Kbang có diện tích mắc ca lớn nhất tỉnh với gần 2.824 ha. Trong đó, khoảng 258,6 ha đã cho thu hoạch, sản lượng ước tính gần 500 tấn hạt/năm. Giá tiêu thụ hạt tươi khoảng 80 ngàn đồng/kg; giá hạt mắc ca sau khi chế biến dao động ở mức 220-260 ngàn đồng/kg.

Cây mắc ca thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại huyện Kbang. Đặc biệt, mắc ca có thể trồng xen với cà phê nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Thu nhập từ cây mắc ca trồng xen trong vườn cà phê (khoảng 124 cây/ha) bình quân 50-60 triệu đồng/ha.

Theo ông Đỗ Công Trúc-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kbang: Nhằm khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, huyện Kbang đã mở rộng diện tích trồng cây mắc ca; đồng thời, tập trung thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Việc gắn trực tiếp địa danh “Mắc ca Kbang-Gia Lai” trên sản phẩm là rất cần thiết để xây dựng, quảng bá hình ảnh địa phương.

Trong khi đó, heo Broong được xem là một trong những sản phẩm đặc trưng của huyện Đức Cơ. Để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm trên thị trường, huyện phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN (Sở KH-CN) triển khai nhiệm vụ xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Heo Broong Đức Cơ-Gia Lai”.

1.jpg
Sản phẩm heo Broong một nắng đã được công nhận OCOP 3 sao. Ảnh: T.D

Ông Nguyễn Quốc Tư-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ-cho biết: Heo Broong được nuôi phổ biến trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ năm 2018, nhận thấy số lượng giống heo này càng ngày càng hiếm nên huyện đã có chính sách hỗ trợ, bảo tồn nguồn gen.

Triển khai Dự án bảo tồn và phát triển giống heo Broong Đức Cơ theo quy trình VietGAP, năm 2020, huyện đã xây dựng 30 mô hình nuôi gần 500 con heo tại một số xã trên địa bàn. Đến năm 2022, toàn huyện có khoảng 700 hộ nuôi với quy mô đàn khoảng 3.800 con heo Broong. Giá thịt heo hơi trung bình trong khoảng 100-120 ngàn đồng/kg, cao điểm lên đến 150 ngàn đồng/kg. Sản phẩm thịt heo Broong một nắng đã được công nhận OCOP 3 sao.

Ông Nguyễn Ngọc Cường-Phó Giám đốc Sở KH-CN: “Sản phẩm sau khi được bảo hộ phải tiếp tục được xây dựng, cải tiến để nâng cao chất lượng và danh tiếng. Nhà nước sẽ hỗ trợ chủ thể các chính sách theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Ngành chủ quản là Bộ KH-CN và địa phương cũng sẽ có các chính sách hỗ trợ. Chủ thể và Nhà nước cùng nhau đưa nhãn hiệu ngày càng lớn mạnh và phát triển bền vững, phục vụ tốt hơn cho người tiêu dùng, cộng đồng và góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh”.

Việc sản phẩm “Heo Broong Đức Cơ-Gia Lai” được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận là rất cần thiết trong thời điểm hiện nay, tạo điều kiện để người dân phát triển chăn nuôi, nâng cao giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Bà Mai Thị Xuân (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) vui mừng chia sẻ: “Nhà tôi nuôi heo Broong đã 10 năm nay. Giống heo này kháng bệnh tốt nên người chăn nuôi bớt được gánh nặng rủi ro do dịch bệnh.

Khi biết sản phẩm “Heo Broong Đức Cơ-Gia Lai” được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, chúng tôi rất phấn khởi. Từ đây, người chăn nuôi giống heo này trên địa bàn huyện Đức Cơ có thêm cơ hội đưa sản phẩm đặc trưng của mình tiếp cận thị trường rộng lớn hơn”.

gia-dinh-ba-mai-thi-xuan-thi-tran-chu-ty-huyen-duc-co-nuoi-heo-broong-da-10-nam-nay-va-nhan-thay-giong-heo-nay-khang-benh-tot-anh-tran-dung.jpg
Gia đình bà Mai Thị Xuân (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) nuôi heo Broong đã 10 năm nay và nhận thấy giống heo này kháng bệnh tốt. Ảnh: Trần Dung

Bước khởi đầu cho hành trình vươn xa

Việc nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Kbang-Gia Lai” và “Heo Broong Đức Cơ-Gia Lai” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc; góp phần duy trì, phát triển thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kbang khẳng định: Nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Kbang-Gia Lai” sau khi được xác lập quyền sở hữu sẽ góp phần nâng cao uy tín và khả năng tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm cho người lao động tại địa phương và tăng lợi ích kinh tế cho nhà sản xuất, kinh doanh; góp phần quảng bá hình ảnh đặc sản của huyện.

Huyện đang tập trung các giải pháp để đầu tư về đất đai, nguồn lực, lao động, đào tạo tập huấn, liên kết và tiêu thụ sản phẩm mắc ca. Đặc biệt, huyện kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, từng bước đưa cây mắc ca trở thành mặt hàng chủ lực.

“Chúng tôi đang triển khai sản xuất cây mắc ca theo hướng hữu cơ, VietGAP và tập trung xây dựng sản phẩm OCOP từ mắc ca. Khi sản phẩm mắc ca được bảo hộ thì người dân yên tâm sản xuất, từng bước thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện”-ông Trúc cho biết.

nguoi-dan-huyen-kbang-trong-va-cham-soc-mac-ca-anh-tran-dung.jpg
Người dân huyện Kbang trồng và chăm sóc mắc ca. Ảnh: Trần Dung

Bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận được xem là bước khởi đầu, là công cụ đắc lực để 2 dòng sản phẩm “Mắc ca Kbang-Gia Lai” và “Heo Broong Đức Cơ-Gia Lai” tiếp cận thị trường mạnh mẽ và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Đây cũng chính là cơ sở để tạo dựng công cụ marketing cho 2 dòng sản phẩm của tỉnh. Đồng thời, cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của địa phương theo hướng nâng cao giá trị và hiệu quả bền vững bằng việc xây dựng, phát triển nhãn hiệu chứng nhận.

Ông Nguyễn Ngọc Cường-Phó Giám đốc Sở KH-CN-nhận định: “Bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận sẽ tạo danh tiếng cho những sản phẩm mà các chủ thể đã tâm huyết xây dựng. Đây là bước khởi đầu để 2 dòng sản phẩm này góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội”.

Theo Phó Giám đốc Sở KH-CN, để sử dụng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Kbang-Gia Lai” và “Heo Broong Đức Cơ-Gia Lai” đạt hiệu quả cần hướng tới đối tượng hưởng lợi từ việc sử dụng và khai thác nhãn hiệu chứng nhận; thu hút đông đảo tổ chức, cá nhân tham gia sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.

Chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận sẽ phải tuân thủ các quy định và phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, cơ quan chuyên môn nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và kiểm soát chất lượng, nguồn gốc sản phẩm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh quảng bá, phát triển giá trị nhãn hiệu chứng nhận thông qua các kênh truyền thông.

Có thể bạn quan tâm

Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân sử dụng phân viên dúi sâu trước khi gieo sạ lúa. Ảnh: V.C

Bón phân viên dúi sâu cho cây lúa: Hiệu quả kép

(GLO)- Mặc dù mới được triển khai thí điểm song mô hình bón phân viên dúi sâu trên cây lúa tại huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã mang lại hiệu quả kép, giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất và tăng năng suất cây trồng. Vụ Đông Xuân 2024-2025, mô hình được nhân rộng ra tất cả 9 xã trong toàn huyện.

Trứng vịt thả đồng của gia đình ông Lê Văn Bé có chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Trứng vịt thả đồng trở thành sản phẩm OCOP

(GLO)- Tận dụng diện tích mặt nước và đất trồng lúa ở địa phương, ông Lê Văn Bé (thôn Đoàn Kết, xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa) đã đầu tư nuôi vịt đẻ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, nhờ chăn nuôi theo hướng an toàn, sản phẩm trứng vịt Văn Bé đã đạt chứng nhận OCOP năm 2024.

Sản phẩm bò một nắng Mười Đức (huyện Krông Pa) đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Ảnh: N.D

Chương trình OCOP: Động lực phát triển kinh tế nông thôn

(GLO)- Sau 5 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều loại nông-lâm-thủy sản đặc trưng của tỉnh được đầu tư khai thác, chế biến thành sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn của tỉnh.

Phòng-chống cháy mía

Kbang tích cực xây dựng phương án phòng-chống cháy mía

(GLO)- Để chuẩn bị tốt thu hoạch mía niên vụ 2024-2025, phòng ngừa cháy mía gây thiệt hại cho người dân, UBND huyện Kbang đã chỉ đạo các xã, thị trấn đăng ký kế hoạch thu mua mía với Nhà máy đường An Khê, đồng thời tích cực xây dựng phương án phòng-chống cháy mía.

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.

Đak Pơ hỗ trợ hộ nghèo phát triển chăn nuôi

Đak Pơ hỗ trợ hộ nghèo phát triển chăn nuôi

(GLO)- Thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từ năm 2022 đến nay, các xã, thị trấn của huyện Đak Pơ chủ động xây dựng dự án hỗ trợ bò lai sinh sản theo nhóm cộng đồng để giúp hộ nghèo và cận nghèo phát triển chăn nuôi.

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

(GLO)- Mắc ca là loại cây “kén” khí hậu nhưng khi trồng ở xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lại cho năng suất và chất lượng hạt vượt trội so với vùng đất khác và mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân địa phương trở thành triệu phú.