Lớp học tiếng Anh tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh: Khơi nguồn đam mê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với mong muốn mở thêm cánh cửa tri thức cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP. Pleiku, lớp học tiếng Anh miễn phí tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh của Câu lạc bộ (CLB) Tiếng Anh cảm hứng đã ra đời.

Vào sáng thứ bảy hàng tuần, khu vực hội trường của Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh lại trở nên rộn ràng. Tại đây, một nhóm khoảng 12-15 em cùng nhau học và luyện tập giao tiếp tiếng Anh.

Ngoài ra, các thành viên của CLB Tiếng Anh cảm hứng còn xen kẽ việc xem video, nghe nhạc và tổ chức các trò chơi nhỏ để các em dễ hình dung bối cảnh giao tiếp và rèn kỹ năng nghe nói.

lop-hoc-tieng-anh-dd.jpg
Một buổi học tiếng Anh tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh. Ảnh: H.H

Dự án lớp học tiếng Anh miễn phí dành cho các em học sinh yếu thế do chị Trần Thị Kim Phùng Thủy-Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Tiếng Anh cảm hứng khởi xướng và đảm nhận khâu tổ chức, sắp xếp lớp học.

Chia sẻ về mục tiêu của dự án, chị Thủy cho biết: “Dự án không chỉ bổ sung kiến thức tiếng Anh mà còn muốn giúp các em có hoàn cảnh đặc biệt phát triển kỹ năng xã hội thông qua các hoạt động học tập vui chơi. Đồng thời, đây cũng là nơi tạo ra môi trường rèn luyện tiếng Anh cho các thành viên CLB nói riêng và người tham gia dự án nói chung. Chúng tôi hy vọng dự án sẽ lan tỏa, khuyến khích tinh thần học tập chủ động và trao gửi tình nhân ái tới mọi người”.

Trước mỗi buổi học, các thành viên CLB cùng nhau bàn bạc, thiết kế giáo án phù hợp theo từng chủ đề, tập trung luyện cho các em kỹ năng nghe và nói tiếng Anh nhưng vẫn bám theo kiến thức có trong sách giáo khoa. Người đứng lớp chủ yếu là em Nguyễn Viết Minh-Học sinh lớp 8.1, Trường THCS Lý Tự Trọng (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku).

Minh chia sẻ: Mỗi buổi học kéo dài khoảng 1 giờ 30 phút. Ban đầu, các em còn e ngại và không dám phát biểu vì lo sợ trả lời sai. Tuy nhiên, sau khi được động viên, khuyến khích, các em dần trở nên cởi mở hơn. Trong lớp học, Minh dành phần lớn thời gian để luyện phát âm.

Các bài học được lồng ghép vào các trò chơi vui nhộn, kết hợp với những câu nói hóm hỉnh và góp ý nhẹ nhàng để giúp các em cảm thấy hứng thú và dễ tiếp thu bài hơn.

Ngoài kiến thức, lớp học còn mong muốn giúp các em rèn luyện kỹ năng có ý thức trách nhiệm với việc học của bản thân. Minh và các thành viên CLB đều mong muốn giúp các bạn học sinh yêu thích môn học hơn để lan tỏa niềm đam mê tiếng Anh đến với mọi người.

22.jpg
Ngoài việc truyền tải kiến thức cho các em nhỏ, các tình nguyện viên còn in sách, mua phụ kiện học tập, mua quà khen thưởng để động viên các em (ảnh nhân vật cung cấp)

Điểm đặc biệt của lớp học này là các em được giao tiếp bằng tiếng Anh với các tình nguyện viên người nước ngoài. Đây là những tình nguyện viên nông nghiệp tới từ các nước Anh, Đức... đang tham gia trải nghiệm quy trình làm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Lớp học cũng sẵn sàng đón chào bất cứ ai có nhu cầu trải nghiệm dạy tiếng Anh cho các em tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh.

Để các buổi học thú vị hơn và không gây áp lực cho các em nhỏ, CLB đã áp dụng phương pháp “vừa học vừa chơi”. Thông qua đó, các em vừa được vui chơi, vừa học thêm từ vựng, tăng khả năng nghe và nói. Nhờ vậy, các em nhỏ có thêm hứng thú khi tham gia lớp học.

Em Rơ Mah Khanh (12 tuổi, Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh) phấn khởi nói: “Ở trên lớp, em được học tiếng Anh nhưng khả năng tiếp thu bài còn chậm. Em rất mong chờ đến thứ bảy để được các anh chị dạy tiếng Anh. Em rất vui và rất thích học vì ở đây tụi em được chơi các trò chơi, được tham gia cắm hoa, tham gia các hoạt động trải nghiệm. Bây giờ, em đã thuộc và biết nhiều từ vựng, có thể giao tiếp tiếng Anh cơ bản với bạn bè”.

Chị Thủy cho biết thêm: “Trong mỗi buổi học, chúng tôi động viên, khuyến khích các em thường xuyên sử dụng tiếng Anh. Điều này không chỉ giúp chúng tôi chỉnh sửa cách phát âm cho các em, mà còn giúp các em mạnh dạn hơn trong giao tiếp.

Đồng thời, chúng tôi cũng tăng cường sử dụng tiếng Anh trong lúc dạy và lúc trò chuyện để tạo thói quen nghe và trả lời nhanh cho các em. Lớp học không đơn thuần là việc dạy tiếng Anh mà còn trang bị thêm kỹ năng mềm như cách giao tiếp cho các em”.

Ngoài việc đứng lớp để truyền tải kiến thức, các thành viên còn in sách, mua phụ kiện học tập, mua quà khen thưởng để động viên các em. Tất cả kinh phí đều do các thành viên vận động, đóng góp.

Chia sẻ về kế hoạch trong thời gian tới, chị Thủy cho hay: “Hiện tại, dự án chỉ mới triển khai tại TP. Pleiku. Khi dự án hoạt động tốt và nguồn nhân lực ổn định, chúng tôi sẽ mở rộng ra một số địa phương trong tỉnh để giúp nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được tiếp cận với tiếng Anh”.

Có thể bạn quan tâm

"Bữa sáng yêu thương" do Đoàn phường Cheo Reo triển khai đã giúp các em học sinh nghèo thêm yêu trường, mến lớp, đi học chuyên cần. Ảnh: V.C

Mang "Bữa sáng yêu thương" đến với học sinh nghèo

(GLO)- Những “Bữa sáng yêu thương” do tuổi trẻ phường Cheo Reo (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) triển khai tại 2 điểm lẻ của Trường Mầm non Hoa Hồng đã và đang lan tỏa tình yêu thương, giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên, tiếp tục gắn bó với trường lớp.

Tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn giao thông trước cổng trường

Tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn giao thông trước cổng trường

(GLO)- Trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn còn nhiều trường học có cổng ra vào nằm cạnh đường quốc lộ và tỉnh lộ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) rất cao. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần triển khai các giải pháp nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến học sinh.

Trường học hạnh phúc

Trường học hạnh phúc

Một “trường học hạnh phúc”, không chỉ ở trường lớp khang trang, cảnh quan đẹp, trang thiết bị hiện đại, mà quan trọng nhất, phải là nơi học sinh, giáo viên, cán bộ nhân viên thấy an toàn, được yêu thương, tôn trọng, hăng say giảng dạy và học tập.

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học: Nhiều hệ lụy

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học, nhiều hệ lụy

(GLO)- Những bức tường bám đầy rong rêu, thiết bị vệ sinh bám bẩn ố vàng, bốc mùi khó chịu, quá tải… là hiện trạng chung đang diễn ra tại không ít trường học đứng chân trên địa bàn các xã ở tỉnh Gia Lai. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe, tâm lý của học sinh lẫn mỹ quan học đường.

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

Giáo viên mầm non là nghề đặc thù, đòi hỏi có sức khỏe, sự dẻo dai, linh hoạt để đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình chăm sóc, dạy dỗ. Do đó, nhiều nhà giáo ủng hộ đề xuất cho nhà giáo ở bậc học này nghỉ hưu ở tuổi 55.