Linh thiêng Thành cổ!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trung tuần tháng 6-2014, tôi cùng các anh chị học viên lớp bồi dưỡng chương trình chuyên viên cao cấp khóa IV tại cơ sở Học viện Hành chính miền Trung (Huế) có chuyến đi thực tế tại tỉnh Quảng Trị. Tất nhiên, địa chỉ chúng tôi đến đầu tiên là khu di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị.
 

Thả hoa trên sông Thạch Hãn. Ảnh: K.N.B
Thả hoa trên sông Thạch Hãn. Ảnh: K.N.B

Đang bon bon trên quốc lộ 1 phẳng phiu rộng rãi, chiếc xe chở chúng tôi bỗng chạy chậm lại và giọng anh hướng dẫn viên cất lên: “Thưa các anh chị! Chúng ta đi vào địa phận Thành cổ Quảng Trị. Ít phút nữa thôi, mọi người sẽ tiến hành nghi lễ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc”.

Trưa Quảng Trị nắng gió bạt mặt người. Tuy nhiên, không ai bảo ai tất cả chúng tôi đều bỏ mũ nón và chỉnh đốn trang phục khi tới trước cánh cổng dẫn vào khu di tích. Sau vài phút chuẩn bị, chúng tôi xếp thành hai hàng dọc từ từ tiến vào khu vực đài tưởng niệm. Đài được đắp nổi bằng đất có hình một nấm mồ chung, bốn phía gia cố xi măng tạo thành hình bốn cửa của Thành cổ, phía trên là nơi đặt một chiếc lư đồng lớn để mọi người thắp hương tưởng niệm. Lòng “nấm mồ” rỗng có 2 trục đường chính giao nhau về bốn phương.

 

Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Duy Danh
Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Duy Danh

Về mặt tâm linh thì đây là nơi hội tụ linh hồn của các chiến sĩ tứ phương về nấm mồ chung này. Ở chính giữa là nơi đặt hành trang người lính: chiếc mũ tai bèo, đôi dép cao su, bi đông nước, khẩu súng AK và chiếc ba lô. Khoảng cách từ cổng vào đài tưởng niệm hơn 100 mét nhưng đoàn người vẫn chầm chậm bước trong thinh lặng như sợ chạm vào giấc ngủ các anh linh.

Sau khi vượt qua mấy chục bậc cấp và thắp nén tâm hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, tôi tranh thủ đưa mắt quan sát cảnh vật xung quanh. Trong cái nắng hanh hao của vùng đất gió Lào cát trắng, từng khóm cây ngọn cỏ như có linh hồn, nghe trong thinh không vẳng lại lời ca khúc “Cỏ non Thành cổ” của nhạc sĩ Tân Huyền: Cỏ non Thành cổ một màu xanh non tơ/Bình minh Thành cổ cỏ mềm theo gió đung đưa/Cỏ non Thành cổ một màu xanh non tơ/Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ/Người mẹ nào ngậm ngùi nuốt lệ/ Khi chồng con không trở về...

Đúng vậy, đằng sau màu xanh non tơ kia là máu của hơn một vạn chiến sĩ cả nước cùng với quân dân Quảng Trị anh hùng trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm (từ ngày 28-6 đến 16-9-1972) đánh trả hàng trăm đợt tấn công của Mỹ-ngụy để giữ từng tất đất thiêng liêng Thành cổ vừa được giải phóng. Cùng chúng tôi rảo bước dọc theo những ô cỏ được chăm sóc cẩn thận, anh hướng dẫn viên của khu di tích cho biết: “Trong 81 ngày đêm, Mỹ-ngụy đã huy động hơn 5 vạn binh lính tham chiến và đã ném xuống đây 328 ngàn tấn bom, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hirosima (Nhật Bản) năm 1945”. Tuy vậy, bom đạn địch không thể khuất phục tinh thần chiến đấu quả cảm của quân dân ta. Đặc biệt, trong số những anh hùng liệt sĩ hy sinh tại đây có không ít sinh viên như Nguyễn Văn Thạc quyết định “xếp bút nghiên” tình nguyện lên đường vào Nam chiến đấu.

 

Ảnh: Duy Danh
Ảnh: Duy Danh

Bên phải đài tưởng niệm là khu trưng bày những hiện vật liên quan đến cuộc chiến đấu 81 ngày đêm quyết giữ Thành cổ của chiến sĩ và đồng bào ta. Trong số hàng trăm bức ảnh tư liệu được trưng bày ở đây có 2 bức ảnh thể hiện một cách trọn vẹn tinh thần quả cảm của chiến sĩ Thành cổ. Bức thứ nhất ghi lại hình ảnh một chiến sĩ bị thương đầu quấn băng trắng nhưng vẫn không rời trận địa. Bức ảnh thứ hai thể hiện nụ cười thách thức bom đạn địch của các chiến sĩ ta. Mỗi hình ảnh, hiện vật là một câu chuyện, thậm chí là một huyền thoại về những người lính bảo vệ Thành cổ cách đây hơn 40 năm. Đó là hình ảnh chiến sĩ Phan Văn Ba bị giập nát một bàn tay vẫn xin ở lại chiến đấu hay Anh hùng Hán Duy Long dùng trung liên kẹp nách truy kích diệt 58 tên địch...

Họ là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng được các thế hệ tiếp nối tôn thờ. Bởi vậy, tại đây còn lưu giữ những cuốn sổ ghi lại cảm nghĩ của đồng bào, đồng chí cả nước mỗi khi đến Thành cổ. Trong số những dòng lưu bút được ghi trong thời gian gần đây, tôi chú ý đến những dòng chữ được thể hiện một cách trang trọng, nắn nót của TS. Hoàng Ngọc Thanh-nguyên Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam: “Chúng tôi rất xúc động, kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, đồng bào, đồng chí đã hy sinh bảo vệ Thành cổ”.
 

những dòng chữ được thể hiện một cách trang trọng, nắn nót của TS. Hoàng Ngọc Thanh-nguyên Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam:
Những dòng chữ được thể hiện một cách trang trọng, nắn nót của TS. Hoàng Ngọc Thanh-nguyên Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.

Tạm biệt Thành cổ, chúng tôi hướng về phía dòng Thạch Hãn. Đứng ở bến sông bờ Bắc, tôi tần ngần nhìn xuống dòng nước trong xanh lững lờ trôi về phía biển. Ngày trước, từ bến nước này, hàng vạn chiến sĩ ta bất chấp mưa bom bão đạn, dũng cảm vượt sông hướng về Thành cổ, máu xương của họ hòa vào dòng Thạch Hãn để đất nước nở hoa độc lập. Để rồi trong một lần về thăm lại dòng Thạch Hãn, Lê Bá Dương-một chiến sĩ Thành cổ nghẹn lòng nhắn gửi: “Đò qua Thạch Hãn ơi...chèo nhẹ/Dưới sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm...”.       

Duy Danh

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.