(GLO)- Từ ngày 1 đến 3-12, tại xã Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah) sẽ diễn ra “Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya” do UBND huyện Chư Pah tổ chức. Đây là lễ hội du lịch mang tên một loài hoa đặc hữu nổi tiếng Tây Nguyên nên được nhiều người quan tâm.
Ảnh internet |
Tây Nguyên, đặc biệt là Gia Lai, cứ cuối thu, đầu đông, nắng bừng lên tiễn biệt 6 tháng mưa dầm. Cùng lúc, dã quỳ, loài hoa dại, mọc hoang vàng rực khắp các sườn đồi. Đất trời giao mùa xao xuyến, nắng lung linh, trời se lạnh, năm sắp hết, cảnh sắc tạo cho lòng người xốn xang, lãng mạn khó nói hết. Mùa này miền Bắc đang giá rét, mưa phùn, gió bấc; miền Trung mưa bão dập dồn thì Tây Nguyên thật rực rỡ, tươi đẹp. Mưa vừa dứt, nắng đầu mùa óng ngọt; sản vật Tây Nguyên như cà phê, mía đường, khoai mì... bước vào kỳ thu hoạch. Dã quỳ nở rực trời, nở hết mình, để rồi lụi tàn trong nắng, chuyển chu kỳ tái sinh. Mỗi năm Tây Nguyên có 2 bận giao mùa, tháng 11 và tháng 3-4, song giao mùa từ mưa sang nắng tỏ rõ sự viên mãn, no đầy, phát tiết, rạo rực khắp đất trời.
Mùa hoa dã quỳ là biểu tượng tròn đầy nhất của Tây Nguyên khai mãn, phồn thịnh. Mùa đẹp nhất của năm.
Ai đã từng sống ở Tây Nguyên hoặc đến Tây Nguyên mùa này đều lưu luyến, xôn xao bởi vẻ thanh tú của thiên nhiên, đến nỗi có người phải thảng thốt “Yàng ơi, Pleiku sáng nay đẹp quá!”. Tuy nhiên, trời đất bao giờ cũng đỏng đảnh, đan xen những ngày như mơ, như tiên cảnh, tiết giao mùa bất chợt gió buốt xào xạc, rát mặt. Mà đâu phải gió một buổi, một ngày, có khi vài ba ngày. Gió hun hút, phần phật khiến cỏ cây ngã rạp, con người ngao ngán không muốn ra đường.
Nói như thế để thấy rằng việc tổ chức lễ hội hoa dã quỳ vào đầu tháng 12 này, với cách làm như hiện nay của Chư Pah là quá tùy thuộc thiên nhiên, chưa rõ hên xui. Năm ngoái mùa dã quỳ, hàng ngàn bạn trẻ phượt Chư Đăng Ya, vậy là năm nay tổ chức lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya. Để chuẩn bị cho lễ hội hoa này, huyện Chư Pah đã đầu tư gì cho thiên nhiên ở đây? Đã có ý kiến râm ran, rằng với dự toán 500 triệu đồng cho lễ hội này, không rõ Ban tổ chức làm được gì, liệu có tương xứng với lễ hội hoa này?
Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Phan Xuân Vũ cho biết: Đây là lễ hội do cấp huyện tổ chức, làm thử để rút kinh nghiệm. Ủy ban nhân dân huyện Chư Pah chủ trì, ngành Văn hóa và Công thương chỉ tham mưu.
Nhìn vào quá trình chuẩn bị, sự phập phù của thiên nhiên, cùng với thực tế mùa màng ở Chư Đăng Ya, nhiều người quan tâm không khỏi âu lo cùng Ban tổ chức lễ hội. Một lễ hội hoa cần được đầu tư từ trước, có kế hoạch, có kịch bản chi tiết từ bối cảnh lễ hội, thời gian cụ thể, khoa học. Hoa dã quỳ ở Chư Đăng Ya bắt đầu nở ngày nào, tồn tại bao lâu, thời điểm nào thì đẹp nhất? Đi xem hoa giờ nào của ngày là đẹp? Vị trí nào ngắm cảnh, ngắm hoa? Cuộc sống của cư dân quanh vùng làm gì để cộng hưởng vào nét đẹp thiên nhiên. Bối cảnh và những chủ nhân mảnh đất này sẽ quyết định sự thành bại của lễ hội.
3 ngày ở lễ hội hoa dã quỳ tới đây có ý nghĩa quan trọng với uy tín, thương hiệu một loài hoa của Tây Nguyên, với du lịch Gia Lai chứ không đơn thuần khu biệt thành bại một hoạt động du lịch của huyện Chư Pah. Nếu thành công nó sẽ là điểm nhấn quan trọng để Gia Lai tự tin quảng bá ngành du lịch vốn quá ọp ẹp, bằng thất bại, du lịch Gia Lai sẽ loay hoay với sự ăn xổi thiên nhiên, đầu tư manh mún như lâu nay.
Chưa đến ngày 1-12, song các phương tiện thông tin đại chúng cũng như dư luận hết sức quan tâm đến lễ hội hoa dã quỳ Chư Đăng Ya. Tổ chức sau khi Lâm Đồng đã thành công với lễ hội hoa hàng năm ở thành phố du lịch nổi tiếng Đà Lạt, sẽ là thách thức lớn đối với UBND huyện Chư Pah. Theo chúng tôi, lễ hội hoa dã quỳ năm nay nên làm bài bản, phải thành công, không thể thử nghiệm, không được thất bại. Nếu mất thương hiệu, sẽ khó khôi phục lễ hội hoa dã quỳ nữa, bởi sức lan tỏa của dư luận hiện nay hoàn toàn khác thời xưa.
Thiển nghĩ, ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh nên xem đây là việc sống còn của ngành mà bắt tay cùng tổ chức cho thành công lễ hội này. Du khách đến lễ hội không quan tâm là huyện, xã hay tỉnh tổ chức mà quan tâm đến nhu cầu của họ được thỏa mãn đến đâu. Vì thế cần chuẩn bị chu đáo, bài bản, tránh sơ sài, “ăn may”. Dự phòng các phương án đỏng đảnh của thiên nhiên, kể cả địa điểm thưởng ngoạn hoa dã quỳ cho du khách. Hoa thì nở khắp đất trời Tây Nguyên nhưng người ta không thể bỏ tiền, bỏ thời gian vào chỗ không xứng tầm lễ hội.
Nhật Cường