“Làng văn hóa” trong trường nội trú huyện Ia Grai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Thầy và trò Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) cùng gia đình các em học sinh vừa tạo nên ngày hội thấm đẫm phong vị văn hóa các dân tộc. Đây là năm thứ hai nhà trường tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc giúp học sinh đến gần hơn với di sản.

Hiểu để yêu văn hóa dân tộc

Màn trình diễn cồng chiêng của học sinh Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Ia Grai trước khuôn viên nhà rông là kết quả sau một thời gian luyện tập miệt mài, say sưa. Đông đảo phụ huynh chứng kiến màn trình diễn ấy không khỏi thích thú, xúc động. Các em học sinh cũng không giấu niềm tự hào và hứng khởi.

Trong ngày hội này, các em là nhân vật chính của mọi hoạt động, thỏa thích vui chơi và thể hiện những gì mình hiểu biết về văn hóa dân tộc.

Sôi động nhất ngày hội là không gian các trò chơi dân gian. Từ trò bịt mắt đập niêu, nhảy bao bố đến trò chơi ô ăn quan, các em đều hết sức hào hứng. Bên cạnh đó, những bức vẽ của học sinh được lồng khung kính trang trọng, trưng bày dọc lối đi khiến không gian thêm phần sinh động. Những nét vẽ có khi ngây ngô, hồn nhiên nhưng thấm hơi thở cuộc sống.

Không gian các trò chơi dân gian. Ảnh: M.C

Không gian các trò chơi dân gian. Ảnh: M.C

Em Ksor Thư (lớp 6) là tác giả bức tranh về người phụ nữ giã gạo dưới hiên nhà sàn, bên dưới tán cây kơ nia tỏa bóng tròn như quả trứng gà. Em giới thiệu: “Đây là không gian làng O (xã Ia O) của em. Còn bóng cây kơ nia thì em nghe người già tả lại và vẽ theo tưởng tượng. Mỗi tuần em về nhà 1 lần nên đây là bức vẽ về nỗi nhớ làng của em”.

Cũng tại ngày hội, Câu lạc bộ Đan móc len của trường giới thiệu các sản phẩm thủ công của học sinh. Em Rơ Mah Thư-Học sinh lớp 8, thành viên Câu lạc bộ-hào hứng: “Thành viên Câu lạc bộ có các bạn người Jrai, Bahnar, Mường… Ai cũng khéo tay, móc được túi xách, hoa tai, móc khóa, băng đô cài đầu.

Tại ngày hội, các sản phẩm được bán gần hết. Đây là năm thứ hai nhà trường tổ chức ngày hội. Em được tham gia các trò chơi của các dân tộc phía Bắc như nhảy sạp, thưởng thức món ăn ngon. Học sinh dân tộc nào cũng mặc trang phục truyền thống rất đẹp”.

Học sinh hòa tấu nhạc cụ dân tộc trong đêm hội. Ảnh: M.C

Học sinh hòa tấu nhạc cụ dân tộc trong đêm hội. Ảnh: M.C

Còn em Siu H’Trà My (lớp 6) thì cho hay: “Nhà em ở xã Ia Khai. Đây là năm đầu tiên em vào học nội trú và rất thích các hoạt động ở trường. Ngoài kiến thức, em còn tham gia trồng rau, được dạy móc len, hát dân ca, vẽ tranh và nhiều hoạt động văn hóa khác. Em rất vui khi được học tập và sinh hoạt cùng các bạn học sinh dân tộc khác. Ngày hội là dịp để học sinh toàn trường thể hiện năng khiếu và hiểu biết của mình về văn hóa”.

“Làng văn hóa” nội trú

Sáng kiến tổ chức ngày hội văn hóa dân tộc của Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Ia Grai nhận được sự ủng hộ hết mình của phụ huynh lẫn học sinh. Một dãy nhà rông, nhà sàn do phụ huynh học sinh thuộc 11 xã, thị trấn dựng nên ở một góc khuôn viên tạo không gian văn hóa đặc trưng. Sự xuất hiện của cối giã gạo, các loạt hạt giống, bếp lửa, chiêng, trống… mang đến không gian sinh hoạt quen thuộc của mỗi ngôi nhà.

Ông Phạm Văn Đại-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ia Grai: “Trường THCS Dân tộc nội trú huyện tổ chức nhiều hoạt động sáng tạo nhằm giáo dục truyền thống văn hóa cho học sinh. Khơi dậy tình yêu với văn hóa cho học sinh cũng là khơi dậy lòng yêu nước, yêu quê hương. Thế hệ trẻ bằng tri thức, tình yêu di sản sẽ càng có ý thức trách nhiệm bảo tồn và phát huy vốn quý của cha ông”.

Anh Puih Hoeng (làng Kmông, xã Ia Tô) cho biết: “Nhà trường tổ chức nhiều hoạt động khuyến khích học sinh gìn giữ di sản văn hóa và chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ. Xã có hơn 10 gia đình có con đang học nội trú, mỗi gia đình góp một ít vật liệu để làm mô hình nhà rông.

Ngoài dựng nhà rông truyền thống, tôi còn tự tay làm một cây nêu. Đời sống của người Jrai không tách rời với nhà sàn và các lễ hội truyền thống. Tôi mong muốn các con không quên điều này”.

Anh Hoeng cho biết thêm: Con gái lớn là Siu Hoa từng học tại Trường THCS Dân tộc nội trú huyện. Hiện nay, Siu Hoa đã tốt nghiệp Trường Đại học Quy Nhơn. Con gái nhỏ là Siu Sen đang học lớp 6.

“Tôi rất an tâm khi con được học tập trong môi trường này, vừa được học kiến thức, vừa được giáo dục truyền thống văn hóa rất tốt”-anh nói.

Không gian ẩm thực. Ảnh: M.C

Không gian ẩm thực. Ảnh: M.C

Tại ngày hội, không gian ẩm thực truyền thống của các dân tộc Jrai, Bahnar, Mông, Mường, Tày, Nùng… do phụ huynh đảm trách luôn thu hút sự quan tâm của nhiều người. Mỗi dân tộc đều có những món ẩm thực đặc sắc, hấp dẫn.

Bà Lê Thị Hương (dân tộc Mường, làng Organg, xã Ia Pếch) cho biết: “Người Mường có những món truyền thống như: môn nấu da trâu, thịt gà nấu măng chua… Tại ngày hội này, chúng tôi muốn giới thiệu truyền thống văn hóa của dân tộc Mường qua món ăn. Để dù sinh sống ở đâu, con cháu chúng tôi vẫn nhớ về nó, biết chế biến nó và luôn tự hào với bản sắc của dân tộc mình”.

Trò chuyện cùng P.V, thầy Trần Anh Vũ-Phó Hiệu trưởng nhà trường-thông tin: Trường có 150 học sinh thuộc 8 dân tộc. Nhà trường tổ chức ngày hội nhằm tạo cơ hội cho học sinh tìm hiểu về bản sắc văn hóa mỗi dân tộc, khuyến khích các em thể hiện năng khiếu, tham gia các trò chơi, văn nghệ, tìm hiểu văn hóa của dân tộc mình. Từ đó tạo cho các em sự hứng thú trong học tập và tham gia các hoạt động khác.

Có thể bạn quan tâm

Giáo dục lịch sử bằng “mắt thấy, tai nghe”

Giáo dục lịch sử bằng “mắt thấy, tai nghe”

(GLO)- Những con số của sử liệu thường khô cứng, vì thế không gì dễ đi vào lòng người bằng bài học lịch sử trực quan, sinh động, bằng “mắt thấy, tai nghe”. Một khi tình yêu quê hương đất nước được bồi đắp, trách nhiệm của mỗi công dân với Tổ quốc cũng được nhân lên.

Khẳng định quan điểm giáo dục “lấy trẻ em làm trung tâm”

Khẳng định quan điểm giáo dục “lấy trẻ em làm trung tâm”

(GLO)- Để tiệm cận với giáo dục quốc tế và phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục mầm non (GDMN), đồng thời lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo hồ sơ liên quan.