Làng Ring chuyển mình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ sự cần cù và nghị lực vượt khó của tuổi trẻ, những thửa đất hoang hóa, khô khát ở miền biên viễn Ia Mơr (huyện Chư Prông, Gia Lai) ngày nào giờ đã trở thành làng Ring trù phú. Làng hiện có 70 hộ dân thì có chừng đó máy cày trị giá hơn 100 triệu đồng/chiếc, 7 hộ dân mua được xe ô tô trị giá vài trăm triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng.
Một thời gian khổ 
Biên giới Ia Mơr mùa này nắng rát da, rát thịt. Hai bên con đường từ trung tâm huyện Chư Prông lên xã Ia Mơr, cây cối trơ trụi, khô quắt. Nhiều khoảnh rừng bị cháy nham nhở, trên mặt đất còn trơ lớp tro đen sì. Gió thổi ràn rạt. Bụi đỏ lẫn tro đen bay mù trời. Ngồi xe máy, áo quần chúng tôi bám đầy bụi đất, mồ hôi vừa ứa đã khô.
Sau hành trình đầy mệt nhọc, chúng tôi có mặt tại điểm trường làng Ring của Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (xã Ia Mơr). Ngồi đợi đến giờ học sinh tan lớp, chúng tôi được thầy Trần Thanh Nhàn-người dạy học nơi đây đã 3 năm-đưa tới gặp Trưởng thôn Phạm Văn Hiển. Anh Hiển chia sẻ: “Làng Ring trước đây gọi là làng Thanh niên lập nghiệp Ia Mơr thuộc dự án của Trung ương Đoàn. Làng được thành lập năm 2005 với mục đích phát triển kinh tế-xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng-an ninh khu vực biên giới. Những thanh niên tình nguyện lên ở lại làng được cấp nhà ở và đất sản xuất. Đầu năm 2007, có 8 thanh niên lên đây lập nghiệp, tôi là một trong số đó. Năm 2009, làng có 130 hộ nhưng nay chỉ còn 70 hộ. Hiện làng được bàn giao lại cho UBND xã Ia Mơr với tên gọi là làng Ring”.
Đường giao thông qua làng Ring được đổ bê tông góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Ảnh: N.T
Đường giao thông qua làng Ring được đổ bê tông góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Ảnh: N.T
Trò chuyện với một số người dân, những thắc mắc của chúng tôi về việc gần nửa số hộ tham gia xây dựng làng Ring buổi đầu đã bỏ đi nơi khác cũng dần được giải đáp. Anh Lê Văn Hồng kể: “Gia đình tôi ở huyện Phú Thiện. Năm 2008, khi nghe thông tin tuyển người lên xây dựng làng Thanh niên lập nghiệp, tôi liền xung phong. Những ngày đầu lên đây, cuộc sống của chúng tôi khó khăn trăm bề. Toàn thân tôi bị lở loét do muỗi, ruồi, vắt cắn và do tắm suối. Đêm ngủ nghe tiếng thú rừng mà rợn người. Lúc đó, tôi nản lắm, cũng đã lên kế hoạch trong đầu là trở lại Phú Thiện. Dưới đó dù có khó khăn nhưng còn sướng gấp bội lần trên này. Sau rồi thấy mọi người làm được, bám trụ được, máu thanh niên trỗi dậy, thế là tôi quyết tâm bám làng. Hàng ngày, chúng tôi mài dao và cuốc cho sắc rồi ra đồng chặt cây, cuốc đất làm ruộng. Trước đây, vùng này là rừng khộp và có rất nhiều bụi le, nắng thì bụi mù trời, mưa thì ngập nước. Mất mấy ngày, tôi mới đào xong 1 bụi le để làm ruộng trồng lúa nước. Vì khổ quá nên nhiều hộ bỏ làng về lại chỗ cũ hoặc đi nơi khác làm ăn”.
 Nhớ lại thời kỳ đầu mới lên làng Ring, ông Vũ Xuân Trăng-Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ia Mơr-bồi hồi: “Tôi xung phong lên đây từ năm 2008. Hồi mới lên, cuộc sống cực kỳ gian khó. Mọi người thường xuyên ăn cơm với rau rừng, muốn ăn cá hoặc thịt thì phải vài ngày mới có 1 lần nhưng phải bơi qua sông. Thi thoảng những người bán hàng rong từ Đak Lak chở thực phẩm đến bờ sông cách làng khoảng 10 km rồi chờ chúng tôi bơi sang mua. Có người suýt đuối nước khi bơi qua sông mua thức ăn. Tôi nhớ nhất kỷ niệm một lần đi xin rau cho mọi người. Vì trên làng hết thức ăn, ngay rau muống được anh em thả tự mọc ở suối cũng hết, tôi và một người bạn băng 17 km đường rừng xuống trung tâm xã Ia Mơr xin cây chuối về để ăn. Chuyến đó, chúng tôi đi và về hết 2 ngày. Thời kỳ mới xây dựng làng còn có nhiều vấn đề khó khăn như thiếu nước sạch, nhiều hộ dân được hỗ trợ kinh phí xây nhà kiên cố phải mua từng thùng phuy nước về dùng”.
Trù phú làng vùng biên
Sau 14 năm thành lập, làng Ring đã có bước chuyển mình mạnh mẽ về mọi mặt, khiến nhiều người lâu ngày trở lại nơi đây phải ngỡ ngàng. Có được thành quả đó, ngoài ý chí kiên cường vượt khó của các hộ dân thì còn phải kể tới sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền. Hiện nay, điện lưới đã được kéo về từng nhà dân, đường giao thông đã được bê tông hóa, có hệ thống điện chiếu sáng. Trạm Y tế quân dân y kết hợp cũng đã được xây dựng giữa làng để chăm sóc sức khỏe của người dân. Tại làng cũng có 1 điểm trường để dạy dỗ con em người dân.
Mô hình trồng cây ăn quả của anh Trưởng. Ảnh: Ngọc Sang
Mô hình trồng cây ăn quả của anh Trưởng. Ảnh: Ngọc Sang
Cùng với cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, đời sống của người dân làng Ring cũng ngày càng khấm khá. Cánh đồng lúa nước 2 vụ rộng hơn 40 ha cho năng suất cao và ổn định. Cây mì, cây mía cũng đã bén rễ trên vùng đất này giúp người dân có thêm nguồn thu nhập. Nhiều hộ dân trong làng đã trở thành những điển hình làm kinh tế giỏi. Trưởng thôn Phạm Văn Hiển là một ví dụ. Gia đình anh hiện có hơn 10 ha đất sản xuất. Anh cũng đã mua 2 máy gặt đập lúa liên hợp để vừa phục vụ sản xuất, vừa làm dịch vụ. Đến vụ thu hoạch, 2 chiếc máy này làm không hết việc. Ăn nên làm ra, gia đình anh Hiển đã mua được cả ô tô bán tải trị giá hơn 1 tỷ đồng. Cuối năm 2018, anh và 16 hộ dân thành lập Hợp tác xã Nông-Lâm nghiệp và Dịch vụ Thanh Niên chuyên kinh doanh vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản, san ủi đất…
Ngoài anh Hiển, những hộ dân làng Ring làm kinh tế giỏi còn phải kể đến anh Phạm Văn Hiền-chủ một cây xăng ngay tại làng; anh Nguyễn Văn Trưởng-người có gần 10 ha đất, trong đó 5 ha đang trồng các loại cây ăn quả như xoài, chanh dây, bưởi, mít, điều; anh Nguyễn Xuân Chinh-người có thu nhập hàng năm vài trăm triệu đồng từ sản xuất nông nghiệp. “Trước đây, cuộc sống của gia đình tôi nói riêng và dân làng nói chung gặp nhiều khó khăn nhưng nay đỡ nhiều rồi. Đất đai trên này cũng không đến nỗi cằn cỗi, nếu chăm chỉ làm ăn thì sẽ có thu nhập ổn định. Hiện tôi đã mua được 1 ngôi nhà ở TP. Pleiku để cho con gái đầu đang học THPT ở. Tôi cũng gửi 1 cháu trai qua TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đak Lak) học bậc THCS. Mỗi tháng, gia đình tôi phải chi trả khoảng 5 triệu đồng chi phí ăn học của cháu”-anh Chinh tâm sự.
Ông Rơ Lan Chim-Chủ tịch UBND xã Ia Mơr-cho biết: “So với 4 làng còn lại của xã, làng Ring dẫn đầu về mọi mặt. Làng có nhiều hộ giàu và chỉ còn 1 hộ nghèo. Hộ nghèo này là người cao tuổi đến ở với con rồi tách ra riêng. Dân làng Ring đều có nhà ở kiên cố”.
 NGUYỄN TÚ-NGỌC SANG

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Công bố 3 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực tài sản kết cấu hạ tầng chợ

Gia Lai: Công bố 3 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực tài sản kết cấu hạ tầng chợ

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Quyết định số 783/QĐ-UBND về việc công bố danh mục gồm 3 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực tài sản kết cấu hạ tầng chợ do nhà nước đầu tư, quản lý thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công thương, UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Phòng-chống cháy mía

Kbang tích cực xây dựng phương án phòng-chống cháy mía

(GLO)- Để chuẩn bị tốt thu hoạch mía niên vụ 2024-2025, phòng ngừa cháy mía gây thiệt hại cho người dân, UBND huyện Kbang đã chỉ đạo các xã, thị trấn đăng ký kế hoạch thu mua mía với Nhà máy đường An Khê, đồng thời tích cực xây dựng phương án phòng-chống cháy mía.

Đak Đoa điều chỉnh giảm dự toán vốn thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 4 Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn hơn 300 triệu đồng. Ảnh Hà Duy.

Đak Đoa điều chỉnh vốn sự nghiệp thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững

(GLO)- Hội đồng nhân dân huyện Đak Đoa vừa ban hành Nghị quyết số 26/NQ-HĐND về việc điều chỉnh dự toán vốn sự nghiệp chưa giải ngân hết trong năm 2023 đã được chuyển nguồn sang năm 2024 và điều chỉnh dự toán vốn sự nghiệp năm 2024 thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (đợt 2).

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Mùa cà phê chín đỏ

Mùa cà phê chín đỏ

(GLO)- Dưới ánh nắng rực rỡ của những ngày cuối tháng 11, trên khắp các vườn cà phê chín đỏ, không khí thu hoạch rộn rã hơn. Năm nay, bà con nông dân đón mùa vụ với sự hân hoan lớn khi lần đầu tiên cà phê có một mức giá cao nhất lịch sử.