Làng biển nổi tiếng nhờ bích họa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Làng Trung Thanh. Một doi đất nằm kẹp giữa phía Đông là biển, phía Tây là “dòng sông chảy ngang” Trường Giang thuộc xã miền biển Tam Thanh (TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Ngôi làng như xẻ làm đôi bởi con đường Thanh Niên ven biển được làm từ sau ngày giải phóng.

Bao đời nay, người dân làng Trung Thanh chỉ quen với ngư nghiệp, khó khăn và lặng lẽ như bao làng biển miền Trung. Vậy mà, bỗng chốc, chỉ chưa đầy 1 tháng gần đây, làng Trung Thanh trở nên nổi tiếng nhờ những bức tranh tường được vẽ bởi những họa sĩ đến từ Hàn Quốc và giảng viên, sinh viên các trường nghệ thuật của Việt Nam.

 

Vợ chồng anh Võ Đức, chị Tường Vy cùng hai con nhỏ bên bức họa do các họa sĩ Hàn Quốc vẽ chính gia đình mình.
Vợ chồng anh Võ Đức, chị Tường Vy cùng hai con nhỏ bên bức họa do các họa sĩ Hàn Quốc vẽ chính gia đình mình.

Rộn rịp làng bích họa

Gõ vào công cụ tìm kiếm Google cụm từ “Làng bích họa Tam Thanh”, chỉ trong 0,56 giây cho ra khoảng 132.000 kết quả. Trong khi, trước đó chừng 1 tháng, cụm từ này chưa từng xuất hiện trên Google. Qua đó để thấy rằng, những bức bích họa (tranh vẽ trên tường - PV) đã làm đổi thay xã Tam Thanh như thế nào.

Một ngày giữa cuối tháng 7-2016, chúng tôi trở lại làng biển Trung Thanh . Bước chân vào làng, mọi người thật sự ngỡ ngàng trước bộ mặt mới đầy màu sắc của ngôi làng. Ngôi làng nằm trải dài trên đường Thanh Niên ven biển chừng một cây số. Những con đường đầy rác, cây bụi ngày nào bây giờ sạch bong đến lạ. Hàng chục ngày qua, dù ngày mưa hay ngày nắng, dù sáng, chiều hay tối... làng biển Trung Thanh cũng nườm nượp du khách đến tham quan, chụp ảnh. Nếu trước đây, 8 giờ tối là làng tắt điện đi ngủ, vậy mà kể từ ngày có bích họa, ngôi làng ven biển này dường như không ngủ.

Bà Nguyễn Thị Quyền (49 tuổi) đang quầy quả cầm giỏ ghẹ, cá các loại từ tay chồng vừa bước xuống từ chiếc ghe máy sau một đêm đi đánh bắt chạy về nhà cách đó chừng vài trăm mét để chuẩn bị bữa trưa cho đoàn khách từ TPHCM ra tham quan rồi trú lại nhà. Trước đây, chồng bà đi biển, bà chỉ ở nhà lo công việc nội trợ. Gánh lo nuôi gia đình 5 người đặt hết trên đôi vai chồng. Khoảng 1 tháng trở lại đây, khách thập phương về làng tham quan bích họa rồi ở lại nhiều, ngôi nhà cấp 4 của gia đình bà bỗng dưng biến thành homestay để khách lưu trú. Kèm theo đó là ăn uống. Vì thế, chồng đi biển đánh bắt cá còn bà Quyền ở nhà làm công việc chế biến hải sản phục vụ khách lưu trú. Bà bắt đầu làm ra tiền để phụ chồng lo cho con cái. “Ngày các họa sĩ Hàn Quốc và mấy em sinh viên các trường nghệ thuật về làng ni vẽ tranh lên tường, dân tui thấy ưng con mắt lên ra giúp họ cạo tường, sơn tường, lượm rác cho họ làm. Họ vẽ xong, thấy vui con mắt, nhất là sắp nhỏ trong làng, ưng lắm. Nhưng dân tui không nghĩ là du khách họ về đông như ri. Ngày khánh thành làng bích họa hồi cuối tháng 6, khách ở đâu ùn ùn kéo về nhưng cả làng không có dịch vụ chi cả. Thấy nhu cầu khách đông, dân tui đặt cái bàn trước sân để bán nước, bán thức ăn phục vụ du khách. Nhiều khách thích quá vô nhà dân xin thuê nhà ở lại qua đêm, tui bảo thuê chi mà thuê, cứ vào ở cho vui. Rồi họ thấy chồng tui đem ghẹ, đem cá về để chuẩn bị bán, họ mua rồi nhờ tui chế biến ăn luôn. Bữa ni ghẹ, cá,... đánh về không cần đem ra chợ nữa, không đủ nấu cho du khách ăn tại nhà” - bà Quyền cười hào sảng.

Cách nhà bà Quyền con đường bê tông chạy ra biển, bà Lê Thị Liên (63 tuổi) cùng đứa cháu nhỏ 5 tuổi ngồi bên bàn nước ướp lạnh luôn tay bán cho du khách mà không kịp. Mua mấy chai nước, ngồi ở bậc thềm trước hiên nhà, tôi hỏi bà: “Làng mình bữa ni khách đông, bà bán nước có được nhiều không?”. Bà hồ hởi: “Trời ơi, hồi mô tới chừ cái làng ni vắng lắm. Phụ nữ trong làng chủ yếu chờ chồng đi biển về, mang cá ra chợ bán, cực lắm. Rứa mà gần một tháng nay, từ ngày có mấy bức tranh ni, khách ở đâu mà về quá chừng. Họ khát nước mà quán sá thì ít quá, họ vô nhà chơi và nói tui mở quán nước mà bán. Rứa là cái nhà ni thành cái quán. Mỗi ngày bán nước kiếm cũng được gần 200.000 đồng. Vừa vui vừa có thu nhập”.

Chữ “tình” trong bích họa

Trong ngôi làng bích họa Trung Thanh, những bức tường nhà, những bờ tường rào meo mốc được các họa sĩ Hàn Quốc và sinh viên Việt Nam vẽ là phong cảnh, thú nuôi, hoạt động của người dân miền biển... nhiều màu sắc. Trong đó, một bức họa lớn vẽ một gia đình người thợ may trên một bức tường ngay đầu làng thu hút sự quan tâm của rất nhiều du khách. bức họa này vẽ vợ chồng anh Võ Đức (47 tuổi), chị Lương Thị Tường Vy (31 tuổi) và hai con nhỏ Võ Giăng Bôn (8 tuổi), Võ Đa Đa (4 tuổi).

Ngày các họa sĩ Hàn Quốc về làng vẽ tranh, vô tình biết được gia cảnh khó khăn nhưng rất đẹp của vợ chồng anh Đức, chị Vy nên họ vẽ một bức họa như một đặc ân cho gia đình anh Đức. Anh Đức bị điếc và khó nói sau một trận ốm nặng. Chị Vy bị liệt tay và chân phải. Hai con người tật nguyền ấy đến với nhau và có hai đứa con, một trai, một gái đẹp như thiên thần. Chị Vy chỉ ở nhà chăm con, một mình anh Đức làm nghề thợ may nuôi sống gia đình. Chính cái hạnh phúc của hai vợ chồng tật nguyền này đã khiến những họa sĩ xúc động vẽ tặng riêng cho gia đình anh chị. “Từ ngày mấy họa sĩ người Hàn Quốc vẽ tặng gia đình em bức tranh này, nhà em vui và tự hào lắm. Đó là món quà tặng vô giá mà từ hồi mô tới chừ vợ chồng em được nhận. Sáng mở cửa ra, nhìn bức tranh vui lắm. Cũng nhờ bức tranh này mà khách họ tới nhà em đông. Biết xuất xứ của bức tranh và gia cảnh nhà em, họ mua ủng hộ gia đình em nhiều lắm. Chừ em bán nước mỗi ngày kiếm được vài trăm ngàn đồng, cùng chồng lo cho hai con ăn học. Nhờ có bức tranh mà chồng em trút bớt đi gánh nặng gia đình” - chị Tường Vy cho biết.

Ông Đỗ Đình Đồng, Bí thư Chi bộ kiêm Thôn trưởng thôn Trung Thanh vui lắm, dù nhà ông nằm trong hẻm sâu, không có bức vẽ nào trên tường. “Từ khi các họa sĩ về vẽ tranh trên tường, làng sang hẳn ra. Khi nghe anh Văn Anh Tuấn, Chủ tịch thành phố Tam Kỳ về họp dân để xin ý kiến làm làng bích họa, dân tui mấy đời nay chỉ biết đi biển kiếm cơm có biết nghệ thuật, bích họa là chi đâu. Nghe chính quyền giải thích, không hiểu lắm nhưng dân cũng ủng hộ làm. Khi các họa sĩ và các em sinh viên về làm, giữa cái nắng biển rát rạt, họ mày mò cạo sơn tường để phủ sơn nền lên vẽ. Thấy họ cực, dân làng ra cạo tường giúp để các họa sĩ vẽ cho nhanh. Có đến 100 ngôi nhà, hàng rào, cổng ngõ được các họa sĩ vẽ tranh. Dù không biết gì nghệ thuật nhưng thấy đẹp quá, dân mừng quá trời. Nhưng không ai nghĩ là sau khi có những bức họa này, du khách kéo về đông như rứa. Hiện nay, hàng chục nhà dân mở điểm giữ xe cho khách tham quan, bán nước uống, bán thức ăn,... kiếm được cả mấy trăm ngàn đồng một ngày. Thấy đẹp quá, dân chạy tới nhà tui nói lên thành phố mời các họa sĩ về vẽ hết cho cả làng. Mà không biết có được không? Hồi trước, làng quê nên rác rến tùm lum, nhưng từ khi những bích họa này được vẽ, không ai nói với ai, cứ thấy rác là quét dọn hết. Anh thấy không, có làng quê ven biển mô mà sạch và đẹp như làng tui không?” - anh Đồng đầy tự hào.

Từ cổ chí kim, giới lý luận phê bình văn học - nghệ thuật chẳng thể giải quyết được mâu thuẫn giữa hai “phe”: “nghệ thuật vị nghệ thuật” hay “nghệ thuật vị nhân sinh”? Nếu như phe “nghệ thuật vị nhân sinh” mà đến làng bích họa Tam Thanh, có lẽ họ có thêm một bằng chứng xác đáng để bảo vệ quan điểm của mình.
Rời làng bích họa Tam Thanh mà những bức bích họa, những nụ cười, cái chân chất của người dân nơi đây cứ níu mãi. Người dân nơi đây không cần biết các nhà lý luận định nghĩa “nghệ thuật là gì”, với họ, họ thấy đẹp, làng quê họ đổi thay và sẽ đổi đời trong tương lai gần nhờ những bức bích họa này.

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.