Làm hàng chục sổ đỏ khống để lừa vay vốn ngân hàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Gia Lai đang hoàn tất hồ sơ truy tố 17 đối tượng với các tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh đã di lý đối tượng Lương Văn Tuấn (SN 1978) và vợ là Phạm Thị Oanh (SN 1974, cùng trú tại làng Bek, xã Ia Bă, huyện Ia Grai) từ Công an TP. Hà Nội về để phục vụ công tác điều tra. Kết quả điều tra cho thấy: Năm 2015, vợ chồng Tuấn biết Lê Xuân Bằng (SN 1982, trú tại làng Orê 2, xã Ia Grăng, huyện Ia Grai) làm khống giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) nên thuê đối tượng này làm sổ đỏ với giá 22 triệu đồng/ha đất. Mục đích của vợ chồng Tuấn là dùng số sổ đỏ này để thế chấp vay vốn ngân hàng.
Tại cơ quan Công an, Tuấn khai nhận: “Sau khi vợ chồng tôi đến gặp, Bằng cho chúng tôi biết một số hộ người dân tộc thiểu số làng Orê 2 (xã Ia Grăng) có đất rẫy nhưng chưa làm thủ tục đăng ký cấp sổ đỏ. Theo hướng dẫn của Bằng, tôi và vợ đã kê khai gian dối nguồn gốc, diện tích, vị trí, chủ sở hữu đất tại thửa đất số 69, tờ bản đồ số 32 tại khu vực làng Orê 2 (thuộc phần diện tích đất của 8 hộ gia đình khác đang canh tác, sử dụng) vào hồ sơ đề nghị cấp sổ đỏ để được UBND huyện Ia Grai cấp sổ đỏ”. 
Sau khi được cấp sổ đỏ khống, ngày 17-3-2016, vợ chồng Tuấn mang đến thế chấp tại ABBank-Chi nhánh Gia Lai để vay 480 triệu đồng, thời hạn vay 12 tháng. Khi hết hạn hợp đồng, 2 đối tượng làm thủ tục đáo hạn để vay lại đến năm 2019 rồi bỏ trốn khỏi địa phương. Khi ngân hàng làm thủ tục khởi kiện để phát mãi tài sản thế chấp nhằm thu hồi nợ thì mới phát hiện vợ chồng Tuấn không có đất. Ngày 21-4-2021, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định truy nã Tuấn và Oanh về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngày 14-10-2021, 2 đối tượng đã đến cơ quan Công an đầu thú.
Các đối tượng liên quan bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Hữu Trường
Các đối tượng liên quan bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Hữu Trường
Thiếu tá Nguyễn Thị Như Hoa-cán bộ Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh-cho biết: “Vụ án này liên quan đến nhiều đối tượng. Nhiều hộ dân tộc thiểu số do nhận thức còn hạn chế, chưa quan tâm đến việc làm sổ đỏ nên các đối tượng có cơ hội phạm tội. Khi phát hiện diện tích đất của mình bị người khác làm sổ đỏ khống để chiếm đoạt, họ không chủ động trình báo, tố giác vụ việc dẫn đến công tác điều tra, xác minh mất rất nhiều thời gian. Vụ việc xảy ra từ năm 2015, tuy nhiên đến năm 2019, ngân hàng mới phát hiện, tố giác đến cơ quan Công an. Bên cạnh đó, một số đối tượng khi phát hiện cơ quan Công an khởi tố vụ án để điều tra đã bỏ trốn khỏi địa phương. Thời gian qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên công tác phối hợp giữa đơn vị và Công an các tỉnh, thành phố trên cả nước để truy tìm, bắt giữ các đối tượng truy nã cũng bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, chúng tôi đã từng bước điều tra, làm rõ hành vi, thủ đoạn của từng đối tượng và quyết tâm truy bắt các đối tượng đang bỏ trốn”.  
Liên quan đến vụ án này, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh đã khởi tố, bắt tạm giam Bùi Thị Nguyên Sáng-nguyên Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai-Chi nhánh huyện Ia Grai và Nguyễn Phi Hùng-nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Ia Grăng; đồng thời áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Đặng Thị Xuân Sương (SN 1987), Kiều Thị Lê-chuyên viên Văn phòng Đăng ký đất đai-Chi nhánh huyện Ia Grai và Lê Thị Thắm-công chức Địa chính-Xây dựng xã Ia Grăng để điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Các đối tượng này đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng trình tự, thủ tục về đăng ký đất đai, cấp sổ đỏ. Bên cạnh đó, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh đã khởi tố 12 đối tượng gồm: Nguyễn Văn Úy (SN 1956), Nguyễn Ngọc Quân (SN 1981), Trần Thị Hòa (SN 1981), Nguyễn Thị Quyến (SN 1966), Dương Thị Bình (SN 1977), Lê Xuân Nghĩa (SN 1977), Ngô Thị Thanh (SN 1977, cùng trú tại huyện Ia Grai), Trần Hữu Phong (SN 1974, trú tại phường Thống Nhất, TP. Pleiku), Hoàng Công Mạnh (SN 1977, trú tại phường Hoa Lư, TP. Pleiku), Lê Xuân Bằng, Lương Văn Tuấn, Phạm Thị Oanh về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, Nguyễn Thị Quyến và Lê Xuân Nghĩa bỏ trốn khỏi địa phương. Cơ quan Công an đã phát lệnh truy nã đối với 2 đối tượng này.
Thượng tá Đỗ Hồng Lam-Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh-cho hay: “Đến nay, chúng tôi đã điều tra xác định nhóm đối tượng đã được cấp 14 sổ đỏ khống với tổng diện tích hơn 29 ha, thế chấp vay vốn tại 6 ngân hàng trên địa bàn tỉnh rồi chiếm đoạt tổng số tiền hơn 6,3 tỷ đồng, gây thiệt hại về tài sản lớn cho các ngân hàng. Đơn vị đang tích cực điều tra, làm rõ, chuyển hồ sơ vụ án đến Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh để sớm truy tố các đối tượng trước pháp luật”.
HỮU TRƯỜNG

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.