Ký ức thời gian

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mưa dầm suốt ngày đêm. Bầu trời trũng xuống thấp đến mức cứ như với tay lên là có thể chạm được chiếc túi khổng lồ đang ầng ậng nước. Đường làng rêu xanh phủ một lớp dày, ngay cả vỏ những cây dâu đất xù xì, cây lành ngạnh mọc thấp trong khu rừng thưa xung quanh làng mà rêu cũng bám đầy. Bếp nhà sàn ngày ngày vẫn đỏ lửa nhưng bữa ăn chỉ mỗi cơm, thêm chút muối rang trộn với lá mì xào khô.

Những ngôi làng trong mưa

Lên Chư Păh (nay là huyện Ia Grai) công tác từ năm 1977, tôi quên sao được những năm tháng khó khăn mà bây giờ kể ra không ít bạn bè vẫn trêu rằng tôi hay than nghèo kể khổ. Mà cũng đúng thật, hơn 40 năm qua nhưng sao tôi vẫn không quên được những buồn vui mình đã trải.

Tháng 8-1977, tôi được nhà trường phân công vào làng De Lung (cũ) tuyển sinh cho năm học mới. Làng ở cách xa trung tâm xã Ia Grai (nay là xã Ia Tô) chừng 5 cây số. Từ tỉnh lộ 664 vào làng là con đường mòn nhỏ hẹp, qua 2 con suối và chạy giữa khu rừng thưa. Làng cũng nằm lọt thỏm giữa rừng. Khoảng hơn ba chục ngôi nhà sàn cột gỗ cà chít chôn dưới đất, vách liếp đan bằng nứa, mái lợp lá tranh, một vài nhà lợp lá rừng (một loại lá to như lá bàng, người ta sắp thành hàng chừng 3, 4 lá rồi dùng que ghim lại với nhau). Không rào giậu nào ngăn cách nhà này với nhà kia. Mặt đất trơn ướt lép nhép bước chân lẫn phân gia súc ngập ngụa. Ngoại trừ cây pơ lang đầu làng và mấy cây ổi khẳng khiu thì cả làng không còn một cây xanh nào nữa, khung cảnh thật trơ trụi.

Một góc trung tâm huyện Ia Grai hôm nay. Ảnh: Thanh Nhật
Một góc trung tâm huyện Ia Grai hôm nay. Ảnh: Thanh Nhật


Tháng 8, Tây Nguyên mưa tầm tã. Người làng đều ở nhà. Ít người lên xuống, tay vịn và mấy bậc thang lên nhà sàn cũng phủ một lớp rêu mỏng, loáng nước. Cánh cửa đã khép chặt mà gió vẫn thổi vào nghe loạt soạt. Đã mấy ngày nhà không còn thức ăn. Mấy quả bí đỏ, dưa nước và đọt bí mang từ rẫy về đã nấu hết từ vài hôm trước. Đợi đến khi ngớt mưa, vài người đàn bà trong làng quấn tấm ni lông mỏng cắp chiếc rổ lớn ra con mương nhỏ chặn bắt cá, lúc về người ướt lướt thướt mà trong giỏ lèo tèo vài con cua đồng, dăm con cá trắng bằng ngón tay. Thế nhưng bữa cơm chiều lại tươm tất hơn nhờ món cá suối bắt về nấu với măng chua ủ trong ống lồ ô, thêm ít muối hạt, không như mấy ngày qua chỉ cơm cùng nắm lá mì xào khô.

Năm ấy, đời sống của đồng bào kinh tế mới ở các thôn trong xã cũng khó khăn không kém. Từ đồng bằng lên Tây Nguyên, còn lạ nước lạ cái, đã vậy trước đây họ đều là dân thành phố nên chưa quen trồng lúa nước. Không tính đến mấy cây điều còn sót lại từ thời dinh điền thì chưa làng nào có cây trồng gì cho ra hồn. Ngay cả đám đất vườn rộng đến hơn 2 sào nhận theo tiêu chuẩn Nhà nước cấp cũng chỉ trồng ít bắp, lưa thưa mấy cây ớt, cây cà. Thịt, cá là món cao lương mỹ vị, hiếm khi có mặt trong bữa cơm ngày thường của bà con.

Nông thôn khởi sắc

Cảnh khó khăn, thiếu thốn ấy kéo dài khoảng hơn chục năm. Không khó khăn sao được khi mà ngay sau ngày thống nhất đất nước, bao nhiêu vấn đề lớn lao, cực kỳ quan trọng cần phải giải quyết trong cùng một thời điểm. Nào là triển khai công cuộc cải tạo công thương nghiệp và xây dựng hợp tác xã, xây dựng vùng kinh tế mới; đưa quân tình nguyện sang làm nghĩa vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia chống bọn diệt chủng Khmer Đỏ rồi đến cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc; ở các tỉnh Tây Nguyên là cuộc đấu tranh nhằm xóa sổ bọn FULRO...

Thoát ra cơ chế quan liêu, bao cấp, vượt qua bao nhiêu thách thức, liên tiếp các chương trình mang tầm cỡ quốc gia được triển khai qua nhiều năm như: định canh-định cư, chương trình 135 và đặc biệt mới đây là chương trình xây dựng nông thôn mới đã giúp các địa phương vực dậy nền kinh tế, đưa đời sống của nhân dân vượt qua đói nghèo, bắt đầu làm giàu trên chính mảnh đất của mình, qua đó làm thay đổi diện mạo của toàn vùng nông thôn Tây Nguyên nói chung, trong đó có Gia Lai.

Những năm 90 của thế kỷ trước, tôi đã nhiều lần đi cùng với Hội Làm vườn tỉnh xuống tận các làng đồng bào dân tộc thiểu số để cấp nông cụ và vật nuôi cho bà con. Còn chương trình 135 thì cấp các loại cây giống chất lượng cao như: sầu riêng ghép, nhãn chiết, chanh ghép, chôm chôm, bưởi ghép… Người dân các làng vùng xa, vùng sâu thuộc các huyện: Kbang, Kông Chro, Ia Grai, Đức Cơ, Chư Păh, Ayun Pa được ưu tiên thụ hưởng chương trình này. Đã có hàng triệu cây giống các loại cấp tận vườn cho bà con, kèm theo là việc chuyển giao những kiến thức cụ thể, dễ hiểu về quy trình trồng, chăm sóc cây do cán bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp huyện trực tiếp hướng dẫn, thị phạm. Được tiếp cận với tiến bộ khoa học, thị trường nông sản phong phú, trồng đúng kỹ thuật, mùa vụ nên vườn cây phát triển, sinh trưởng tốt.

Sau nhiều thập niên, Ia Grai, Chư Prông, Đức Cơ, Chư Păh đã trở thành những vùng chuyên canh cây ăn quả với các loại giá trị kinh tế cao như sầu riêng, chôm chôm, nhãn, xoài… Vào vụ thu hoạch, từng xe trái cây mang nhãn mác “made in Gia Lai” được thương lái vào tận vườn đặt mua, sau đó vận chuyển ra thành phố đưa đi tiêu thụ. Sầu riêng ghép giống Măng Thon, Ri 6 bán với giá tại vườn 50-60 ngàn đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc, nhãn tiêu da bò, chanh dây, bơ booth, ổi, cam sành, vú sữa Lò Rèn… đều được giá. Nhiều nhà mỗi vụ thu về đến hàng tỷ đồng. Những nhà chủ động được nguồn nước thì đào ao nuôi cá, nuôi thủy cầm, thu nhập cũng rất ổn định.

Hiểu rõ giá trị kinh tế mà cây ăn quả mang lại, những năm qua, người dân các địa phương không ngừng mở rộng diện tích. Từ chỗ vài trăm héc ta những năm 90 thế kỷ trước, đến năm 2017, diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt 7.200 ha và hiện nay đã tăng lên đến 14.500 ha, nhiều vườn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Gia Lai trở thành một địa chỉ cung ứng trái cây chất lượng cao cho thị trường nhiều nơi trong cả nước.

Làng De Lung giờ đã chuyển ra sát tỉnh lộ. Bây giờ hầu như không còn đường đất xuống thôn làng mà là đường nhựa hoặc đường bê tông. Có dịp đi qua các làng không ai còn thấy cảnh xưa, thay vào đó là những khu dân cư trù phú. Không chỉ cho thu nhập ổn định từ vườn cây, ao cá của mình mà một số gia đình còn tổ chức kinh doanh theo hình thức du lịch canh nôg, du lịch homestay, vừa quảng bá sản phẩm vừa tăng thêm lợi nhuận. Sau 45 năm, tất cả đã hoàn toàn thay đổi. Nghe kể chuyện cũ, không ít người cứ tưởng chuyện xảy ra ở tận đẩu tận đâu…

THANH PHONG
 

Có thể bạn quan tâm

Phòng-chống cháy mía

Kbang tích cực xây dựng phương án phòng-chống cháy mía

(GLO)- Để chuẩn bị tốt thu hoạch mía niên vụ 2024-2025, phòng ngừa cháy mía gây thiệt hại cho người dân, UBND huyện Kbang đã chỉ đạo các xã, thị trấn đăng ký kế hoạch thu mua mía với Nhà máy đường An Khê, đồng thời tích cực xây dựng phương án phòng-chống cháy mía.

Tặng 600 chiếc áo ấm cho thiếu nhi xã Đak Sơ Mei

Tặng 600 chiếc áo ấm cho thiếu nhi xã Đak Sơ Mei

(GLO)- Chiều 6-12, Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội từ thiện và hỗ trợ phát triển cộng đồng Fly To Sky phối hợp cùng Đảng ủy-UBND-Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Áo ấm chuyền tay” nhằm trao tặng áo ấm cho thiếu nhi trên địa bàn xã.

Đak Đoa điều chỉnh giảm dự toán vốn thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 4 Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn hơn 300 triệu đồng. Ảnh Hà Duy.

Đak Đoa điều chỉnh vốn sự nghiệp thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững

(GLO)- Hội đồng nhân dân huyện Đak Đoa vừa ban hành Nghị quyết số 26/NQ-HĐND về việc điều chỉnh dự toán vốn sự nghiệp chưa giải ngân hết trong năm 2023 đã được chuyển nguồn sang năm 2024 và điều chỉnh dự toán vốn sự nghiệp năm 2024 thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (đợt 2).

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Mùa cà phê chín đỏ

Mùa cà phê chín đỏ

(GLO)- Dưới ánh nắng rực rỡ của những ngày cuối tháng 11, trên khắp các vườn cà phê chín đỏ, không khí thu hoạch rộn rã hơn. Năm nay, bà con nông dân đón mùa vụ với sự hân hoan lớn khi lần đầu tiên cà phê có một mức giá cao nhất lịch sử.