Kỳ 4: Nấu ăn bằng cả tấm lòng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Nghe có người phàn nàn cơm nhão, cơm khô, tôi cũng thấy buồn. Song, xác định “làm dâu trăm họ” chẳng dễ dàng nên anh em nhà bếp luôn động viên nhau rút kinh nghiệm hôm sau làm tốt hơn. Tôi chỉ mong sao có sức khỏe tốt để hoàn thành nhiệm vụ”-Thượng úy Vũ Thị Thúy bày tỏ.
Chẳng biết mọi người thế nào chứ riêng tôi thì nể phục anh em nhà bếp lắm. Chỉ 2 người đứng bếp mà nấu mỗi bữa hơn 100 suất ăn. Bữa ăn ở đây không chỉ phong phú về thực phẩm mà còn đa dạng trong cách chế biến. Bữa chính trong ngày luôn có 5 món và không trùng lặp, giúp các “Thượng đế” trong khu cách ly đỡ ngán. Ví như, bữa trưa ăn cá kho, thịt heo áp chảo, đậu cô ve xào thịt bò, bầu luộc, canh chua. Bữa tối sẽ ăn cá chiên, thịt heo kho, trứng, rau muống xào và canh khổ qua. Bữa trưa còn có cả trái cây tráng miệng.
Khẩu phần bữa ăn tối ở khu cách ly. Ảnh: Nguyễn Dung
Khẩu phần bữa ăn tối ở khu cách ly. Ảnh: Nguyễn Dung

Ngày nào cũng vậy, đúng 6 giờ 45 phút, Thiếu úy Phạm Văn Nam đến từng phòng mời mọi người ăn sáng, 11 giờ 30 phút mời ăn trưa và 18 giờ mời ăn tối. Hễ thấy bóng anh Nam là mấy đứa con nít bên phòng số 9 lại reo lên sung sướng: “Ăn cơm thôi. Ăn cơm thôi”. Vốn dĩ ăn ít, lại chỉ ngồi một chỗ nên tôi ăn không hết khẩu phần. Những lúc đi dọn đồ, bắt gặp tôi đổ thức ăn thừa vào thùng, anh Nam lo lắng: “Thức ăn không ngon hay cô thấy trong người không khỏe ạ? Nếu cô cần chế độ ăn riêng để cháu báo với nhà bếp”. Sự quan tâm, lo lắng của anh Nam làm tôi rưng rưng.

Đại úy Võ Văn Định-Chỉ huy Trung tâm cách ly của tỉnh-cho hay: Theo quy định của Bộ Quốc phòng, bữa ăn chia tỷ lệ 2-4-4 (bữa sáng 2, bữa trưa 4, bữa tối 4). Nghĩa là thu phí tiền ăn của mỗi công dân 80.000 đồng/ngày, gồm mua lương thực, thực phẩm 70.000 đồng và tạp chi dụng cụ cấp dưỡng 10.000 đồng. Trong 70.000 đồng sẽ chia ra bữa sáng 14.000 đồng, bữa trưa 28.000 đồng, bữa tối 28.000 đồng. Đồng thời, nghiên cứu công thức dinh dưỡng 4-5-1 của Viện Dinh dưỡng theo hướng dẫn của Bộ Y tế để áp dụng vào bữa ăn. Đó là chế độ ăn cân đối 4 yếu tố: cân đối giữa 3 nhóm chất sinh năng lượng (carbohydrate, protein, lipid); cân đối về protein (giữa đạm động vật và thực vật); cân đối về lipid (giữa lipid động vật và lipid thực vật); cân đối về vitamin và khoáng chất. Có ít nhất 5 nhóm trong 8 nhóm thực phẩm: nhóm lương thực (gạo, bột mì); nhóm hạt các loại; nhóm sữa và các chế phẩm từ sữa; nhóm thịt, cá và hải sản; nhóm trứng, các sản phẩm từ trứng; nhóm củ quả màu vàng, da cam, rau xanh thẫm; nhóm rau củ quả khác; nhóm dầu ăn, mỡ các loại. Dinh dưỡng một ngày phải cân đối, an toàn; cần sự hài hòa giữa các nhóm chất và thực phẩm; kết hợp lựa chọn thực phẩm an toàn. Cán bộ quản lý của đơn vị phải tính toán làm sao để đảm bảo bữa ăn hàng ngày đủ calo và cân bằng dinh dưỡng. Bởi sự cân bằng dinh dưỡng là chìa khóa để tăng cường sức đề kháng, chống lại dịch bệnh hiệu quả.
“Để đảm bảo an toàn, tôi chỉ đạo anh em nhà bếp cố gắng tự nấu bữa ăn sáng (phở, bún, bánh canh, mì tôm), thỉnh thoảng mới đặt mua bánh mì và bánh hỏi. Mặc dù ít người nhưng anh em đã nấu những bữa ăn bằng cả tấm lòng. Năm ngoái, có hàng trăm đoàn từ thiện lên trao quà nên bữa ăn của mọi người cũng được cải thiện hơn. Năm nay ít đoàn lên thăm, động viên. Mới có nhóm từ thiện của cô Vũ Thị Tam-Trưởng ban G7 Bảo Việt Nhân thọ Gia Lai lên trao quà 2 lần. Đơn vị đã dùng các mặt hàng đó bổ sung vào bữa ăn cho mọi người”-Đại úy Định chia sẻ.
Khu vực nhà ăn tại khu cách ly. Ảnh: Nguyễn Dung
Khu vực nhà ăn tại khu cách ly. Ảnh: Nguyễn Dung

Trò chuyện với tôi, Thượng úy Vũ Thị Thúy-nhân viên nấu ăn-chia sẻ: “Ngày đầu mới vào làm việc ở khu cách ly tập trung, tôi cũng sợ. Nhưng nay thì quen rồi. Anh em làm nhiệm vụ trong khu cách ly đều đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19. Riêng tôi do có tiền sử bị dị ứng khi ăn cua nên chưa được tiêm. Bởi vậy, hôm ở khu cách ly có ca dương tính cũng rất lo”.

- Thế còn gia đình thì sao?
- Vợ chồng tôi đều là bộ đội, có 2 đứa con. Chồng tôi đã nghỉ hưu nên có thời gian chăm sóc con cái. Với lại các cháu cũng lớn rồi nên tôi cũng yên tâm. Khi dịch chưa bùng phát, xe buýt còn chạy tuyến, nếu công việc thư thả vài ngày tôi tranh thủ chạy về thăm nhà 1 lần. Nhưng bữa nay thì chịu.
- Chị có gặp nhiều khó khăn khi làm việc ở đây không?
- Tôi được phân công nhiệm vụ trong khu cách ly từ khi bắt đầu có dịch trên địa bàn tỉnh (18-3-2020) nên đã quen việc, không gặp khó khăn gì. 2 anh em đứng bếp chỉ việc nấu các món ăn theo thực đơn hàng ngày do quản lý đưa cho. Lúc nghe mọi người phàn nàn về bữa ăn, tôi cũng hơi mủi lòng. Song tôi nghĩ ở nhà nấu ăn cho 4 người đã khó thì việc nấu cho nhiều người ăn không thể nào tránh khỏi sơ suất. Thế là tôi lại đặt hết tình cảm của mình vào từng món ăn với mong muốn góp phần nhỏ công sức cùng đồng đội giúp mọi người có đủ sức khỏe chống lại dịch bệnh.
Nghe chị Thúy nói, tôi chợt nghĩ, ấy là do người nào đó quá khó tính và mang tâm lý ta đây mới thắc mắc này nọ. Riêng với tôi, 21 ngày ở khu cách ly tập trung, chỉ thấy duy nhất có một bữa cơm hơi bị khô, còn thức ăn thì quả là “ngon khó cưỡng”. Và, tôi luôn thầm biết ơn sự chăm sóc tận tình, chu đáo của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên làm nhiệm vụ ở đây.
NGUYỄN DUNG

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.