Kỳ 1: Về nơi "đã xa lại xóc"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Câu nói của “người cũ” một thời, khi muốn đề cập bất cứ việc gì ấy có liên quan với huyện này là “Krông Pa vừa xa vừa xóc”, giờ thì khác lắm rồi, ít ra cũng là một đoạn đường của quốc lộ 25 đi qua địa phận của huyện. Mùa này, con sông Ba gần như cạn kiệt, giải thích cho chúng tôi về điều đó, anh Trần Văn Mạnh-Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Krông Pa bảo do các công trình thủy điện phía thượng nguồn tích nước. Có lẽ thế.
 

Cầu Lệ Bắc qua sông Ba. Ảnh: K.N.B
Cầu Lệ Bắc qua sông Ba. Ảnh: K.N.B
Ai cũng biết có một số tài liệu nói rằng, con sông này bắt nguồn từ dãy núi Ngọc Rô, Tây Bắc tỉnh Kon Tum, từ độ cao 1.549 mét so với mặt nước biển, chảy theo hướng Bắc-Nam qua các huyện Kon Plông của tỉnh Kon Tum, Kbang, Đak Pơ, An Khê, Kông Chro, Ia Pa, thị xã Ayun Pa của Gia Lai, chuyển hướng sang phía Tây Bắc-Đông Nam qua huyện Krông Pa cũng của Gia Lai rồi chảy vào địa phận Phú Yên theo hướng Tây-Đông, đổ ra biển ở cửa Đà Diễn, phía Nam Tuy Hòa (Phú Yên). Sông dài 374 km. Đó là dòng sông Ba...

Nói về vùng hạ lưu sông Ba có liên quan Krông Pa, có tài liệu ghi: Từ thế kỷ thứ I, tại đây dần hình thành các quốc gia như Lâm Ấp, Chiêm Thành. Có bằng chứng khảo cổ học, đào được khi xây dựng công trình thủy nông Đồng Cam của Phú Yên, cho thấy cửa biển Đà Diễn, thời kỳ từ thế kỷ VII đến thế kỷ XV, đã từng là trung tâm thương mại quốc tế sầm uất. Các hiện vật đào được gồm nhiều loại tiền cổ, khối lượng đến hàng tấn, gồm tiền Đại Việt thời Hồng Đức, tiền “Khai nguyên thông bảo” nhà Đường, tiền Triều Tiên...

Đến năm 1471, vua Lê Thánh Tông vào đây trừng phạt vua Chiêm Thành vì tội quấy nhiễu vùng Hóa Châu (Quảng Nam ngày nay). Lê Thánh Tông đã khắc lên một tảng đá lớn trên núi Thạch Bi (còn gọi là núi Đá Bia), thuộc hạ lưu sông Ba, làm mốc ranh giới Đại Việt. Tuy đã đánh mốc như vậy, phải hơn 100 năm sau, đến năm 1578, đô chỉ huy sứ Lương Văn Chánh, vâng mệnh chúa Nguyễn Hoàng, mới đem lưu dân từ Thanh Hóa, Nghệ An và Thuận Quảng vào khai khẩn, lập xóm làng tại vùng đồng bằng Tuy Hòa. Một trầm tích khác, con sông Ba để lại là suốt hành trình các cuộc trường chinh từ xưa đến nay, cư dân trong vùng theo dòng sông mà làm nên các kỳ tích. Đặc biệt là “trầm tích” của hai cuộc đấu tranh của cả dân tộc cách đây chưa xa, là kháng chiến chống Pháp và Mỹ, và suốt gần 30 năm xây dựng đất nước. Lần này chúng tôi ngược dòng, bắt đầu từ nơi một thời “đã xa lại xóc” ấy...

 

Ảnh: Lê Anh
Trạm bơm điện Chư Gu. Ảnh: Lê Anh

Dưới cái nắng đặc trưng của vùng “lửa” mùa tháng ba, chúng tôi có mặt bên hồ chứa Ia Mlah, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Mạnh và Giám đốc, người quản lý hồ, anh Đinh Văn Ân, cho biết: Dự án công trình này được khởi công xây dựng vào ngày 25-5-2005; 5 năm sau, ngày 25-5-2010 thì hoàn thành đưa vào sử dụng, với sức tưới thực tế mới đạt chừng 1/3 của tổng công suất thiết kế là 5.140 ha, anh cũng cho biết, kinh phí đầu tư qua mấy lần điều chỉnh lên đến trên ngàn tỷ đồng, mà vẫn chưa hoàn thành các công trình phụ trợ phía hạ lưu, còn tại công trình chính, với sức chứa như hiện tại thì có thể mở thêm vùng tưới vẫn khả dĩ.

Có thể nói, hồ chứa này đã đem lại cho Krông Pa dòng nước mát vô giá, dọc theo con đường nhựa phẳng phiu dẫn chúng tôi từ trung tâm huyện đến Ia Mlah chừng vài chục cây số, giữa mùa khô hạn, đến con sông Ba cũng không còn nhiều nước như đã nói trên, thế mà ở đây dọc các con kênh dòng nước đổ xuống, xanh trong leo lẻo, cây cối, ruộng vườn khoác lên một màu xanh ngăn ngắt; tuy thế, vẫn còn có thể mở rộng vùng tưới bởi khá nhiều diện tích còn bỏ không. Nói với tôi, Chủ tịch Mạnh bảo còn thiếu nhiều kinh phí cho việc mở rộng các kênh nối dòng nước đến chân ruộng, và nữa, kinh phí cho khai hoang, phần của huyện đảm nhiệm lại khó vô cùng, không lấy đâu ra để cân đối, nên công trình chưa thể phát huy hết sức tưới như thiết kế ban đầu. Cho dù vậy, người viết bài này vẫn khẳng định hồ chứa này là “biển” của vùng khát vào mùa khô mà cả trăm ngàn năm nay con người bao đời chưa ai thay đổi được và giờ nó không chỉ phục vụ mỗi cho việc tưới tiêu, nếu ta chịu nghĩ và đầu tư “nối” tiếp, nơi này sẽ là chỗ hái ra tiền trong tương lai...

Mới đây báo chí địa phương nhắc đến một chỗ “làm mát” nữa của vùng chảo lửa-công trình thủy lợi Chư Gu, với sức tưới theo thiết kế là 140 ha, thế mà sau 3 năm đưa vào sử dụng cũng chỉ phát huy được chừng 1/3 công suất nhưng rồi 2 năm nay kể từ khi thủy điện trên thượng nguồn An Khê-Ka Nak chặn dòng thì coi như  bỏ không vì không thể bơm được nữa, dòng sông Ba nơi đặt hệ thống bơm đã cạn kiệt. Nói với chúng tôi, Chủ tịch Mạnh bảo năm ngoái tỉnh đã đồng ý đầu tư trên tỷ đồng để cải tạo và nó sẽ được “sống” lại trong tương lai gần. Vui thay, nếu công trình này sớm phục hồi, thì người dân Chư Gu sẽ đỡ vất vả khi nhìn đồng ruộng hàng trăm ha chịu khát trong mùa khô hạn mà không thể chuyển đổi loại cây trồng nào chịu đựng nổi với cái nắng đổ lửa vào mùa hạ.

 

 Đập thủy lợi Chư Gu. Ảnh: Lê Anh
Đập thủy lợi xã Uar. Ảnh: Lê Anh

Trở lại xã Uar, tôi như kẻ được sống lại một thời xa lắc lơ một thuở. Nằm rừng với bà con nơi đây trong những đêm ngày bằng chính đôi tay của họ khai phá rừng hoang, làm đập, đào kênh và dòng nước theo về từ thượng nguồn suối Uar với con đập chặn dòng vắt ngang qua dòng suối. Hồi ấy, đi cùng Bí thư Tỉnh ủy Ksor Krơn, tôi chứng kiến công trường này với không khí lao động tấp nập, nào máy, nào người, bà con các làng của cả xã Uar, cùng với sự tham gia của lực lượng vũ trang. Ấy là những năm 1988, 1990 và theo Chủ tịch UBND xã Uar Hà Xuân Mạnh, thì mãi cho đến sau cả chục năm kể từ hồi khởi công-năm 1985, thì dòng nước của công trình này mới đem lại hữu ích, tưới cho trên 300 ha lúa hai vụ và hàng ngàn ha cây trồng như thuốc lá, dưa hấu và một số cây ngắn ngày khác của gần 1,9 ngàn hộ định cư của xã.

Rất thành thạo về những gì của xã, anh Đới Thanh Linh trên suốt chặn đường cùng tôi lội bộ theo dòng kênh trên 7 km, mồ hôi tôi túa ra mà anh thì vẫn đi như thể một nông dân, anh là cán bộ của xã, nên “chuyện đất đai ruộng vườn” biết cả là bình thường, anh bảo thế. Câu chuyện lan man, biết được anh vốn quê ở xứ Thanh, vào làm việc trong ngành thương mại từ lâu lắm, khi ngành này giải thể, anh ở lại xã và theo nghiệp... xã cho đến ngày nay.
 

Hồ Ia Mlah. Ảnh: Bích Hà
Hồ Ia Mlah. Ảnh: Bích Hà


Cái thời Kon Cheo, Bờ Ngoong, Đê Ba, người trong cuộc chắc còn chưa quên, những ngày đầu sau giải phóng, đói, đau, bệnh tật và thất học cứ như là căn bệnh trầm kha, khó chữa. Mỗi một vùng, lãnh đạo tỉnh căn cứ vào điều kiện ở đó mà nghĩ ra, tạo cho nó một quy hoạch, một cách làm với sự mong muốn bà con ta nhanh chóng thoát ra khỏi những căn bệnh trầm kha ấy, cho nên sự thành bại của từng nơi được coi là “mô hình” cũng là chuyện thường tình. Nhưng khác với một số nơi, có thể nói là cho đến nay, Uar thực sự là một hình mẫu. Vẫn còn trên vài trăm hộ nghèo, nhưng chuyện nghèo này “xưa hơn Diễm”, nó nhằm vào những hộ thiếu lao động chính, thiếu ruộng, thiếu hiểu biết cách làm ăn, nhất là không ít hộ thiếu... siêng năng chăm chỉ. Với một xã vùng sâu, vùng xa như Uar mà có đến gần 4,5 ngàn dân, lại có con đường Đông Trường Sơn chạy xuyên qua xã, đất đai màu mỡ, người dân chăm chỉ, trong một tương lai gần thành nông thôn mới là điều có thể, “nhưng mà hiện tại thì khó lắm anh ạ, năm 2014 xã cố gắng giữ và phát triển tăng dần một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội, như: diện tích gieo trồng đạt 3,7 ngàn ha; chăn nuôi, nhất là đàn bò phải đạt gần 3 ngàn con; các nhiệm vụ về giáo dục, y tế,... phải được coi là việc lãnh đạo thường xuyên, liên tục của Đảng ủy, chính quyền”-là Chủ tịch UBND xã Hà Xuân Mạnh bảo thế.

Chia tay Krông Pa, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Mạnh cho hay, hạ tuần tháng 4 này, huyện anh sẽ tổ chức kỷ niệm 35 năm thành lập. Với 14 đơn vị hành chính cấp xã, trên 72 ngàn dân, và nhiều xã đã khá hơn nhiều so với Uar với một tiềm năng, kế hoạch định hướng phát triển đã gần như chuẩn sau cũng ngần ấy năm chông chênh với những lối đi lên còn như chỉ là... khai phá. Và, nhớ lại, những ngày trung tuần tháng 3 năm xưa, cách đây 39 năm, nơi huyện lỵ ngày nay, cùng với cả tỉnh, cả Tây Nguyên, Phú Túc “đón nhận” cuộc tháo chạy tán loạn và hỗn loạn của ngụy quân ngụy quyền khỏi Bắc Tây Nguyên sau khi thất thủ ở Buôn Ma Thuột, những ngày ấy, với một Phú Túc chẳng như cái tên gọi của nó mà là một bãi chiến trường, xơ xác tiêu điều, vừa khô khát, nắng nung được mệnh danh là vùng trũng chảo lửa. Thế mà giờ, đã một Phú Túc gần như đúng nghĩa đen của nó. 35 năm một chặng đường thăng trầm và rồi cũng dần đi đến đích-một Krông Pa không còn xa, còn xóc-một địa danh chỉ về chuyện không vui đã lùi về dĩ vãng!

Bích Hà

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.