Phạm Chí Nghĩa đang thể hiện tác phẩm của mình cho các bạn cùng thưởng thức. Ảnh: P.D |
Bất hạnh hơn là gia đình bà Nguyễn Thị Si- ông Trương Văn Sơn ở Pleiku Roh, phường Yên Đổ, TP. Pleiku buôn bán rau ở chợ. Gia đình có 4 người con, 7 năm trước sau một trận ốm hai người con trai lớn bị đổ bệnh và bỗng dưng chửi mắng bố mẹ, đập phá tài sản, cởi quần áo đi lang thang ngoài đường. Nhà tuy nghèo, nhưng vì mong con khỏi bệnh nên gia đình tìm khắp nơi chạy chữa thuốc thang nhiều năm mà bệnh tình của con không hề thuyên giảm. Vì sợ chúng phá phách nên gia đình phải dùng xích để cột mỗi đứa một bên hông nhà. Đầu năm 2011, gia đình bà Si đã đem một người con lớn là Trương Xuân Đông nhờ anh Hà Tư Phước nuôi giúp. Sau 7 tháng được gia đình anh Phước chăm sóc cùng với những người bạn cùng cảnh ngộ, giờ Đông đã biết tự tắm rửa, tự ăn cơm và biết ra vườn cà phê nhặt cỏ giúp cho anh chị Phước. Bà Nguyễn Thị Si, xúc động nói trong nước mắt: “Tôi gửi con được 7 tháng rồi. Cháu bữa nay cũng đỡ nhiều. Gia đình chú Phước bỏ tiền ra để giúp đỡ những người bị tâm thần như con tôi, gia đình tôi rất biết ơn”.
Đối với Re- người dân tộc Jrai ở làng K’Be, xã H’Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum được gia đình đem đến nhờ anh Phước nuôi giúp từ năm 2009, đến nay anh đã đỡ được phần nào và dần dần nhớ về quá khứ của mình. Re bảo: Mình lấy vợ từ năm 2003. Vợ mình là người dân tộc Chăm quê ở huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, chúng mình đã có hai đứa con gái sinh đôi, năm nay cũng được 7 tuổi rồi, hiện nó đang học ở trường làng. Năm 2008, trong một lần uống rượu ngà ngà, mình tham gia đua xe máy với bạn bè thanh niên trong làng, rồi bị ngã, đầu đập xuống nền đường. Từ đó mình không còn nhớ gì nữa.
Khi đến với gia đình anh Phước, Re hiền lành, chăm chỉ và rất biết nghe lời. Giờ Re cũng đỡ rất nhiều, và mong muốn gia đình đến đón về để đoàn tụ. Re nói: Mình giờ khỏe nhiều, gần hết điên rồi. Mình muốn về với vợ để cùng với nó chăm sóc các con.
Cùng ở với những người bạn đồng cảnh ngộ tại gia đình anh Phước còn có Phạm Chí Nghĩa. Anh Phước bảo, Nghĩa là người hết sức đặc biệt. Nghĩa là người biết đánh đàn guitar và hát rất hay. Từ ngày về ở với anh, Nghĩa đã sáng tác được 6 bài hát ca ngợi về vẻ đẹp của con sông Đà, ca ngợi mảnh đất Pleiku hiền hòa…
Anh Phước cho biết: Hồi đầu năm tôi gặp nó lang thang ở khu vực Biển Hồ, thấy tội quá tôi mang về nuôi. Rồi anh Phước bảo Nghĩa kể về những khoảng thời gian lang thang vất vưởng ngoài đầu đường, góc chợ. Nghĩa nhớ lại những ngày sống ở Nha Trang: “...Lúc ấy mình còn trẻ lắm. Lang thang được mấy ngày đói quá, mình đi xin ăn nhưng chẳng ai cho cả. Người ta đâu có biết là tôi bị điên. Đói, khát tôi đành vơ một nắm cát bỏ vào mồm ăn ngấu nghiến và lấy nước biển để uống. Một lúc sau có người khách nước ngoài đi đến tôi liền chìa tay ra xin bằng tiếng Anh, họ cho tôi 20 đô la. Tôi đem tiền vào quán cơm bảo muốn mua cơm, họ bảo đấy là đô la giả. Có tiền không mua được gì tôi liền cho người bán bánh mì dạo, rồi họ đưa cho tôi 5 cái bánh mì, tôi ăn ngấu nghiến...”.
Tôi hỏi sao Nghĩa biết tiếng Anh? Nghĩa bảo, mình vốn là sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Quy Nhơn khóa học 1988-1990. Lúc ấy, học được hơn một năm thì mình thấy đầu đau như búa bổ, các con chữ, con số nó cứ ẩn hiện trong đầu mình. Mỗi lần như thế mình lại đi lang thang thấy đỡ đau hơn. Đi miết rồi đến với anh Phước đây. Giờ mình không muốn đi đâu nữa, muốn ở với anh Phước, chị Hạc thôi… Tôi không tin những gì Nghĩa đã nói. Nhưng tôi tin, chỉ có những con người đã trải qua trường lớp, được đào tạo mới có thể viết lời, sáng tác nhạc như anh Nghĩa.