Ksor H’Thiên Kim: Cô học trò Jrai đam mê văn học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ở với bà ngoại từ khi mới 4 tháng tuổi, em Ksor H’Thiên Kim (lớp 8, Trường Tiểu học và THCS Phạm Hồng Thái, xã Ia Tul, huyện Ia Pa) đã nỗ lực vượt lên hoàn cảnh để đạt nhiều thành tích trong học tập. Nghị lực của cô học trò Jrai cùng niềm đam mê văn học khiến thầy cô và bạn bè khâm phục.

Vượt lên hoàn cảnh

Chúng tôi tìm đến buôn Tơ Khế (xã Ia Tul) để gặp cô học trò Jrai giàu nghị lực Ksor H’Thiên Kim khi năm học vừa kết thúc. Căn nhà nhỏ chẳng có vật dụng gì đáng giá ngoài chiếc tủ lạnh đã cũ.

Bà Nguyễn Thị Bé (bà ngoại Kim) ngậm ngùi: “Cháu vừa nhập viện mấy ngày qua để điều trị bệnh hở van tim. Thương ngoại vất vả, lại sợ tốn nhiều tiền nên Kim xin bác sĩ cho về điều trị tại nhà”.

Em Ksor H’Thiên Kim là học sinh giàu nghị lực và có niềm đam mê văn học. Ảnh: V.C

Em Ksor H’Thiên Kim là học sinh giàu nghị lực và có niềm đam mê văn học. Ảnh: V.C

Nói về hoàn cảnh của cháu gái, giọng bà Bé chùng xuống: Khi Kim vừa tròn 4 tháng tuổi thì ba mẹ chia tay nhau. Mẹ vào Đồng Nai làm công nhân rồi lấy chồng khác. Ba cũng có gia đình mới. Kim ở với bà. 2 bà cháu nương tựa vào nhau trong căn nhà nhỏ trên phần đất mượn tạm của người cùng làng bởi bao nhiêu tài sản bà đã bán hết để chữa bệnh cho chồng nhưng ông vẫn không qua khỏi. Thương ngoại, Kim rất chăm chỉ học tập. Ngoài giờ học, Kim tranh thủ giúp việc nhà để bà có thời gian đi làm kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Trò chuyện cùng Kim, chúng tôi ấn tượng bởi khả năng đối đáp lưu loát, khiêm tốn của em. Kim tâm sự: Ngoại chăm sóc em từ bữa ăn đến giấc ngủ. Khi em ốm cũng một mình ngoại chăm lo. Em nghĩ, hoàn cảnh gia đình khó khăn, không thể làm gì giúp đỡ ngoại thì học tập tốt là món quà ý nghĩa nhất. Sự miệt mài học tập của em được đền đáp bằng danh hiệu học sinh giỏi suốt 8 năm học qua. Đặc biệt, trong kỳ thi chọn học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 8 cấp huyện năm học 2023-2024, em giành giải ba (kỳ thi không có học sinh đạt giải nhất, nhì).

“Khi nghe cô giáo thông báo kết quả, em vỡ òa hạnh phúc. Em không nghĩ mình đạt được thành tích cao như vậy. Em cảm ơn thầy cô đã kèm cặp, giúp đỡ và cảm ơn ngoại đã luôn là động lực để em cố gắng”-Kim giãi bày.

Đặt mục tiêu để phấn đấu

Chia sẻ về niềm đam mê văn học, Kim cho hay: Với mỗi tác phẩm văn chương, em đều muốn biết trong đó viết những gì, muốn theo dõi đến tận cùng câu chuyện, vì vậy mà em rất thích đọc sách. Giờ ra chơi hay những hôm trống tiết, em tranh thủ đến thư viện đọc sách hoặc mượn về nhà.

“Từ trong các câu chuyện, đôi khi, em bắt gặp hình ảnh của mình trong đó. Vì vậy, em coi văn học như người bạn của mình, sẻ chia và tìm hướng giải quyết những vấn đề trong cuộc sống. Với em, văn chương giúp con người sống trọn với cảm xúc của chính mình. Có lúc em cùng khóc, cùng cười với nhân vật”-Kim bày tỏ.

Ngoài giờ học, Thiên Kim giúp ngoại làm hết việc nhà. Ảnh: Vũ Chi

Ngoài giờ học, Thiên Kim giúp ngoại làm hết việc nhà. Ảnh: Vũ Chi

Kim cho rằng, để học tốt bất cứ môn học nào, học sinh đều cần đam mê và nỗ lực. Ở lớp, em lắng nghe, ghi chép đầy đủ lời thầy cô giảng, chủ động trình bày cách hiểu, cảm nhận của mình về nhân vật, tác phẩm. Về nhà, em đọc thêm sách tham khảo và tài liệu trên mạng xã hội để bổ sung làm giàu thêm kiến thức và cũng để làm phong phú thêm vốn từ ngữ, cách phân tích, diễn đạt. Năm học 2023-2024, Kim đạt danh hiệu học sinh giỏi với thành tích đáng nể: điểm tổng kết môn Ngữ văn đạt 9,4; 5/8 môn học đánh giá bằng điểm số đạt trên 9.

Chia sẻ về dự định trong tương lai, Kim bộc bạch: “Em đặt mục tiêu đạt giải tại kỳ thi chọn học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 cấp tỉnh. Em đã nhờ cô giáo gửi cho em một số đề thi để tự ôn luyện trong dịp hè. Tuy có niềm đam mê với văn chương là vậy nhưng em lại ước mơ sau này trở thành một doanh nhân, giúp cho gia đình, buôn làng thoát khỏi đói nghèo”.

Cô Nay H’Ning-Giáo viên chủ nhiệm của Kim: Ksor H’Thiên Kim có cách tiếp cận, nắm bắt và vận dụng kiến thức rất linh hoạt, sáng tạo để từ đó truyền tải vào bài viết đầy cảm xúc. Em có khả năng tự học rất tốt và quyết tâm cao.

Khi học bài ở nhà, chỗ nào chưa hiểu, em mạnh dạn nhờ thầy cô giải đáp qua điện thoại. Có những hôm 23 giờ em vẫn nhắn tin cho cô giáo dạy Ngữ văn trao đổi về bài viết. Đã rất lâu rồi, nhà trường mới có học sinh đạt giải cao tại kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện. Với một trường vùng khó và đặc biệt với hoàn cảnh gia đình, nghị lực của Kim thật đáng khâm phục.

Có thể bạn quan tâm

Trường học hạnh phúc

Trường học hạnh phúc

Một “trường học hạnh phúc”, không chỉ ở trường lớp khang trang, cảnh quan đẹp, trang thiết bị hiện đại, mà quan trọng nhất, phải là nơi học sinh, giáo viên, cán bộ nhân viên thấy an toàn, được yêu thương, tôn trọng, hăng say giảng dạy và học tập.

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Thầy giáo 'Idol'

Thầy giáo 'Idol'

Ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, học sinh gọi thầy giáo Phùng Văn Tráng, SN 1990, Bí thư Đoàn trường, là Idol (thần tượng). Không chỉ dạy giỏi, thầy luôn “sống cho đi”, giản dị.

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học: Nhiều hệ lụy

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học, nhiều hệ lụy

(GLO)- Những bức tường bám đầy rong rêu, thiết bị vệ sinh bám bẩn ố vàng, bốc mùi khó chịu, quá tải… là hiện trạng chung đang diễn ra tại không ít trường học đứng chân trên địa bàn các xã ở tỉnh Gia Lai. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe, tâm lý của học sinh lẫn mỹ quan học đường.

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

Giáo viên mầm non là nghề đặc thù, đòi hỏi có sức khỏe, sự dẻo dai, linh hoạt để đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình chăm sóc, dạy dỗ. Do đó, nhiều nhà giáo ủng hộ đề xuất cho nhà giáo ở bậc học này nghỉ hưu ở tuổi 55.