Krông Pa một thuở

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nhà báo Trần Hiếu vừa có một phóng sự trên báo Thanh Niên về bò ở vùng nắng nóng Krông Pa (tỉnh Gia Lai). Đọc xong khiến tôi nhớ bao chuyện ngổn ngang về vùng đất được mệnh danh là “chảo lửa” ấy.
Ngày chưa chia tách tỉnh, 2 huyện xa nhất của Gia Lai-Kon Tum là Đak Glei về phía Bắc và Krông Pa về phía Nam. Đak Glei thì 3 năm sau khi lên Pleiku tôi đã tới, còn Krông Pa thì phải... 5 năm sau nữa. Từ Pleiku muốn xuống Krông Pa thì đa phần là phải... ngủ đêm ở Ayun Pa, cái bến xe lèo tèo vài chuyến xe khách một ngày bây giờ là trụ sở Công an một phường của thị xã Ayun Pa, có cái nhà bán vé vách gỗ mái tôn. Ban đêm là nơi khách ngủ tạm để 3 giờ sáng dậy lục tục xếp hàng mua vé.
Cái sự nhộn nhịp người ban đêm ở bến xe thị trấn phố huyện Ayun Pa kia là do khách “quá cảnh” ngủ lại chờ xe đi tiếp. Đi đâu: Xuống Krông Pa! Ôi chao ơi là cái thời bao cấp. Từ Pleiku xuống Krông Pa phải đi 2 chặng xe. Pleiku-Ayun Pa mất nguyên 1 ngày. Phải ngủ lại bến xe, gọi đúng là vạ vật ở đấy, trong cái nhà tuềnh toàng bốn phía ván, nền xi măng, mái tôn nóng hầm hập. Vạ vật để chen nhau mua 1 cái vé để rồi sáng hôm sau đi thêm 50 cây số nữa, gập ghềnh hơn cả đường trên mặt trăng, đèo đẽo thêm gần ngày nữa mới tới cái thị trấn còn buồn hơn cả thị trấn phố huyện trong văn Thạch Lam. Mà không buồn không được, cả thị trấn một con đường đất đỏ quạch bụi mù, điện đường là thứ xa xỉ, dân cư thưa thớt.
Thực ra, khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, Krông Pa có bò rồi nhưng chưa nổi tiếng, vì có ai được ăn đâu. Đa phần là bán đi đâu đấy, chứ ít thấy bán trên thị trường, bởi đơn giản, bán cũng chả ai có tiền mua. Bản thân bà con Jrai thì họ chỉ làm thịt bò khi nhà có việc trọng như: pơ thi, lễ thổi tai, mừng lúa mới, cúng người chết... năm một lần cũng đã là nhiều rồi, làm và ăn trong nhà, dòng họ hoặc trong làng. Những con bò được chọn để làm thịt sẽ được ăn no, rồi dắt về cột ở sân nhà sàn. Từng người trong nhà sẽ đứng thành hàng nắm sợi thừng, nhà càng đông người, sợi thừng càng dài. Một người đàn ông trong nhà được chọn cầm cây le vót nhọn, bằng một động tác nhanh mạnh dứt khoát, lao cây le vào nách bò. Đa phần trúng tim, con bò gục xuống ngay. Rồi họ đốt. Con bò làm ra có mấy món chính, trong đó có một món làm nên thương hiệu Jrai, thương hiệu Krông Pa, là cà xóc. Thực ra cho tới giờ, tôi cũng không biết rằng, cà xóc có phải tiếng Jrai không, nhưng giờ nó thành món Jrai phổ biến rồi, ai cũng gọi thế.
Khung cảnh thanh bình ở buôn Blăk, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa. Ảnh: Hoàng Ngọc
Khung cảnh thanh bình ở buôn Blăk, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa. Ảnh: Hoàng Ngọc
Hồi bao cấp xuống Krông Pa có một thứ “đặc sản” dân nhậu rất thích, ấy là uống bia thoải mái, còn mua mang về nữa. Thời ấy, cả nước “bán bia kèm lạc”, tức mua bia phải mua kèm mồi, ít nhất là lạc, toàn đắt hơn bia. Pleiku không ngoại lệ, nhưng Krông Pa thì không. Hình như họ có chính sách đổi nông sản lấy bia gì đấy. Mấy anh tài xế “có điều kiện” mỗi lần từ Krông Pa lên là chở theo bia. Còn cánh chúng tôi đi công tác, việc đầu tiên là... mua bia uống. Tất nhiên, người vài chai là hết sức rồi. Và hồi ấy cũng chưa thấy món bò một nắng xuất hiện thì phải, hay chính xác là nó chưa có trên thị trường, bà con chỉ tự làm ăn với nhau. Theo tôi biết, bò một nắng nó có xuất xứ từ nai, bà con bắn được con nai, ăn không hết thì mang phơi nắng rồi gác bếp ăn dần. Sau này nai hiếm, bò nhiều, bèn chuyển sang công nghệ bò.
Cũng vài chục năm trước, ở Krông Pa, có một người mỗi tuần làm đúng 1 con bò, đúng 1 con vào một ngày cố định, bán hết là thôi, nghỉ, đợi đúng ngày ấy tuần sau mới làm. Bò tươi ngon khiến nhiều người ở Ayun Pa, thậm chí Pleiku căn ngày chạy xuống ăn. Là lúc này bắt đầu có không khí “kinh tế thị trường” rồi, nhiều người ở Pleiku căn ngày đi công tác vào đúng ngày này, xuống ăn một bữa bò tươi cho đỡ thèm.
Krông Pa tôi có vài người bạn, như họa sĩ Trần Quang Lực, cán bộ Ban Dân vận Huyện ủy, từng dạy tiếng Jrai rất giỏi, giờ về hưu vẫn bám trụ Krông Pa. Như họa sĩ Ngô Tuyến, sau mấy chục năm “bám trụ” Krông Pa mới chuyển về công tác tại Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch. Và như Phạm Ngọc Xuân, dân học văn Đại học Tổng hợp Huế, nguyên Bí thư Huyện ủy Krông Pa, nay thì chúng tôi hàng sáng vẫn gặp nhau khi đi bộ ở Quảng trường Đại Đoàn Kết. Anh Xuân gắn bó với Krông Pa là cả hành trình dài 25 năm. Nhớ cái thời anh từ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy được điều xuống Krông Pa tới giờ, là cả một trời một vực. Nói thế vì tôi vừa đi họp lớp ở Tuy Hòa, lái xe trên đường 25, qua Krông Pa, thấy cảnh sắc nơi này đẹp như tranh vẽ, tìm mãi chả ra những chốn mình từng lang thang một thuở. Thực địa tìm không ra, nhưng ký ức mãi còn...
VĂN CÔNG HÙNG

 

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

(GLO)- Hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã triển khai một số mô hình hay nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, tự lực vươn lên phát triển kinh tế.

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

(GLO)- Những năm qua, xã Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo.

Kông Chro mùa gió

Kông Chro mùa gió

(GLO)- Những dãy núi cứ thế hiện ra huyền ảo trong sương sớm. Mặt trời mùa gió thắm nhẹ vén màn mưa để trải ánh vàng xuống miền đất của người Bahnar phía rừng già. Và tôi đã có những ngày mê đắm nơi vùng đất Kông Chro.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã có thể gửi ý kiến về các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất thông qua hệ thống Google form. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai: Tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua Google form

(GLO)- Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 3260/SKHĐT-DN đề nghị các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã và các Hội nghề nghiệp triển khai tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp qua hệ thống Google form.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.