Krông Pa: Huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- So với các địa phương khác trong tỉnh, Krông Pa vẫn là huyện thuộc tốp cuối xét về tiến độ xây dựng nông thôn mới. Xuất phát điểm thấp, điều kiện tự nhiên-kinh tế-xã hội chưa phát triển là những nguyên nhân khiến cho Krông Pa khó hoàn thành được các chỉ tiêu chương trình nông thôn mới đề ra…

Xã điểm mới đạt 12-16 tiêu chí

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Krông Pa có 13 xã tham gia, trong đó có 2 xã điểm là Ia Mláh và Phú Cần. Trong các năm qua, từ nhiều nguồn vốn khác nhau để đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo… đến nay, các xã trên địa bàn huyện cơ bản đã đạt từ 7 tiêu chí trở lên; riêng xã Phú Cần đạt 12 tiêu chí, Ia Mláh đạt 16 tiêu chí.
 

 Tại một lới học ở Krông Pa. Ảnh: Lê Hòa
Tại một lới học ở Krông Pa. Ảnh: Lê Hòa

Theo dự kiến, tổng nguồn vốn huy động từ các nguồn năm 2015 cho các nội dung xây dựng nông thôn mới là 169,178 tỷ đồng, bao gồm: vốn lồng ghép từ ngân sách tỉnh, huyện và các chương trình, dự án khác (vốn dự án IFAD, vốn tín dụng, vốn nhân dân đóng góp...). Trên cơ sở đó, huyện Krông Pa dự kiến sẽ thực hiện cứng hóa 16 công trình đường giao thông nông thôn (tổng kinh phí khoảng 11,6 tỷ đồng) và dành khoảng 21,696 tỷ đồng đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, tu bổ các tuyến đường giao thông tại các xã. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn tỉnh phân cấp, ngành chức năng huyện đang tiến hành thi công hệ thống kênh tưới đập dâng Uar và sửa chữa một số tuyến kênh. Trích một phần nguồn vốn hỗ trợ cho địa phương sản xuất lúa, đầu tư kiên cố hóa kênh mương hồ nước Phú Cần, phấn đấu đến cuối năm 2015, toàn huyện có 8/13 xã đạt chuẩn tiêu chí về thủy lợi...

Đối với tiêu chí điện nông thôn, bưu điện, Krông Pa hiện có 13/13 xã hoàn thành các tiêu chí này. Các xã đều có điện đến trung tâm với tỷ lệ 98,6% hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn; các điểm phục vụ bưu chính ở xã hoạt động tốt, có internet và phục vụ thư báo kịp thời. Về giáo dục, tỷ lệ các xã có trường đạt chuẩn quốc gia theo nông thôn mới là 7/13 xã, đạt 53,8%; 100% các xã đạt phổ cập giáo dục tiểu học; 7/13 xã bao gồm: Phú Cần, Ia Mláh, Ia Rmok, Ia Rsươm, Uar, Chư Drăng, Chư Ngọc có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học (THPT, bổ túc, học nghề) đạt 53,8%. Huyện đang tiếp tục đầu tư, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, thư viện đạt chuẩn theo quy định.

Bên cạnh đó, toàn huyện có 8/13 xã có tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 20% với tổng số lao động nông thôn qua đào tạo trên địa bàn là 6.852 người. Toàn huyện đã có 7/13 xã có trung tâm văn hóa thể thao, 10/13 xã có đủ nhà văn hóa thôn, buôn (100/117 nhà văn hóa thôn). Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 92%, đã hoàn thành thẩm định hồ sơ đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới của Trạm Y tế xã Ia Mláh, đang trình UBND tỉnh phê duyệt...

Nhiều tiêu chí khó đạt

 

Cơ sở hạ tầng vùng nông thôn Krông Pa vẫn còn nhiều hạn chế. Ảnh Hải Lê
Cơ sở hạ tầng vùng nông thôn Krông Pa vẫn còn nhiều hạn chế. Ảnh Hải Lê

Không thể phủ nhận, chương trình nông thôn mới với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, địa phương và toàn thể nhân dân trên địa bàn đã đem lại nhiều đổi thay tích cực về bộ mặt nông thôn ở Krông Pa. Tuy nhiên, chia sẻ về những khó khăn trong tiến trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa, cho biết: Với một huyện còn nhiều khó khăn như Krông Pa thì việc hoàn thành bất cứ một tiêu chí nào cũng là thử thách không nhỏ. Tuy nhiên, khó nhất vẫn là 3 tiêu chí: số hộ nghèo, mức thu nhập bình quân và tiêu chí đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn.

Cụ thể, Krông Pa là huyện có tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao, lại không được thiên nhiên ưu đãi các điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế như các vùng khác nên tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo toàn huyện vẫn còn ở mức cao, chiếm tới trên 40% tổng số hộ dân, trong khi muốn đạt chuẩn tiêu chí hộ nghèo xã phải duy trì tỷ lệ hộ nghèo dưới 7%. “Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới trên 80% tổng số hộ nghèo là điều khó cho công tác giảm nghèo”-ông Duyên nhấn mạnh. Tỷ lệ hộ nghèo cao kéo theo mức thu nhập bình quân đầu người không cao. Thực tế thu nhập bình quân của người dân Krông Pa hiện nay mới chỉ dao động quanh ngưỡng 10 triệu đồng/năm, trong khi tiêu chí đặt ra là phải đạt mức thu nhập bình quân trên 20 triệu/năm. Đây là thách thức không nhỏ để hoàn thành được tiêu chí này, đặc biệt với các xã nghèo như Ia Hdreh, Krông Năng…

Cũng theo ông Duyên: tiêu chí nhà ở “3 cứng” (tường cứng, mái cứng, nền cứng), với diện tích bình quân tối thiểu 14 m2/người trở lên là rất khó với bà con Jrai ở Krông Pa vì phong tục gia đình nhiều thế hệ, rất đông đúc. Hay như tiêu chí tỷ lệ người dân được đào tạo nghề phải chiếm trên 20% là rất khó và còn phải mất rất nhiều thời gian mới thực hiện được. Với tiêu chí về môi trường, hiện tại nước sinh hoạt cho nhân dân vẫn đang còn là vấn đề nan giải, đặc biệt là vào mùa khô khát. Về rác thải nông thôn hay các tập quán sinh hoạt, chăn thả, nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn nhà đang là vấn đề nan giải.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

(GLO)- Mắc ca là loại cây “kén” khí hậu nhưng khi trồng ở xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lại cho năng suất và chất lượng hạt vượt trội so với vùng đất khác và mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân địa phương trở thành triệu phú.

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Còn hơn 2 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhưng thời điểm này, người dân trồng hoa tại thành phố Kon Tum đang tất bật gieo trồng, chăm sóc cây hoa để phục vụ thị trường, với hy vọng sẽ có một vụ hoa Tết thành công.

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

(GLO)- Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2024, toàn tỉnh có 15 mã số vùng trồng xuất khẩu được cấp mới với diện tích 332,09 ha xuất khẩu trên thị trường Trung Quốc và 4 mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu với tổng công suất 155 tấn quả tươi/ngày.

Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hà Duy

Liên kết sản xuất phục vụ xuất khẩu

(GLO)- Việc liên kết sản xuất đang được các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Gia Lai chú trọng nhằm tạo nguồn nông sản chất lượng phục vụ xuất khẩu. Nhờ đó, nông sản của tỉnh đã thâm nhập thị trường của gần 50 quốc gia trên thế giới.