Không nên 'lao tâm khổ tứ' vì vàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vàng không còn chi phối nền kinh tế, cũng chẳng ảnh hưởng đến đời sống người dân, vì vậy không nên “lao tâm khổ tứ” với những cơn biến động của giá vàng.

Một cửa hàng vàng trên đường Phó Cơ Điều, Q.11, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Một cửa hàng vàng trên đường Phó Cơ Điều, Q.11, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG



Đó là chia sẻ với Tuổi Trẻ của ông Trương Văn Phước, nguyên quyền chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.

Dù đây đó còn nhiều thắc mắc về việc không cho nhập vàng, giá vàng trong nước neo cao so với giá thế giới... nhưng ông TRƯƠNG VĂN PHƯỚC nói:

- Hàng chục năm trước, ngân hàng có huy động vàng, cho vay vàng, xuất nhập khẩu vàng, có sàn vàng, cho kinh doanh vàng trên tài khoản trong nước và quốc tế. Nay không còn các hoạt động này. Đó là sự khác nhau vô cùng quan trọng.


 

Giá vàng tăng vọt, tỉ giá bình ổn nên không ảnh hưởng đến giá cả hàng hóaNguồn: Công ty SJC, Vietcombank - Dữ liệu: A.HỒNG - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Giá vàng tăng vọt, tỉ giá bình ổn nên không ảnh hưởng đến giá cả hàng hóaNguồn: Công ty SJC, Vietcombank - Dữ liệu: A.HỒNG - Đồ họa: TẤN ĐẠT


Giá vàng nhảy múa, tỉ giá VND/USD vẫn ổn định, đâu có lý do gì phải lo ngại giá vàng làm tăng lạm phát, giá cả.

Ông Trương Văn Phước



Không làm tăng lạm phát

* Từng là vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước), từng bình ổn thị trường vàng hàng chục năm trước, ông nhận xét gì về sự khác nhau trong tâm lý người dân, thị trường... ở hai thời kỳ và theo ông, giá vàng lên có đáng lo?

- Ngày trước, người dân có thể rút tiền tiết kiệm mua vàng rồi gửi lại ngân hàng lấy lãi và chờ giá lên rút ra bán. Khi giá xuống, họ lại lấy vàng thế chấp tại ngân hàng để lấy tiền mua vàng. Chính hoạt động mua bán mang tính đầu cơ này ẩn chứa nhiều rủi ro, có người thắng nhưng cũng lắm kẻ thua. Bên cạnh đó, hoạt động huy động, cho vay, xuất nhập khẩu vàng lại tác động đến tỉ giá VND/USD. Mỗi lần xuất hay nhập vàng đều làm tỉ giá biến động.

Còn hiện nay, khi không còn các hoạt động này nữa, có thể khẳng định dù giá vàng thế giới tăng ghê gớm, khoảng 25%, nhưng thị trường ngoại hối vẫn ổn định, tỉ giá không biến động, vì thế không thể tác động đến đời sống người dân, doanh nghiệp.

* Giả sử giá vàng còn lên nữa, 2.000 USD/ounce, trong nước lên 60 triệu đồng/lượng có làm giá hàng hóa trong nước tăng lên và gây sức ép lên tỉ giá VND/USD?

- Bình thường giá vàng im ắng. Chỉ khi có chuyện, như COVID-19, giá vàng mới "nhảy nhót". COVID-19 xuất hiện, đẩy nền kinh tế thế giới vào khó khăn, buộc chính phủ các nước phải đưa nhiều tiền để giúp người dân, cứu doanh nghiệp. Các nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thế giới hiểu rằng cứ thế này trong tương lai tiền sẽ mất giá, lạm phát sẽ tăng. Từ đó, họ tin rằng vàng là một trong những nơi trú ẩn an toàn, đẩy giá vàng tăng.

Nhưng trong nước, dù giá vàng thế giới có tăng thế nào đi nữa thì tỉ giá vẫn ổn định, mua bán vàng không có gì đột biến bởi chúng ta đã chấm dứt hoạt động của sàn vàng, huy động cho vay vàng. Dù sắp tới giá vàng thế giới có tăng thế nào cũng không tác động đến giá hàng hóa trong nước và tỉ giá VND/USD, bởi vì các nhân tố lan truyền của giá vàng thế giới vào trong nước không còn nữa.

Cần lưu ý rằng hiện nay hằng năm chúng ta nhập rất nhiều hàng hóa để tiêu dùng trong nước, tất cả đều thanh toán bằng ngoại tệ, không phải bằng vàng. Giá vàng nhảy múa, tỉ giá VND/USD vẫn ổn định, đâu có lý do gì phải lo ngại giá vàng làm tăng lạm phát, giá cả. Mặt khác, Mỹ đang kiên trì với chính sách USD yếu, thậm chí có thể áp dụng lãi suất USD âm, do vậy dù giá vàng có tăng, tỉ giá VND/USD cũng không chịu ảnh hưởng quá lớn.

* Vì sao ông cho rằng vàng không còn vai trò gì đối với nền kinh tế như nó từng có vị trí này nhiều năm trước?

- Còn huy động vàng, cho vay vàng, vàng tài khoản, còn xuất khẩu vàng, nhập khẩu vàng... thì biến động của thị trường vàng thế giới sẽ lan truyền rất nhanh vào trong giá vàng, tỉ giá ở trong nước từng giây từng phút, rồi ảnh hưởng đến giá cả. Không còn các hoạt động này, thực tế cho thấy 7 tháng đầu năm tỉ giá chỉ tăng 0,1 - 0,2%, trong đó tỉ giá trung tâm tăng 0,3%, tỉ giá liên ngân hàng và tỉ giá thị trường tự do tăng 0%. Đây là câu trả lời thuyết phục rằng vai trò của vàng đối với tỉ giá không còn nữa.

 

 Ông Trương Văn Phước - Ảnh: VIỆT DŨNG
Ông Trương Văn Phước - Ảnh: VIỆT DŨNG


Nên dè dặt khi mua vàng lúc này

* Theo ông, số lượng những nhà đầu tư vàng so với kênh chứng khoán hay bất động sản thế nào?


- Chưa có thống kê về lượng người tham gia mua bán vàng hay bất động sản nhưng nhìn trực quan, số người mua bán vàng ngày nay đã giảm đi rất nhiều. Cửa hàng vàng vẫn tồn tại nhưng chỉ đáp ứng nhu cầu vàng vật chất rất thuần túy của người dân.

Ngược lại, thị trường chứng khoán hằng ngày giao dịch hàng ngàn tỉ. Với bất động sản thì khỏi nói, các khu đô thị mới liên tục mọc lên khắp nơi cho thấy người dân bỏ tiền vào bất động sản rất lớn. Từ đó có thể nói người bỏ vốn vào vàng là không nhiều.

* Nhiều người có tiền nhưng không giữ vàng chép miệng biết vậy mua vàng. Liệu người dân có nên kiên trì với các kênh đầu tư đã chọn như bỏ vốn làm ăn, gửi tiết kiệm...?

- Đầu tư phải có rủi ro. Khẩu vị rủi ro là tùy vào từng người. Lãi cao, rủi ro cũng cao. Nhìn chung, kinh tế VN, nếu so với thế giới, có nhiều tín hiệu tích cực. Nhiều nước rơi vào suy thoái, khủng hoảng, còn VN kinh tế vẫn tăng trưởng, lại có xu hướng chuyển dịch sản xuất ở những quốc gia gặp khó khăn sang VN. Với kênh đầu tư chứng khoán, thị trường này còn chịu tác động từ thị trường chứng khoán thế giới. Gửi tiết kiệm là an toàn, phù hợp với người không thích mạo hiểm. Cần ghi nhận rằng tiết kiệm của VN luôn ở trạng thái dương, tức lãi suất tiết kiệm luôn cao hơn lạm phát...

Đó là vài nhận định về xu hướng đầu tư. Nhưng riêng với vàng, loại tài sản phụ thuộc vào nước ngoài liên tục biến động như thế, tại sao chúng ta lại "lao tâm khổ tứ" vì nó? Từ nay đến cuối năm có rất nhiều sự kiện từ kinh tế, chính trị, dịch bệnh mà không ai có thể lường hay dự báo được. Nếu có lời chia sẻ, đó là phải vô cùng hạn chế, vô cùng dè dặt khi mua vàng lúc này.

Giá vàng đã tăng liên tục trong bảy tuần. Hiện có đến 2/3 các nhà bình luận trên thế giới cho rằng giá vàng còn tăng. Nhưng 1/3 còn lại cho rằng giá vàng tăng quá nhanh, có yếu tố đầu cơ. Họ dẫn chứng lượng vàng nhập khẩu của hai khách hàng lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ thời gian qua không tăng. Mà giá vàng chỉ tăng bền vững khi có nhu cầu mua vàng vật chất, nếu không giá tăng rồi sẽ đảo chiều do đầu cơ quá mức.

Còn ở trong nước, lượng mua bán vàng thực ra không lớn, chủ yếu là do có nghị định 24 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng. Điều quan trọng cần ghi nhận là chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới gần đây có lúc dương, lúc âm, khác với nhiều năm trước là chỉ có dương, tức trong nước luôn cao hơn thế giới. Đấy chính là rủi ro cho người mua vàng.

 


Cuối tuần, giá vàng trong nước đi lùi

Giá vàng thế giới đã kết thúc tuần giao dịch ở mức 1.901,3 USD/ounce - gần bằng mức kỷ lục của năm 2011, nhưng một diễn biến lạ là giá vàng miếng SJC lại thụt lùi.

Giá bán vàng miếng ngày 26-7 tại tiệm vàng Mi Hồng xuống mức 54,55 triệu đồng/lượng. Tại Công ty DOJI, giá bán vàng miếng SJC cũng liên tục giảm, bán ra chỉ còn 54,4 triệu đồng/lượng, giá mua vào 53,4 triệu đồng/lượng. Với mức giá này, nếu ai mua vàng ở thời điểm trưa 24-7, ngày 26-7 bán ra đã lỗ 2,5 - 2,6 triệu đồng/lượng.

Chênh lệch giữa giá mua - bán vàng ngày 26-7 cũng giãn rộng 1 - 1,5 triệu đồng/lượng. Chính chênh lệch giá mua - bán quá cao khiến người mua vàng những ngày gần đây khó có lời dù thấy giá tăng liên tục.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng trong nước vẫn đang cao 1,21 -1,66 triệu đồng/lượng (giá vàng thế giới quy đổi chỉ khoảng 53,34 triệu đồng/lượng).

Nhu cầu mua vàng cũng ở mức thấp so với những thời điểm sốt giá trước đây. Vì có thời điểm Công ty SJC niêm yết giá bán vàng miếng ở mức 56 triệu đồng/lượng, giá vàng DOJI chỉ ở mức 55,2 triệu đồng/lượng. Theo giới kinh doanh, nếu thị trường vàng sốt nóng, người dân xếp hàng mua vàng như những năm 2010, 2011 thì không bao giờ có chuyện giá bán vàng giữa các công ty vàng cách biệt lớn như vậy.

A.HỒNG


Theo THÁI THỊNH (TTO)
 

Có thể bạn quan tâm

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

(GLO)- Đến thời điểm này, huyện Chư Pưh đã thu được gần 29 tỷ đồng nộp ngân sách, đạt khoảng 120% dự toán tỉnh và HĐND huyện giao (trừ tiền sử dụng đất). Từ nay đến hết năm 2024, ngành Thuế huyện tiếp tục triển khai các giải pháp để quản lý thuế, chống thất thu cũng như khai thác tốt các nguồn thu.

Tiếp tục giảm 2% thuế VAT tới 1.7.2025

Tiếp tục giảm 2% thuế VAT tới 1.7.2025

Quốc hội đồng ý tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong nửa đầu năm 2025; đồng thời yêu cầu chấm dứt việc miễn thuế với hàng giá trị dưới 1 triệu nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, Temu.

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.