Khởi tố ông Đinh La Thăng: Lòng dân đồng thuận cùng ý Đảng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 8-12, từ các cơ quan ngôn luận đến trang mạng xã hội đồng loạt thông tin về quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng, khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nhà riêng ông Đinh La Thăng-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

Cùng ngày, Cơ quan Điều tra Bộ Công an cũng khởi tố, bắt tạm giam em trai ông Thăng là Đinh Mạnh Thắng-Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà. Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết “Về việc khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét và tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng, đại biểu Quốc hội khóa XIV” và nghị quyết tương tự đối với ông Nguyễn Quốc Khánh, đại biểu Quốc hội khóa XIV. Ông Nguyễn Quốc Khánh-nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đang công tác tại Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực.

 

Ảnh internet
Ảnh internet

Thông tin ban đầu từ các cơ quan chức năng, những sai phạm của ông Đinh La Thăng, Nguyễn Quốc Khánh, Đinh Mạnh Thắng cùng một số đối tượng khác liên quan đến nhóm hành vi: cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng; tham ô tài sản; lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, liên quan đến việc PVN góp vốn 800 tỷ đồng vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương và Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) đầu tư Dự án Nhiệt điện Thái Bình II.

Những sai phạm của nhóm bị can này xảy ra từ thời ông Đinh La Thăng làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị (sau này là Hội đồng thành viên) Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam giai đoạn 2006-2011.

Những người dân ở Gia Lai biết về Đinh La Thăng rất sớm, từ  năm 1994, thời ông làm Kế toán trưởng của Tổng Công ty Sông Đà đầu tư xây dựng công trình thủy điện Ia Ly. Mặc dù làm Kế toán trưởng và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, song ông Thăng đã rất biết cách phát huy vai trò, vị trí của mình. Nhờ phát huy thực lực ở Ia Ly, ông Thăng trưởng thành rất nhanh trên cương vị lãnh đạo ở Tổng Công ty Sông Đà, giữ các vị trí then chốt: Phó Tổng Giám đốc, Tổng Giám đốc, rồi Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Sông Đà. Năm 2002, ở tuổi 42, ông Đinh La Thăng được bầu làm đại biểu Quốc hội (Đoàn đại biểu Quốc hội Gia Lai). Sau đó, đến Đại hội Đảng lần thứ X (tháng 4-2006), ông Thăng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Ngoài 40 tuổi, ông Đinh La Thăng đã xuất hiện trên chính trường với gương mặt nổi bật và thăng tiến nhanh qua nhiều cương vị lãnh đạo chủ chốt. Nhiều người ngưỡng mộ ông Thăng bởi những lời nói và hành động táo bạo, quyết liệt, “dám nghĩ, dám làm”. Khẩu khí của Đinh La Thăng gây ấn tượng mạnh, đôi lúc là tâm điểm dư luận.

Ai cũng thừa nhận ông Thăng có năng lực, song đi kèm với đó cũng nhiều tật, mà người dân ở Gia Lai chứng kiến rõ nhiều việc. Là đại biểu Quốc hội được Trung ương giới thiệu về ứng cử tại địa bàn Gia Lai, ông Thăng về tiếp xúc cử tri “hứa thật nhiều nhưng thất hứa cũng thật nhiều”. Những vị trí chủ chốt ở một số nơi mà ông nắm giữ, khi tại vị thì việc gì nghe cũng rất hoành tráng, song ông rời vị trí đó đi, để lại cho đơn vị, cho ngành nhiều hệ lụy nặng nề. Cụ thể là những sai phạm ở PVN và dư luận không hay về các BOT ở ngành Giao thông-Vận tải hiện nay.

Việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư làm kiên quyết, xử lý nghiêm những sai phạm ở PVN và cá nhân ông Đinh La Thăng khiến dư luận hết sức phấn khởi. Đảng ta đã nhiều lần nhận định tham nhũng là quốc nạn, chỉ rõ sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả những người giữ vị trí cao. Tuy nhiên, xử lý nghiêm khắc, quyết liệt có lẽ trường hợp Đinh La Thăng là đầu tiên. Lần đầu tiên, một cán bộ nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, đang là Ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội bị khởi tố bắt giam.

Việc cùng lúc khởi tố bắt 3 đối tượng: Đinh La Thăng, Nguyễn Quốc Khánh, Đinh Mạnh Thắng trong thời điểm ít ai ngờ nhất cho thấy hành động khéo léo, thận trọng, chặt chẽ nhưng cũng không kém phần quyết tâm, quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Từ nay trở đi, người dân có cơ sở để tin rằng câu nói “chống tham nhũng tiêu cực không có vùng cấm” trong xử lý sai phạm cán bộ mà Đảng ta khẳng định là hoàn toàn hiện thực. Từ nay, những người giữ cương vị cao đến mấy, muốn làm những việc mờ ám, tiêu cực phải nghĩ lại, phải chờn tay.

Nhật Cường

Có thể bạn quan tâm

Các chiến sĩ Lữ đoàn Pháo phòng không 234 trong giờ đọc báo. Ảnh: đơn vị cung cấp.

Lữ đoàn Pháo phòng không 234 chú trọng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

(GLO)- Những năm gần đây, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại Lữ đoàn Pháo phòng không 234 (Quân đoàn 34) đã có bước chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, xây dựng ý thức tự giác chấp hành pháp luật của Nhà nước, kỷ luật quân đội trong cán bộ, chiến sĩ.

Chuyện 2 ngôi làng đặc biệt trên biên giới Ia Mơ

Chuyện 2 ngôi làng đặc biệt trên biên giới Ia Mơ

(GLO)-Ở xã biên giới Ia Mơ (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai), làng Ring và làng Khôn được thành lập theo những cách khác nhau nhưng đều rất đặc biệt. Mặc dù làng hình thành chưa lâu nhưng những người dân ở đây sinh sống hòa thuận, cùng nhau đoàn kết bảo vệ biên cương Tổ quốc và xây dựng cuộc sống mới.

Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong giữ gìn trật tự an toàn giao thông

Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong giữ gìn trật tự an toàn giao thông

(GLO)- Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai, với quyết tâm chính trị cao, toàn thể cán bộ, đảng viên thuộc Đảng bộ cơ sở Cảnh sát giao thông đã đoàn kết, thống nhất triển khai có hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Hồi hương trong tình người và hy vọng

Hồi hương trong tình người và hy vọng

(GLO)- Khi mùa khô năm 2024 vừa chớm, ở buôn Ia Rnho (xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) có một người lặng lẽ rời đi. Đó là Nay Tri-người từng vướng vào vụ phá rừng, luôn sống trong nỗi lo sợ bị pháp luật trừng trị.

34 tỉnh, thành phố mới trên toàn quốc có 145 Ban Chỉ huy phòng thủ khu vực

34 tỉnh, thành phố mới trên toàn quốc có 145 Ban Chỉ huy phòng thủ khu vực

Việc xây dựng dự thảo luật sửa đổi, bổ sung 11 luật về quân sự, quốc phòng là bước đi cần thiết trong bối cảnh các địa phương đang tiến hành điều chỉnh địa giới hành chính và tái cấu trúc lực lượng vũ trang theo luật định kể từ ngày 1/7/2025, bảo đảm theo hướng tinh, gọn, vững mạnh và hiện đại.

null