Khổ vì Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Dịch Covid-19 khiến cả hai vợ chồng phải vào khách sạn... cách ly, trong khi vườn tược, heo bò thiếu vắng người chăm sóc. Giờ đây mọi thứ đảo lộn trong hoàn cảnh thật khác”-ông Nguyễn Dũng (thôn 5, xã Trà Đa, TP. Pleiku) nói với tôi.
Ông Dũng là con trai trưởng trong gia đình. Vừa rồi, ngày giỗ cha, ông không dám mời bà con lối xóm. Mâm cơm chỉ độ hơn chục người trong gia đình. Anh em chủ yếu sống quần tụ trong thôn 5. Có ai ngờ sau buổi gặp mặt rất đầm ấm ấy, cả 5 gia đình anh em, con cháu của ông Dũng đều phải đi cách ly y tế vì cùng dự tiệc có đứa cháu gọi bằng cậu... dính F0. “Tổng cộng có 14 người phải đi cách ly, trong đó có 3 cặp vợ chồng tự túc... nghỉ dưỡng ở Khách sạn Tre Xanh”-ông Dũng nói qua điện thoại. Mà cách ly ở khách sạn có yên tâm đâu. Ông nói trong lo lắng: “Cả 3 gia đình đều làm vườn, chăn nuôi. Cả vườn cà chua, ớt, bắp sú, dưa leo, cải thảo... đến kỳ thu hoạch nhưng đành phải bỏ dở. Đàn bò cũng không người chăm sóc”.
Biết gia đình ông Dũng đi cách ly, ngay tối hôm đó, kẻ trộm lập tức đột nhập vào vườn hái hơn 3 tạ cà chua. “May là 2 con bò... còn nguyên. Chỉ vì đám giỗ mà cả 5 gia đình đều phải đi cách ly, rồi ảnh hưởng bao nhiêu công việc của từng nhà. Đúng là dịch bệnh nguy hiểm quá nên ý thức chấp hành theo sự cảnh báo của chính quyền không bao giờ thừa”-ông Dũng rút ra bài học từ chính mình.
Theo ông Bùi Văn Phúc-Chủ tịch UBND xã Trà Đa, trên địa bàn xã có 2 trường hợp F0 và 25 trường hợp F1 phải thực hiện cách ly y tế. “Ủy ban nhân dân xã đã có phương án gì bảo vệ tài sản và hỗ trợ chăm sóc đàn vật nuôi cho các hộ dân?”-tôi hỏi. Ông Phúc cho hay: “Vào ban đêm, chúng tôi cử lực lượng thường xuyên tuần tra khu vực nhà có người đi cách ly tập trung để xử lý khi có tình huống bất ổn. Gia đình nào có đề xuất gì thì chúng tôi báo cáo cấp có thẩm quyền để có phương án hỗ trợ”.
Không biết việc bảo vệ tài sản cho người dân tại khu vực thôn 5 đến đâu nhưng ngày 14-11, chị Nguyễn Thị Ngọc Mai phản ánh: “Biết nhà không có người trông coi, kẻ trộm đã đột nhập lật tung mọi thứ, cắt đứt hệ thống camera an ninh và lấy đi một số tài sản. Hiện chính quyền xã đã vào cuộc để truy tìm kẻ gian”.
HUỲNH LÊ

Có thể bạn quan tâm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.
Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

(GLO)- Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới, sáng 22-4, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc) tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2024 với chủ đề “Sách-Hành trang trí thức”.
Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.