(GLO)- Sau kỳ thi THPT Quốc gia 2017, Bộ Giáo dục-Đào tạo đã sơ bộ có nhận xét rằng, kỳ thi năm nay khá thành công trong tiến trình đổi mới thi cử của ngành, cơ bản đạt được những yêu cầu đề ra là an toàn, tiết kiệm và công bằng. Căn cứ vào kết quả công bố điểm tốt nghiệp của các địa phương và phổ điểm của Bộ thì năm nay không có biến động lớn so với mọi năm. Chỉ đặc biệt nổi lên số điểm tuyệt đối cao ngất với hơn 4.000 điểm 10 (năm 2016 chỉ có 69 điểm 10), bên cạnh đó cũng có trên 6.200 điểm liệt. Riêng phổ điểm, người ta thấy điểm trung bình ở môn Ngoại ngữ quá thấp (môn Tiếng Anh có 69% học sinh dưới trung bình) và ngược lại ở môn Giáo dục công dân lại quá cao (điểm trung bình là 7,79).
Thí sinh làm bài tại kỳ thi THPT Quốc gia 2017. |
Đối với dư luận, có nhiều ý kiến đánh giá trái chiều đối với kỳ thi THPT Quốc gia lần này. Họ cho rằng, với tỷ lệ tốt nghiệp cao, hầu hết các địa phương đều đạt trên 90% (tỉnh Gia Lai có tỷ lệ tốt nghiệp gần 93%), nhiều tỉnh, thành đạt tỷ lệ trên 99%, nhiều trường đạt 100% và với “mưa điểm 10” như vậy liệu có đúng thực chất không, chất lượng giáo dục quả thật có được nâng lên đúng như kết quả kỳ thi không? Những nghi vấn nói trên, xét về góc độ nào đó cũng có lý của nó. Nhiều giáo viên THPT thẳng thắn bày tỏ, nếu tổ chức một kỳ thi đúng nghĩa, đánh giá đúng với năng lực thực chất thì chỉ khoảng 60% học sinh phổ thông hiện nay đủ điều kiện tốt nghiệp. Nhiều trường khi khảo sát điểm qua học bạ cuối năm 12 so với điểm thi tốt nghiệp thường chênh nhau trên 2 điểm (điểm trong học bạ bao giờ cũng cao hơn điểm thi).
Thực ra, về tổng thể thì kết quả tốt nghiệp năm nay không có gì bất thường so với mọi năm. Tuy nhiên, một số chuyên gia khi nhìn vào kết quả tốt nghiệp phổ thông gần như tuyệt đối như vậy đã cho rằng, nếu tổ chức kỳ thi quốc gia đầy tốn kém và quy mô mà học sinh đậu gần hết thì không cần thiết mà nên xét tốt nghiệp cho các em, miễn là đảm bảo sự công bằng trong việc tổ chức xét duyệt ở cơ sở. Còn các trường đại học thì giao cho việc tự chủ trong tuyển sinh dưới nhiều hình thức. Bộ chỉ quản lý chất lượng đầu ra bằng các công cụ chuẩn trong giám sát, kiểm tra. Nếu thực hiện theo quy trình này thì việc thi cử sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Trái lại, nhiều nhà giáo tâm huyết vẫn bảo lưu quan điểm truyền thống là có học thì phải có thi. Thi cử không có nghĩa là phổ cập mà làm qua loa, hình thức; phải tổ chức nghiêm túc để đánh giá chính xác năng lực học sinh và chọn ra được những tinh hoa. Đó cũng là sự phân công hết sức tự nhiên, những em giỏi sẽ vào các ngành nghiên cứu mang tính chất sáng tạo, còn lại các em có học lực bình thường thì vào các trường thực hành hay trường dạy nghề để trở thành công nhân có tay nghề… Bộ chủ quản nên tiếp tục nghiên cứu cải tiến các kỳ thi tốt nghiệp sắp đến sao cho gọn gàng, nghiêm túc, đúng thực chất hơn. Vấn đề áp dụng các đề thi trắc nghiệm thay vì tự luận (kỳ thi vừa qua chỉ riêng môn Ngữ văn không áp dụng hình thức thi trắc nghiệm) cũng đã gây tranh cãi. Có người cho rằng, hình thức thi tự luận sẽ đánh giá được tư duy sáng tạo của thí sinh và giảm bớt được “điểm oan” cho học sinh khi lập luận đúng nhưng vội vàng tính kết quả sai (khi Bộ quyết định môn Toán thi bằng hình thức trắc nghiệm, Hội Toán học Việt Nam đã có văn bản kiến nghị nên áp dụng hình thức thi tự luận).
Còn về câu hỏi, điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp năm nay cao hơn mọi năm là do chất lượng học sinh đã được nâng lên một cách đồng đều hay là do bộ đề thi quá dễ, không phân hóa đúng năng lực học sinh, tuy Bộ đã giải thích khá rõ nhưng một bộ phận người quan tâm đến giáo dục vẫn chưa đồng ý. Theo tôi, mỗi kỳ thi đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng; kết quả của nó phụ thuộc vào 2 yếu tố cơ bản là kiến thức, kỹ năng làm bài của thí sinh và tính chất của bộ đề thi nhằm phân hóa đối tượng cao hay thấp. Do tính chất kỳ thi tốt nghiệp năm nay mà Bộ đã có sự chuẩn bị khá tốt nên các trường THPT tổ chức ôn luyện cho học sinh khá kỹ, nhiều nơi còn tổ chức thi thử rồi rút kinh nghiệm và bổ túc kịp thời cho các em nên kết quả như trên cũng là điều dễ hiểu.
Việt Linh