Kdang- những cảnh đời ngơ ngẩn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
.

(GLO)- Trừ bà mẹ già đã ngoài 70, những người còn lại trong ngôi nhà ấy đều ngẩn ngơ, thơ thẩn. Thu mình trong một thế giới riêng chẳng ai thấu tỏ, họ tuồng như không cần biết đến thực tại, không cần biết rằng cuộc sống mình sẽ trôi về đâu…

Ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Sâm, 72 tuổi, cùng 4 đứa con, cháu lúc tỉnh lúc mê khiến ai cũng phải chạnh lòng: Chỉ toàn gạch vữa tạm bợ, không có tiền tô trát. Một khoảnh đất đắp tạm ít giấy bạt làm nhà tắm nằm hớ hênh và vô lý ngay trước nhà. Những cơn gió hanh hao cuối đông lùa vào khiến căn nhà tuềnh toàng càng thêm lạnh lẽo.

Những người bị “trời hành”

Từ trái sang: Bà Sâm và 2 đứa con dở ngây dở dại là Phó Đức Chiến và Phó Thị Phượng. Ảnh: Phương Duyên
Từ trái sang: Bà Sâm và 2 đứa con dở ngây dở dại là Phó Đức Chiến và Phó Thị Phượng. Ảnh: Phương Duyên

Người dân ở thôn Cây Điệp, xã Kdang, huyện Đak Đoa (Gia Lai) hầu như ai cũng biết hoàn cảnh gia đình bà Sâm. Chồng bà là ông Phó Đức Năng, 77 tuổi, đã mất hơn một năm trước; ông bà có 8 người con thì 3 người “ngất ngây mất trí” (từ dùng của bà Sâm). Năm 1979, ông bà đưa cả gia đình từ Hưng Yên vào huyện Chư Pah- Gia Lai theo phong trào đi xây dựng kinh tế mới. Khi Công ty cao su Mang Yang thành lập năm 1984, gia đình ông bà chuyển xuống huyện Mang Yang (cũ) xin vào làm công nhân tại đây cho đến năm 1989 thì nghỉ vì lớn tuổi. “Hồi đó, tôi cũng có xin cho mấy đứa con vào làm nhưng người ta không đồng ý vì sợ chúng nó dở người mà băm nát hết cao su”- bà Sâm kể. Cuộc sống trôi qua với rất nhiều khó khăn từ cái ăn, cái mặc.

Từ ngày ông mất, tấm lưng của bà càng còng xuống khi phải một mình gánh vác cả một gia đình với mấy đứa con, cháu ngơ ngẩn như không có ký ức, đó là Phó Thị Phượng- 52 tuổi, Phó Đức Chiến-50 tuổi và cháu ngoại Bùi Văn Sỹ- 22 tuổi (con trai chị Phượng; chồng chị và chị đã bỏ nhau).

Theo lời mẹ bảo, chị Phó Thị Diện, cô con gái chưa chồng 43 tuổi, pha trà tiếp chúng tôi. “Nó không mất trí nhưng cũng đứt mấy dây rồi”- bà “giới thiệu” khi chị Diện khệ nệ bưng ấm tách lên. Anh Chiến trốn biệt vào nhà khi thấy người lạ, như muốn giấu đi bộ dạng luộm thuộm; còn chị Phượng thì chẳng hề đoái hoài gì đến câu chuyện của mấy người khách mà chỉ ngồi tựa cửa cắn hạt dưa, đôi mắt nhìn xa xăm như tư lự về một điều gì không rõ. Gọi tên thì chị quay lại nhìn nhưng hỏi tuổi mình và tuổi con trai thì chị lắc đầu không nhớ. Bà Sâm đưa cho chúng tôi xem giấy tờ xác nhận của Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa (ngày 28-11-2011), theo đó chị Phượng và anh Chiến “thần kinh không ổn định”, còn cháu Sỹ thì “không nói được”.

“Lúc còn nhỏ tôi có cho đi học nhưng chúng nó không học được, ưng thì học, không ưng thì về, có lúc xé sách vở. Chuyện xảy ra lúc sáng, đến chiều không nhớ. Lúc nào lên cơn bốc đồng, chúng nó mắng chửi cả bố mẹ, đập phá đồ đạc…”- nỗi khổ tâm hằn trên gương mặt bà mẹ già với cuộc đời chẳng ngày nào thanh thản. 2 cô con gái khi tỉnh táo chỉ biết chút ít việc nhà cửa, cơm nước, còn bà phải lo hết chuyện giặt giũ, thậm chí là tắm rửa cho 2 người đàn ông đã quá tuổi thành niên từ lâu là Chiến và Sỹ. Sỹ khỏe mạnh nhưng lại bị câm từ nhỏ, không làm được gì, đi lang thang suốt ngày; ai cho gì ăn nấy, có khi đêm đến bà phải đốt đuốc đi tìm.

Chị Phó Thị Phương, con gái đầu của bà sang chơi nhà, chua xót kể: Có lúc cả 5 ngày không thấy Sỹ về thì nghe người ta mách là đang nằm trên lô cao su, ra tìm mới thấy Sỹ đang nằm sùi bọt mép vì ăn toàn khoai lang và khoai mì sống suốt nhiều ngày liền. Đó là chưa kể có lúc lên cơn Sỹ còn vác dao rượt đuổi cậu Chiến chạy có cờ!

Vì vậy, ở cái tuổi lẽ ra phải được nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già thì bà Sâm vẫn chưa hết lận đận. Để kiếm sống qua ngày và nuôi 4 đứa con cháu dở ngây dở dại, những ngày khỏe tay khỏe chân bà Sâm thường xay gạo làm bánh cam, bánh ít đi bán dạo, mỗi ngày tiền lời chỉ được khoảng 15-20.000 đồng. Tuổi đã cao, lại sống lâu ngày với những người ngơ ngẩn, dường như bà Sâm cũng bắt đầu lẫn đi ít nhiều. Khi nghe hỏi về những đứa con, bà ngớ ra: “8 đứa có phải không nhỉ, nhiều con quá tôi không nhớ hết!”. Tuy nhiên, sau đó bà vẫn kể rành mạch tên 8 đứa, một phần vì đó là những cái tên dễ nhớ: Phương, Phượng, Chiến, Chanh, Toàn, Diện, Chính, Nghĩa.

“Nghèo đến hết đời”

Chiếc cối đá này đã từng giúp bà Sâm kiếm sống và nuôi 4 đứa con, cháu bị
Chiếc cối đá này đã từng giúp bà Sâm kiếm sống và nuôi 4 đứa con, cháu bị "trời hành". Ảnh: Phương Duyên

Nhưng sự bất hạnh của gia đình bà Sâm không chỉ có bấy nhiêu. Chị Phó Thị Phương kể, trừ 3 anh chị em không bình thường, 5 người còn lại đều có gia đình. Song, trong số 4 chị em gái đã lấy chồng thì có đến 3 người phải sớm chịu cảnh góa bụa, cuộc sống gặp không ít khó khăn. “Chị em chúng tôi mỗi tháng cũng chỉ giúp mẹ được chừng 3-5 cân gạo, có bao nhiêu giúp bấy nhiêu… Nhà này làm năm 2010, cũng do con cái mỗi người góp một ít xây lên thay cho ngôi nhà rách vách nát trước kia. Con Diện thì ngớ ngẩn, chỉ khôn hơn 2 đứa kia một chút. Không biết bà mà chết thì làm thế nào đây?”- chị Phương thở dài. Mà cái ngày đó chắc cũng không còn xa mấy, bởi bà Sâm hiện đang bị tê thấp và huyết áp cao. Kể hết nỗi lòng, đôi mắt già nua của bà chỉ kéo qua một màn nước chứ không còn đủ sức ứa nổi một giọt nước mắt.

Chị Nguyễn Thị Chu, hàng xóm của gia đình có hoàn cảnh trớ trêu này, cho biết, vì ở sát nhà nên chị thường xuyên qua lại giúp đỡ, có khi cho ít sắn khoai, có khi can ngăn những lúc mấy anh chị em lên cơn đánh nhau. “Nhà này sẽ nghèo cho đến chết, nghèo vĩnh viễn”- chị Chu lắc đầu kết luận một câu nghiệt ngã. Ông Ngô Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã K’Dang, cũng đồng tình: “Gia đình này thuộc diện rất nghèo chứ không phải nghèo bình thường, vì đất đai, tài sản, lao động đều không có”. Ông Tùng cho biết, xã có thực hiện các chế độ dành cho hộ nghèo, những lúc khó khăn còn dùng biện pháp hỗ trợ đột xuất đối với gia đình bà Sâm. “Hiện xã đang làm thủ tục trợ cấp hàng tháng theo Nghị định 67 (180.000 đồng/người/tháng) cho 3 người có giấy xác nhận của Trung tâm Y tế huyện. Nhưng số tiền này chắc cũng chẳng thấm vào đâu…”- ông Tùng cám cảnh nói.

Chúng tôi cũng chợt chùng lòng tự hỏi, không biết bao giờ số phận mới công bằng hơn với họ, 5 con người ra ngẩn vào ngơ chỉ biết trông chờ vào lòng thương của nhân thế?

Phương Duyên
 

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.