Ia Sao tuyên truyền, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm gần đây, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ia Sao (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cũng như thành lập các mô hình kinh tế giúp phụ nữ thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên phát triển kinh tế.

Giảm nghèo từ mô hình tiết kiệm

Xã Ia Sao có 5 thôn, buôn với 976 hộ/4.720 khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Do trình độ sản xuất lạc hậu và chưa biết tiết kiệm nên một số hộ vẫn bị cái nghèo đeo bám. Với mục đích giúp chị em phụ nữ biết cách chi tiêu tiết kiệm, tích lũy để đầu tư phát triển sản xuất, năm 2020, Hội LHPN xã đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng tại buôn Khăn với 15 thành viên.

Chị Nay H’Nhớt-Chủ nhiệm CLB-chia sẻ: Sau khi thành lập, Ban Chủ nhiệm CLB hướng dẫn các thành viên ghi chép sổ tay hàng ngày các khoản cần chi, khoản cần để dành, mục tiêu cần đạt và kế hoạch sử dụng vốn để làm động lực phấn đấu. Mỗi ngày, chị em có thể tiết kiệm ít nhất 10.000 đồng, mỗi tháng các chị em sẽ tiết kiệm từ 300.000 đồng trở lên hoặc tiết kiệm theo mùa vụ.

Cuối năm, CLB tổ chức tổng kết, công bố số tiền dành dụm được. Những chị tiết kiệm được nhiều chia sẻ kinh nghiệm để chị em khác làm theo. Sau 1 thời gian tham gia CLB, chị em đã hình thành thói quen trong chi tiêu, không cần phải ghi sổ sách nhưng vẫn có thể tiết kiệm để đầu tư phát triển kinh tế và chăm lo cho con cái học hành.

Hội LHPN xã Ia Sao ra mắt mô hình hội viên phụ nữ tiết kiệm tiền nuôi heo đất mua bảo hiểm y tế tại buôn Khăn. Ảnh: V.C

Hội LHPN xã Ia Sao ra mắt mô hình hội viên phụ nữ tiết kiệm tiền nuôi heo đất mua bảo hiểm y tế tại buôn Khăn. Ảnh: V.C

Một trong những hội viên điển hình của CLB Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng là chị Nay H’Krôn (buôn Khăn). Theo chị H’Krôn, trước đây, bà con không có thói quen thu hoạch nông sản tập trung mà chỉ thu dần khi có nhu cầu. Đơn cử như việc nhiều gia đình thường chỉ thu hoạch 1 xe mì về bán, ăn tiêu hết thì mới đi thu hoạch xe mì khác. Đầu vụ sản xuất, người dân phải đi vay vốn của thương lái, đến khi thu hoạch nông sản phải bán non, bị ép giá để trả nợ. Cuộc sống vì vậy luôn thiếu trước hụt sau. Từ khi tham gia CLB, nhờ được cán bộ Hội hướng dẫn, chị em biết cách chi tiêu tiết kiệm, thu hoạch nông sản tập trung để có vốn dành dụm. Thu hoạch của gia đình xong, chị em đi làm thuê kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Nhờ vậy đến vụ sản xuất tiếp theo không phải đi vay nợ.

Chị H’Krôn phấn khởi kể: “Gia đình tôi vừa thu hoạch xong 7 sào lúa TH6 và 3 ha mì. Sau khi trừ chi phí, gia đình lãi trên 70 triệu đồng. Tôi quyết định mua phân bón dự trữ để trồng thuốc lá, còn lại gửi tiết kiệm. Gia đình còn nuôi 7 con bò, thu hoạch lúa thì dùng rơm làm thức ăn dự trữ cho bò. Nhờ số tiền tích góp được, năm 2022, gia đình vay thêm 70 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để dựng được căn nhà khang trang, nhà tiêu hợp vệ sinh. Cuộc sống được cải thiện nhiều mặt”.

Nhờ biết tiết kiệm, chị Nay H’Krôn (buôn Khăn) đã phát triển mô hình kinh tế tổng hợp, trở thành hộ khá giả trong buôn. Ảnh: Vũ Chi

Nhờ biết tiết kiệm, chị Nay H’Krôn (buôn Khăn) đã phát triển mô hình kinh tế tổng hợp, trở thành hộ khá giả trong buôn. Ảnh: Vũ Chi

Sau khi Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) tại xã Ia Sao đã giảm xuống đáng kể. Vốn quen với việc được Nhà nước hỗ trợ, giờ đây, người dân tự bỏ tiền túi mua BHYT trở thành chuyện không hề đơn giản. Vì vậy, bên cạnh việc phối hợp với Bảo hiểm Xã hội thị xã tổ chức tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng và những lợi ích BHYT mang lại để tự nguyện tham gia năm 2022, Hội LHPN xã tổ chức ra mắt mô hình Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm nuôi heo đất mua BHYT với 15 thành viên tại buôn Khăn. Tại lễ ra mắt, Hội LHPN xã tặng mỗi thành viên 1 con heo đất và 50.000 đồng. Kết quả, tất cả 15 thành viên đều đăng ký mua BHYT tại chỗ và cam kết tiết kiệm nuôi heo đất để tham gia BHYT cho bản thân và gia đình trong năm 2024.

Chị Ksor H’Djruêng (buôn Khăn) bộc bạch: Rủi ro trong cuộc sống là điều không ai có thể biết trước được. Tham gia BHYT giúp mình an tâm hơn trong cuộc sống. Tuy vậy, cùng lúc sử dụng hơn 2 triệu đồng tham gia BHYT cho các thành viên trong gia đình là áp lực khá lớn.

“Tham gia mô hình, tôi được chị em hướng dẫn nuôi heo đất tiết kiệm. Mỗi ngày, tôi chỉ cần bỏ heo 10.000 đồng, 1 năm sau đập heo là tôi có thể tham gia BHYT cho cả gia đình. Nếu có dư sẽ mua đồ dùng học tập cho các con hoặc sắm thêm vật dụng cần thiết. Đây là cách làm hay và hiệu quả mà ai cũng có thể làm được”-chị H’Djruêng chia sẻ kinh nghiệm.

“Cầu nối” để giảm nghèo

Hội LHPN xã Ia Sao hiện có 890 hội viên. Chung tay cùng chính quyền địa phương thực hiện tiêu chí giảm nghèo, mỗi năm, Hội LHPN xã đề ra chỉ tiêu hỗ trợ 2 hộ hội viên thoát nghèo. Ngay từ đầu năm, Hội phối hợp với chính quyền địa phương, Mặt trận và các đoàn thể rà soát thực trạng hộ nghèo để trên cơ sở thiếu hụt tiêu chí, Hội xây dựng phương án hỗ trợ phù hợp. 1 trong 2 hộ được Hội nhận giúp đỡ thoát nghèo năm 2023 là chị Ksor H’Phương (buôn H’Liếp)-hộ khó khăn về nhà ở và thiếu đất sản xuất.

Đối với vấn đề nhà ở, Hội LHPN xã đề xuất chính quyền địa phương đưa vào danh sách, sử dụng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để hỗ trợ. Hội LHPN xã hỗ trợ thêm ngày công và giới thiệu việc làm giúp chị H’Phương có thêm thu nhập. Biết chị H’Phương cùng em gái mồ côi cha mẹ, Hội đã nhận đỡ đầu em gái, hỗ trợ nhu yếu phẩm hàng tháng. Nhờ đó, cuối năm 2023, gia đình chị đã thoát nghèo.

Chị H’Phương trải lòng: “2 chị em mồ côi cha mẹ nên cuộc sống gặp vô cùng khó khăn. Được chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng căn nhà mới khang trang, lại được Hội LHPN xã hướng dẫn cách thức làm ăn, giới thiệu việc làm nên tôi có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Khi đã thoát nghèo rồi, tôi sẽ chăm chỉ làm ăn, cố gắng tiết kiệm để có thể mua con bò phát triển kinh tế gia đình”.

Nhân “Ngày thứ 5 cơ sở”, cán bộ Hội LHPN xã Ia Sao xuống từng thôn, buôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hội viên để có biện pháp giúp đỡ phù hợp. Ảnh: V.C

Nhân “Ngày thứ 5 cơ sở”, cán bộ Hội LHPN xã Ia Sao xuống từng thôn, buôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hội viên để có biện pháp giúp đỡ phù hợp. Ảnh: V.C

Nhận thấy đa phần số hội viên nghèo đều thiếu vốn sản xuất, Hội LHPN xã đã làm cầu nối hỗ trợ chị em tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Hiện tại, Hội đang quản lý 7 tổ tiết kiệm và vay vốn với 139 chị vay, tổng dư nợ 15 tỷ đồng. Sau khi vay vốn, Hội LHPN xã cùng các chi hội phụ nữ thôn, buôn thường xuyên kiểm tra, giám sát và hướng dẫn chị em sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, trả lãi, gốc đúng thời gian quy định, không để nợ xấu xảy ra. Bằng phương pháp cầm tay chỉ việc, nhiều hội viên phụ nữ sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát triển kinh tế gia đình. Khi trả hết nợ, chị em vay lại để có vốn tiếp tục đầu tư, mua thêm ruộng rẫy, vật nuôi, mở rộng sản xuất, tăng thu nhập.

Theo chị Nay H’Moan-Chủ tịch Hội LHPN xã, với vai trò điểm tựa cho hội viên phụ nữ, Hội LHPN xã đã tích cực vận động chị em tham gia các mô hình, CLB tiết kiệm, giúp nhau phát triển kinh tế. Từ đó, chị em biết tiết kiệm chi phí sản xuất, tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội, tiết kiệm điện, nước, chi tiêu, mua sắm… Nhờ tiết kiệm mà nguồn vốn được duy trì, ngày càng nhân lên, tạo điều kiện phát triển kinh tế. Hội LHPN còn là cầu nối giúp chị em tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội hay Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển các cấp để đầu tư sản xuất.

Thông qua “Ngày thứ 5 cơ sở” hàng tuần, Ban Chấp hành Hội trực tiếp đến các thôn, buôn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em để có hướng giúp đỡ phù hợp. Với những mô hình hay, cách làm hiệu quả, gương điển hình tiên tiến, Hội giới thiệu trên mạng xã hội Zalo, Facebook để lan tỏa và tổ chức cho chị em đi tham quan học hỏi, áp dụng vào điều kiện kinh tế gia đình. Có vốn, có kỹ thuật, chị em mạnh dạn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Trao đổi với P.V, ông Lê Văn Tuệ-Chủ tịch UBND xã Ia Sao-thông tin: Trên cơ sở kết quả rà soát tiêu chí thiếu hụt của hộ nghèo đầu năm 2023, xã lập danh sách 3 hộ phê duyệt hỗ trợ nhà ở với kinh phí 44 triệu đồng/hộ. Các hộ đối ứng thêm bằng cách vay vốn Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã 40 triệu đồng để xây dựng nhà ở khang trang; hỗ trợ sản xuất bằng cách cấp bò sinh sản cho 38 hộ nghèo với tổng nguồn vốn 638 triệu đồng; hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người trong độ tuổi lao động…

Bên cạnh các chương trình hỗ trợ, chính quyền xác định, để đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững thì việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân đóng vai trò rất quan trọng. Đảng ủy, UBND xã giao chỉ tiêu cụ thể cho từng ban, ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên phụ trách giúp đỡ hộ nghèo. Thông qua các mô hình, Hội LHPN xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của chị em phụ nữ. Nhờ được tiếp cận nhiều nguồn thông tin hữu ích, cuối năm 2023, xã giảm được 21 hộ nghèo và 9 hộ cận nghèo. Hiện xã còn 35 hộ nghèo, 40 hộ cận nghèo, đạt chỉ tiêu đề ra. Đây là động lực để chính quyền địa phương tiếp tục xây dựng kế hoạch giảm nghèo nhanh và bền vững trong thời gian tiếp theo.

Có thể bạn quan tâm

Quang cảnh hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Dự án 8 tại huyện Ia Pa. Ảnh: Vũ Chi

Ia Pa sơ kết 3 năm triển khai Dự án 8

(GLO)- Sáng 10-12, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) tiến hành sơ kết 3 năm thực hiện dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” giai đoạn 2021-2024.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo ở làng Bua, xã Ia Pnôn. Ảnh: V.H

Đức Cơ quan tâm tạo sinh kế cho hộ nghèo

(GLO)- Cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) chiếm 10,19%. Nhưng đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 7,92%. Để có được kết quả này, huyện đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, đặc biệt là tạo sinh kế giúp hộ nghèo chủ động vươn lên trong cuộc sống.

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc tại huyện Kbang về “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Kbang thực hiện cấp giấy CNQSDĐ cho 11/68 hộ được hỗ trợ nhà ở

(GLO)- Sáng 4-12, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Gia Lai do bà Đinh Ly An-Trưởng Ban Dân tộc làm trưởng đoàn đã giám sát tại huyện Kbang về “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

Khoảng lặng ở Tây Hồ

Khoảng lặng thôn Tây Hồ

(GLO)- Khoảng lặng chúng tôi muốn nói đến chính là cuộc sống của những người từng mắc bệnh phong, sống lặng lẽ ở xóm cùi thuộc thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai).