Ia Sao đổi thay nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng thuận của người dân trong xây dựng làng nông thôn mới (NTM), diện mạo của xã Ia Sao (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã đổi thay rõ rệt. Hệ thống hạ tầng khang trang, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Tập trung mọi nguồn lực xây dựng NTM

Theo chân cán bộ xã Ia Sao, chúng tôi đến thăm buôn H’Liếp trong những ngày cuối năm 2024. Con đường dẫn vào buôn khang trang, sạch sẽ và được tô điểm bởi rực rỡ sắc hoa mười giờ xen lẫn chiều tím, hoàng yến. Không khí thật trong lành, thoáng đãng.

Ông Nay Bớt-Trưởng ban Công tác Mặt trận buôn H’Liếp-chia sẻ: Chào đón năm mới, người dân tích cực tham gia dọn vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, trồng hoa làm đẹp thêm cho các tuyến đường, tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp. Bên cạnh đó, bà con chủ động xử lý rác thải phát sinh trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi, vừa tăng thu nhập vừa góp phần bảo vệ môi trường.

ia-sao-doi-thay-nho-chuong-trinh-xay-dung-nong-thon-moi-dd.jpg
Ông Ksor Krão (ở giữa)-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn H’Liếp tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo. Ảnh: V.C

Như nhiều người trong buôn H’Liếp, trước đây, mỗi khi thu hoạch lúa xong, ông Bớt thường gom rơm rạ đốt ngay trên đồng với mục đích tạo độ tơi xốp, màu mỡ cho đất. Nhưng đốt rơm rạ lại gây lãng phí và ô nhiễm không khí.

“Gần đây, sau khi được cán bộ địa phương hướng dẫn, tôi tận dụng rơm làm thức ăn cho đàn bò, trộn với chất thải gia súc ủ làm phân hữu cơ để bón cho cây trồng. Cách làm này giúp gia đình giảm thời gian chăn thả bò cũng như giảm chi phí mua phân bón đầu tư sản xuất”-ông Bớt cho hay.

Xác định môi trường là một tiêu chí khó đạt trong xây dựng làng NTM, đặc biệt là tình trạng xả rác thải bừa bãi, nuôi nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn gây ô nhiễm môi trường sống, hệ thống chính trị buôn H’Liếp thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tích cực thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình; tận dụng phế phẩm sau khi thu hoạch làm thức ăn cho gia súc, gia cầm; xây dựng nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh, di dời chuồng trại ra xa nơi ở.

Nhờ vậy, ý thức của người dân ngày càng được nâng cao, cảnh quan môi trường nông thôn được cải thiện rõ rệt. Bây giờ, buôn H’Liếp không còn tình trạng nước thải sinh hoạt chảy tràn trong khu dân cư; 72% hộ có nhà tiêu, nhà tắm, thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch; 85,9% hộ chăn nuôi đảm bảo các quy định về vệ sinh.

Trên thực tế, buôn H’Liếp còn gặp khó ở một số tiêu chí như: thu nhập, hộ nghèo, y tế. Ông Ksor Krão-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn-cho hay: Theo kết quả rà soát đầu năm 2024, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) mới đạt hơn 50%. Với mục tiêu phấn đấu tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT lên trên 90% vào cuối năm 2024, hệ thống chính trị buôn H’Liếp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của BHYT trong cuộc sống; hướng dẫn người dân chi tiêu tiết kiệm, chia mức đóng BHYT thành từng quý để tham gia cho cả gia đình, phòng ngừa rủi ro.

Buôn H’Liếp cũng huy động và tranh thủ nguồn lực do các tổ chức, cá nhân, đơn vị kết nghĩa hỗ trợ để giúp người dân tham gia BHYT. Đến nay, tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 91,62%. Riêng tiêu chí hộ nghèo, buôn được xã bố trí kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ 2 căn nhà, 6 con bò sinh sản, 5 bồn nước sạch giúp các hộ vươn lên thoát nghèo.

Gia đình bà Nay H’Loát là một trong những hộ được hỗ trợ bò sinh sản để phát triển chăn nuôi. Hàng ngày, bà tranh thủ cắt cỏ cho bò ăn, chăm sóc để bò mau lớn, sinh những con bê khỏe mạnh, giúp gia đình có thêm thu nhập. Niềm vui nhân đôi khi vừa qua, bà được tạo điều kiện vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã để xây dựng căn nhà khang trang.

Bà H’Loát bộc bạch: “Được các cấp quan tâm tặng con bò làm sinh kế, tôi mừng lắm. Tết này, tôi vừa có nhà mới lại vừa có bò để nuôi. Tôi sẽ cố gắng làm ăn xây dựng cuộc sống mới”.

Cách đó không xa, gia đình ông Ksor Quang cùng có chung niềm vui được hỗ trợ bò sinh sản. Thấy chúng tôi đến thăm, chị Nay H’Sôn (con gái ông) vội chạy sang niềm nở tiếp đón bởi ông bà đi rẫy chưa về.

Chị H’Sôn cho hay: “Đang ngày mùa nên ba mẹ tôi dắt bò lên núi vừa chăn thả vừa thu hoạch mì. Cuộc sống ba mẹ dần ổn định, con cái chúng tôi rất mừng. Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm giúp đỡ gia đình ba mẹ tôi”.

Buôn làng khởi sắc

Phấn khởi trước những kết quả đạt được từ chương trình xây dựng NTM, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn H’Liếp cho hay: Được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự chung sức đồng lòng của người dân, bộ mặt buôn làng khang trang hơn trước rất nhiều. Từ năm 2023 đến nay, chính quyền địa phương quan tâm bố trí kinh phí đầu tư nâng cấp 2 tuyến đường nội thôn với tổng chiều dài hơn 600 m. Người dân cũng tự nguyện hiến đất để mở rộng tuyến đường.

Đến nay, 100% đường trục thôn đã được bê tông hóa; 100% đường nội đồng được cứng hóa. Buôn không còn nhà tạm, nhà dột nát. 100% hộ dân có điện và sử dụng nước sạch. Địa bàn buôn H’Liếp được phủ sóng điện thoại, truy cập internet. Thông qua hệ thống loa truyền thanh, tất cả các hộ đều có thể tiếp cận thông tin bổ ích hàng ngày.

2vc.jpg
Người dân buôn H’Liếp được hỗ trợ bò sinh sản để phát triển sản xuất. Ảnh: V.C

Thành công nhất từ chương trình xây dựng làng NTM là nhận thức của người dân được nâng lên. Ông Nay Nót (người có uy tín của buôn H’Liếp) vui mừng cho biết: Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, bà con nhận thức rõ vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM; tự giác xây dựng nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh, di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà ở; chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều thanh niên đi làm công nhân giúp đời sống ngày một nâng cao.

“Hiện nay, buôn H’Liếp chỉ còn 1 hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người đạt 45,02 triệu đồng/năm. Trẻ em đều đến trường đúng độ tuổi, không còn tình trạng bỏ học giữa chừng. An ninh trật tự được giữ vững ổn định”-ông Nót thông tin.

Sau 5 năm đạt chuẩn NTM, buôn Khăn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền. Diện mạo nông thôn ngày một khởi sắc, đổi mới; đời sống người dân, đặc biệt là các hộ nghèo được cải thiện rõ rệt.

Bà Ksor H’Yam-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Khăn-cho biết: Từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, từ năm 2022 đến nay, buôn được hỗ trợ 1 căn nhà, 13 con bò sinh sản, 6 công trình nước sạch và 3 bồn chứa nước cho các hộ dân. Ngoài ra, 30 người dân được tạo điều kiện học nghề điện dân dụng, 12 người tham gia lớp xóa mù chữ.

“Bà con không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và đồng thuận góp vốn, góp sức thực hiện chương trình. Trong 7 hộ nghèo của buôn Khăn có tới 6 hộ làm đơn xin thoát nghèo. Hiện buôn chỉ còn 1 hộ thuộc đối tượng bảo trợ xã hội”-bà H’Yam thông tin.

Thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, xã Ia Sao coi xây dựng làng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, liên tục và lâu dài.

Với 78% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, nhận thức của người dân còn hạn chế nên xã xây dựng làng NTM theo phương châm chậm nhưng chắc. Năm 2019, buôn Khăn được công nhận đạt chuẩn NTM. Năm 2024, xã tiếp tục phấn đấu xây dựng buôn H’Liếp đạt chuẩn NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Tánh-Phó Chủ tịch UBND xã-cho biết: Ngay sau khi có kế hoạch của Ban Thường vụ Thị ủy Ayun Pa chọn buôn H’Liếp xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số, xã đã tập trung huy động mọi nguồn lực, lồng ghép các chương trình hỗ trợ buôn H’Liếp.

Đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên phụ trách từng tiêu chí, xây dựng kế hoạch cụ thể với phương châm tiêu chí dễ làm trước, tiêu chí khó làm sau, vừa phát huy nội lực từ người dân, vừa tranh thủ sự giúp sức của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm nhằm đảm bảo tốt công tác an sinh xã hội tại địa phương.

Đến nay, buôn H’Liếp đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM. Hiện xã đang hoàn chỉnh hồ sơ trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. “Thực tế ở buôn H’Liếp, buôn Khăn là động lực tiếp sức cho các thôn, buôn còn lại phấn đấu vươn lên đạt chuẩn NTM. Đây cũng là tiền đề quan trọng để xã đạt chuẩn NTM nâng cao”-Phó Chủ tịch UBND xã nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Về miền lá đỏ

Về miền lá đỏ

(GLO)- Tôi thường có thói quen tìm đến những cánh rừng bạt ngàn trong cơn gió xuân dịu nhẹ. Mùa xuân, nhiều cung đường rừng ở tuyến Trường Sơn Đông uyển chuyển khoác lên tấm lụa tràn đầy sắc màu, đỏ rực một vùng trời.

Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree tiến hành khảo sát và lập đề án tín chỉ carbon rừng trồng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: M.P

Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree tiên phong lập đề án tín chỉ carbon rừng trồng

(GLO)- Sau khi khảo sát và làm việc với đơn vị chủ rừng, Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree (TP. Hồ Chí Minh) đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh đề nghị chủ trương thí điểm lập dự án trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh và lập đề án tín chỉ carbon rừng trồng trên địa bàn tỉnh.

Dịp Giáng sinh năm nay, nhiều phụ huynh tranh thủ dắt con cháu đến các nhà thờ trên địa bàn thành phố để tham quan, chụp ảnh kỷ niệm”. Ảnh: Lạc Hà

Người dân Gia Lai nô nức đón Giáng sinh

(GLO)- Tối 24-12, người dân khắp nơi trên địa bàn tỉnh Gia Lai xúng xính trong áo ấm, khăn choàng, nô nức xuống đường tận hưởng không khí Giáng sinh. Đêm Noel, các nhà thờ, xóm đạo trở nên lung linh hơn trong ánh điện, rộn rã với nhiều hoạt động mừng Chúa giáng trần.

Công nhân Công ty 74 vận hành máy băm trộn cỏ làm thức ăn cho bò. Ảnh: T.S

Tình ca du mục miền Ia Kla

“Thảo nguyên bát ngát mênh mông tận chân trời/Cỏ cây hoa lá hương thơm tỏa ngát đồng”. Giai điệu ca khúc lãng mạn của những năm tuổi trẻ cứ nhẹ nhàng lẩn quất trong tâm trí khi tôi đến thăm trại bò siêu thịt của Công ty TNHH một thành viên 74 (Binh đoàn 15) trên địa bàn xã Ia Kla, huyện Đức Cơ.

Gia Lai đại diện cho 5 tỉnh Tây Nguyên tham gia tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024

Gia Lai đại diện cho 5 tỉnh Tây Nguyên tham gia tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024

(GLO)- Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024 diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 19 đến 22-12, tại Sân bay Gia Lâm, TP. Hà Nội. Sự kiện là dấu ấn đặc biệt của Quân đội nhân dân Việt Nam trong dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.