Ngoài 10 hộ tham gia mô hình còn có gần 30 hộ nông dân có cùng sở thích của xã Kim Tân cùng tham gia tập huấn. Tại đây, các hộ được cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và Chuyên viên Công ty cổ phần Khoa học và Công nghệ NaTek hướng dẫn cách sử dụng phân hữu cơ và các loại phân bón lá giàu chất hữu cơ, quản lý nước theo quy trình ngập khô xen kẽ, áp dụng IPM trong quản lý dịch hại, kỹ thuật chăm sóc lúa từng giai đoạn sinh trưởng…
Các hộ dân tham quan thực tế tại ruộng lúa tham gia mô hình. Ảnh: Mai Linh |
Sau khi giải đáp những thắc mắc của từng hộ dân, các hộ dân đã cùng tham quan mô hình sản xuất giống lúa TBR97, Đài Thơm tám đạt tiêu chuẩn VietGAP tại hộ ông Trương Văn Bắc (thôn 1, xã Kim Tân). Qua theo dõi, so sánh với chân ruộng sử dụng giống lúa thuần tại địa phương, thời điểm này cơ bản 20 ha lúa sử dụng giống TBR97 và Đài thơm tám (10 hộ dân) thực hiện mô hình sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh.
Ông Lê Văn Nguyên-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Ia Pa-cho hay: “Vụ mùa 2023, đơn vị đã thực hiện mô hình này với quy mô 20 ha/hộ tham gia, tổng kinh phí hơn 654 triệu đồng, trong đó ngân sách huyện 292 triệu đồng, người dân đóng góp 362 triệu đồng. Đây là mô hình đầu tiên sản xuất theo hướng VietGAP trên địa bàn; qua đây nhằm chuyển giao quy trình sản xuất tiến bộ và tạo ra sản phẩm an toàn, góp phần tạo thương hiệu gạo Ia Pa. Đồng thời; góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong sản xuất và sử dụng sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cây lúa nói riêng và các cây trồng vật nuôi khác trên địa bàn huyện nói chung trong thời gian tới”.